Theo từ điển Collins, khái niệm phong tỏa được định nghĩa là “sự áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc đi lại, tương tác xã hội và tiếp cận không gian công cộng”, và tần suất sử dụng từ này đã bùng nổ trong năm 2020 với sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới.
Theo thống kê sơ bộ từ những người sử dụng nền tảng Collins Corpus của hệ thống từ điển này, bao gồm khoảng 4,5 tỷ từ được tổng hợp từ các trang web, sách báo, cũng như tài liệu nói từ đài phát thanh, truyền hình cùng các đoạn hội thoại, tính đến thời điểm này của năm 2020 đã có ít nhất 250.000 lần từ ‘phong tỏa’ được sử dụng trong mọi ngữ cảnh, tăng một cách đột biến so với chỉ 4.000 lần trong cả năm 2019.
“Chúng tôi chọn từ phong tỏa là từ ngữ của năm vì danh từ này đã tổng hòa được những gì mà hàng tỷ người trên toàn thế giới đã và đang phải trải qua để ngăn chặn virus SARS-CoV-2, nhất là khi việc phong tỏa đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến cách chúng ta làm việc, học tập, mua sắm và giao tiếp xã hội…”, chuyên gia tư vấn nội dung ngôn ngữ của từ điển Collins, bà Helen Newstead nói.
Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã phải "phong tỏa toàn quốc" lần hai khi dịch COVID-19 tái bùng phát. Ảnh: EPA
Bên cạnh đó, bà Newstead cũng cho rằng phong tỏa không phải là một khái niệm vui vẻ gì trong bối cảnh không ít các quốc gia trên thế giới đang bước vào quá trình “bế quan tỏa cảng” lần hai nhưng có lẽ đây là từ không thể thích hợp hơn để tổng kết năm vừa qua trên toàn cầu.
Trong khi đó, không chỉ từ phong tỏa hay một số từ ngữ liên quan đến đại dịch COVID-19 như virus Corona mới, giãn cách xã hội, tự cách ly có sự gia tăng đột biến về số lần sử dụng, hệ thống từ điển Collins cũng đã ghi nhận từ viết tắt BLM, biểu thị cho phong trào “Mạng sống người da màu quan trọng” nhằm chống lại nạn phân biệt chủng tộc là một trong 10 từ được nhiều người sử dụng nhiều nhất trong năm qua khi tần suất tăng đến 581% so với cùng kì năm ngoái.