Người đầu tiên "di cư" từ V-League sang một giải đấu khác cùng thuộc Đông Nam Á trong kỳ chuyển nhượng trước mùa giải 2018 là Alvaro Silva. Mùa tới, CLB Hà Nội không tham dự cúp châu Á nên chỉ có suất cho ngoại binh. Chính vì thế, đội bóng này không giữ chân Alvaro Silva.
Nhưng trái với thông tin ban đầu, trung vệ 33 tuổi nhiều khả năng không sang Thái Lan mà chuyển tới Malaysia khoác áo CLB Kedah.
Khi thương vụ này hoàn tất, Alvaro Silva sẽ trở thành cầu thủ thứ 7 được các CLB tại giải VĐQG Malaysia đăng ký nhờ vào suất Đông Nam Á (mỗi CLB được ngoài 4 suất ngoại binh được có thêm 1 suất dành cho cầu thủ Đông Nam Á).
Cũng với chính sách tương tự, Thai League hiện đã chiêu mộ được 6 cầu thủ trong khu vực và vẫn còn 12 CLB đang săn lùng những cái tên xuất sắc thuộc Đông Nam Á.
Đã xuất hiện tin đồn liên quan đến Công Phượng, Văn Quyết hay Xuân Trường, song thương trở thành hiện thực lại là Hoàng Vũ Samson.
Các CLB Thái đang nhìn V-League như một "mỏ" cầu thủ tiềm năng.
Tiền đạo này sẽ khoác áo Buriram mùa giải tới, bất chấp những lời phủ nhận từ CLB Hà Nội trước đó. Thương vụ mang tên Hoàng Vũ Samson đã đem tới một thông điệp quan trọng, cấp bách dành cho toàn bộ V-League.
Giờ đây, những cầu thủ ngoại nhập tịch Việt Nam sẽ trở thành mục tiêu cho nhiều đội bóng Thái Lan. Họ có thể là người gốc Nigeria, Brazil..., đem tới chất lượng vượt trội mà vẫn đáp ứng tiêu chí cho suất Đông Nam Á.
Sở hữu tiềm lực tài chính mạnh, các CLB Thái sẵn sàng trả mức lương hấp dẫn đủ để thu hút các ngôi sao trên. Như thế, những đội bóng Việt Nam, sau khi mất nhiều thời gian và công sức để có được một cầu thủ nhập tịch chất lượng, lại bị "hớt tay trên".
Trong làng bóng đá thế giới, chuyển nhượng là một nguồn thu đáng kể. Bản thân các CLB Thai League bên cạnh việc đi "săn đầu người" cũng biết cách để bán cầu thủ với giá cao. 2 "đại gia" Muangthong và Buriram là những ví dụ điển hình.
Mùa giải trước, Muangthong kiếm về 2,63 triệu euro (71 tỉ đồng) khi để Cleiton Silva sang Trung Quốc cho SH Shenxin. Họ cũng bán được Tanaboon Kesarat với giá 1,36 triệu euro và cho mượn Chanathip Songkrasin nửa mùa giải để đổi lấy 480 nghìn euro.
Buriram cũng có 3 thương vụ đắt giá nằm trong top 10 Thai League. Tổng cộng, đội bóng này thu về 2,8 triệu euro.
Để bán được cầu thủ giá cao, ngoài phẩm chất cá nhân, phong độ, quốc tịch còn liên quan nhiều đến điều khoản như tiền lương, thời hạn, số tiền phá vỡ hợp đồng.
Ví dụ như 2 trường hợp Sanchez và Ozil sắp hết hạn hợp đồng với Arsenal. Pháo thủ muốn thu lại chút tiền vốn thì phải chấp nhận bán họ ngay kỳ chuyển nhượng mùa Đông tới với giá chỉ vào khoảng 20 triệu bảng.
Trong khi đó, nếu vào một thời điểm khác, khi hợp đồng vẫn còn vài năm, Arsenal có thể kiếm về cả trăm triệu euro.
Ngay cả khi có điều khoản phá vỡ hợp đồng lên đến 222 triệu euro, Barca vẫn mất Neymar.
Một ví dụ khác là tại CLB Valencia. Cách đây chưa lâu, đội bóng này từng trải qua những đợt bị "rút ruột" nghiêm trọng từ các "đại gia". Vài cầu thủ Valencia đã ngầm chủ động gia hạn hợp đồng để làm tăng giá trị, nhằm giúp CLB bán được giá hơn.
Một số CLB V-League có vẻ như chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề. Giờ đây, khi mà thị trường chuyển nhượng mở rộng hơn, với sự góp mặt của người Thái và Malaysia, mọi thứ phải thật chặt chẽ.
Bằng không, trong tương lai, hoàn toàn có thể xuất hiện những trường hợp CLB Việt Nam mất trắng ngôi sao vào tay đội bóng nước ngoài mà chẳng thu về được xu nào bởi cầu thủ ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do.
Tranh hạng ba M-150 Cup: U23 Việt Nam 2-1 U23 Thái Lan