Tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010, Vũ Hoàng My nổi bật lên như một nhan sắc lạ. Mặc dù chỉ giành danh hiệu Á hậu, song Vũ Hoàng My chứ không phải Hoa hậu Ngọc Hân mới là người đẹp thành công nhất trong showbiz sau đó.
Hoàng My được cử tham dự hai cuộc thi nhan sắc lớn nhất thế giới là Miss World và Miss Universe. Cô cũng là người đầu tiên mang ra thế giới một vẻ đẹp Việt kiểu khác, không dịu dàng e lệ như thời của Nguyễn Mai Phương, Nguyễn Thị Huyền hay Hương Giang mà tràn đầy năng lượng và khát vọng.
Việc không sa đà vào những cuộc vui showbiz và dành tuổi trẻ cho học tập, thực hiện hoài bão trở thành một đạo diễn phim, tham gia các chương trình xã hội giàu ý nghĩa… đã khiến Hoàng My ngày càng đẹp đẽ trong mắt công chúng với hình tượng một người đẹp tri thức.
Song đáng tiếc, chỉ vì một phát ngôn thiếu cẩn trọng, Hoàng My đã đạp đổ bức tượng đài tốn công tự họa trong suốt 7 năm qua.
Chỉ vì một phát ngôn thiếu cẩn trọng, Hoàng My đã đạp đổ bức tượng đài tốn công tự họa trong suốt 7 năm qua.
Trong lúc dư luận đang chỉ trích cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vì tổ chức vào thời điểm và ngay tại địa điểm mà cơn bão cấp 15 vừa tàn phá, thì Hoàng My, thay vì im lặng chờ cơn thịnh nộ trôi đi, lại vội vàng lên tiếng bênh vực cuộc thi và các thí sinh.
Nhưng giá như cô bớt thông minh đi một chút, bớt hoạt ngôn đi một chút thì chuyện "vạ miệng" chắc sẽ không xảy ra. Và hình ảnh của cô có lẽ sẽ được bảo toàn.
Nhưng vì cô vốn nổi tiếng thông minh nên cô cũng phải dùng cách nói không giống ai. Thay cho một lời bảo vệ trực diện, Hoàng My chọn cách nói ẩn ý. Và sự thông minh đã hại chết cô.
Sự thông minh đã hại chết Hoàng My.
"Bão Damrey đến rồi đi trong đêm, không nhằm nhò gì so với thiệt hại của những cơn bão không hồi kết cho đương kim hoa hậu đâu em ạ…" Ai cũng hiểu thực ra Á hậu chỉ muốn bảo vệ các cô gái hoàn vũ trong cơn bão chỉ trích của dư luận.
Nhưng cách cô bảo vệ lại phản cảm với những người đang phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp của Damrey. Đành rằng, các người đẹp cũng là những nạn nhân phái sinh của Damrey. Cái họ gánh chịu có thể là búa rìu dư luận, là tổn thương tinh thần.
Nhưng nếu so sánh những tổn thương ấy với hơn năm chục mạng người tử nạn, với nỗi đau của những thân nhân người gặp nạn, với nỗi tan hoang bất lực của những người dân phải nhìn toàn bộ gia tài trôi ra biển hay chịu cảnh màn trời chiếu đất vì bão… thì thật khập khiễng, phù phiếm và ngớ ngẩn.
Hoàng My đã xin lỗi. Nhưng dường như lời xin lỗi của cô không đủ xoa dịu dư luận. Phát ngôn của cô nghiêm trọng tới mức cô bị cộng đồng mạng kêu gọi tẩy chay trên diện rộng.
Hình ảnh của cô trở nên xấu xí chẳng thua các mỹ nhân vướng scandal "người thứ ba" trong showbiz Việt. Câu nói "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng" chưa bao giờ lại đúng đến thế như trong trường hợp của Hoàng My.
Câu nói "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng" chưa bao giờ lại đúng đến thế như trong trường hợp của Hoàng My.
Điều đáng nói là, trước Á hậu Việt Nam 2010, cũng đã có không ít Hoa hậu vạ miệng như thế, dù mức độ ít nghiêm trọng hơn Hoàng My nhiều.
Còn nhớ người đẹp Nguyễn Thị Loan cũng mắc vạ miệng với một cộng đồng mạng khác ở tận xứ người Philippines cũng vì cách ăn nói thiếu suy nghĩ chín chắn ấy.
Vô tư bình luận "ugly" trước bức ảnh của Hoa hậu Quốc tế 2016 người Philippines vừa đăng quang, Nguyễn Thị Loan hẳn không nghĩ rằng bản thân mình cũng là một người đẹp, cũng đi chinh chiến khắp trong nước và quốc tế và… chưa lần nào ghi tên vào Top 3.
Khiếm nhã nhất là chê bai trực tiếp ngoại hình một cô gái, chứ chưa nói tới việc cô gái ấy đang ở một đẳng cấp cao hơn mình về thứ bậc nhan sắc trên trường quốc tế.
Câu chuyện "vạ miệng" bị khơi lại vào thời điểm đại diện Việt Nam chuẩn bị đến đấu trường Miss Universe 2017 cũng phần nào khiến cô gặp bất lợi.
Nguyễn Thị Loan đã gửi bức thư xin lỗi người hâm mộ Philippines vì phát ngôn dại dột của mình cách đây một năm.
Nhưng ít nhiều câu chuyện bị khơi lại vào thời điểm đại diện Việt Nam chuẩn bị đến đấu trường Miss Universe 2017 cũng phần nào khiến cô gặp bất lợi. Thế mới biết, trong thời đại mạng xã hội, một lời nói ra đến bão cũng không thổi bay đi được.
Nói về chuyện "vạ miệng" của Hoa hậu thì có lẽ không ai vượt qua được kỉ lục về số lần "vạ miệng" của Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy.
Câu nói "bản thân cái đẹp đã là tài năng rồi" của Hoa hậu Thu Thủy giờ trở thành câu cửa miệng của nhiều người, nhưng vào thời điểm nó được phát ngôn, cô đã nhận phải cơn bão chỉ trích từ dư luận.
Nguyên văn câu nói của Hoa hậu là: "Nhan sắc là một sự hội tụ của nhiều yếu tố và tôi nghĩ bản thân cái đẹp đã là tài năng rồi.
Bạn có thể cố gắng hát hay, học giỏi, có những học vấn này nọ, nhưng với vẻ đẹp, dù có sự can thiệp của thẩm mỹ, đó vẫn không phải là vẻ đẹp thực sự, giá trị cốt lõi. Tất nhiên, người ta cũng nói về sự đức hạnh, trí tuệ… nhưng cao hơn cả là vẻ đẹp bên ngoài".
Nói về chuyện "vạ miệng" của Hoa hậu thì có lẽ không ai vượt qua được kỉ lục về số lần "vạ miệng" của Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy.
Việc đánh giá vẻ đẹp bên ngoài cao hơn cả đức hạnh, trí tuệ, học vấn và sự nỗ lực đã khiến Thu Thủy bị dư luận cho là "ngạo mạn, phản giáo dục".
Vẻ đẹp bề ngoài vốn không thể lâu bền và tỏa sáng nếu không có những yếu tố bên trong như đức hạnh, trí tuệ, học vấn và sự nỗ lực, thậm chí là hoàn toàn vô nghĩa và tăm tối.
Phát ngôn của Hoa hậu Thu Thủy vô tình cổ súy cho các cô gái trẻ chạy theo cái đẹp bề ngoài, cái đẹp hình thức mà xem nhẹ việc trau dồi phẩm hạnh.
Và thực tế, phần lớn những chân dài showbiz hiện nay đang theo đuổi lối sống ấy. Có lẽ một phần nhờ động lực từ phát ngôn của Hoa hậu Thu Thủy.
"Bản thân cái đẹp đã là tài năng rồi".
Nhưng đó không phải lần duy nhất. Trong một talkshow bàn về chuyện "tham vàng bỏ ngãi", đối thoại với NSND Quốc Anh, Hoa hậu Thu Thủy chẳng ngần ngại phủ nhận quan điểm "một mái nhà tranh hai trái tim vàng" của danh hài.
Khi NSND Quốc Anh nói: "Một người phụ nữ ngồi sau một chiếc xe Wave Tàu cười phe phé hơn là một người phụ nữ ngồi trong Camry, Maybach mà thút thít khóc", Hoa hậu Thu Thủy duyên dáng đáp lời: "Phụ nữ chúng em thường hay nói với nhau rằng, khóc ở đâu cũng thế thôi nhưng khóc ở trong xe Mercedes vẫn thích hơn trên xe đạp hay đằng sau một cái Wave Tàu".
Câu nói của Hoa hậu Thu Thủy ngay lập tức trở thành câu quote nổi bật nhất trên mạng xã hội và đến giờ vẫn là kinh điển cho một lối sống thực tế và thực dụng của con người hiện đại.
Người ủng hộ Hoa hậu không ít, người chỉ trích Hoa hậu cũng chẳng lèo tèo. Và đến giờ, phát ngôn của Hoa hậu vẫn là đề tài tranh cãi, rằng có thực ngồi khóc trên xe Mercedes thích hơn ngồi cười đằng sau cái Wave Tàu hay không.
Phụ nữ phải chẳng chỉ khi kiếm được người đàn ông cho cô chiếc Mercedes thì mới có hạnh phúc thực sự chăng? Và giá trị của tài sản luôn tỉ lệ thuận với hạnh phúc của một cô gái?
Hoa hậu thông minh thôi còn chưa đủ, giỏi ăn nói thôi cũng chưa đủ. Họ còn phải thực sự am hiểu các vấn đề đời sống xã hội để không trở thành những công dân lạc lõng.
Nhưng tranh cãi dù theo chiều hướng nào, hình ảnh một Hoa hậu thuần khiết, có trí tuệ, có tâm hồn đẹp đều đã trở thành dĩ vãng với Hoa hậu Việt Nam 1994.
Bởi người ta cho rằng, một người đẹp công khai ủng hộ lối sống đề cao hình thức và vật chất thì không còn xứng với giá trị của hai chữ Hoa hậu nữa, vì "quốc sắc" nhưng lại thiếu "thiên hương".
Một câu châm ngôn của thời hiện đại là: "Hãy phát ngôn trên mạng xã hội, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai." Các Hoa hậu, người đẹp Việt phải chăng đã chọn cách định danh cá nhân theo lối ấy?