Theo hãng truyền thông Muzhi Videos đưa tin vào ngày 21/2, một nữ sinh (thành phố Thái Châu, Chiết Giang, Trung Quốc) đã ngất xỉu sau khi biết điểm số mà bản thân đã đạt được (429 điểm) trong kỳ thi tuyển sinh sau đại học.
Nếu mọi người thường chỉ biết đến Gaokao - kỳ thi đại học tại Trung Quốc được xem là khắc nghiệt nhất trên thế giới, thì những năm gần đây, Kaoyan (khảo nghiên) - kỳ thi tuyển sinh sau đại học của Trung Quốc cũng nổi lên như một hiện tượng vì mức độ cạnh tranh cực lớn. Thậm chí, đây còn được coi là "cuộc chiến" mới của người trẻ Trung Quốc để tìm kiếm việc làm trong thị trường lao động hiện nay.
Để vượt qua kỳ thi Kaoyan, sinh viên Trung Quốc phải làm bài kiểm tra viết với tổng số điểm là 500 vào cuối tháng 12. Nếu đủ điều kiện, họ sẽ phải tiếp tục tham gia vòng phỏng vấn vào tháng 3 trước khi bắt đầu quá trình học cao học.
Kaoyan được coi là cuộc chiến mới của người trẻ Trung Quốc
Quay trở lại với câu chuyện ở mở bài, mẹ của cô gái bị ngất - bà Jiang kể lại: "Con gái tôi học đại học ở Vân Nam. Nó đã thuê trọ để học ở Vân Nam một mình và đã không về nhà trong suốt một năm trời để chuẩn bị cho kỳ thi khốc liệt này".
Thậm chí theo chia sẻ của người mẹ, con gái bà còn không sử dụng điện thoại di động trong suốt thời gian dài học tập tại đây. Nhiều lúc gia đình muốn gọi điện hỏi thăm nhưng chẳng thể được.
Người mẹ phỏng đoán, sức khỏe của con gái bà không được đảm bảo do ôn thi quá mệt và đó rất có thể là nguyên nhân khiến cô bị ngất. Dù còn trong quá trình điều trị tại bệnh viện nhưng con gái của bà Jiang vẫn học ngày học đêm, mọi người ra sức khuyên ngăn cũng chẳng được bởi vào tháng 3 tới đây, cô gái sẽ tham gia vào vòng phỏng vấn.
Cô gái trẻ đã phải nhập viện sau khi biết điểm số trong kỳ thi tuyển sinh sau đại học mà mình nhận được. Ảnh: Weibo
Khi chứng kiến con gái như vậy, bà Jiang vừa mừng lại vừa lo: "Con gái tôi gặp nhiều khó khăn quá. Nó thực sự muốn học lên cao học và tôi tự hào về con". Thậm chí, để tâm lý của con không bị ảnh hưởng, bà Jiang nhất quyết không tiết lộ trường mà con bà ứng tuyển để học lên cao học.
Liên quan đến sự việc, sau khi video ghi lại cảnh cô gái bị ngất xỉu được đăng tải trên MXH, nhiều luồng tranh luận đã xuất hiện. "Xã hội bây giờ có quá nhiều áp lực", "Tại sao lại phải bào mòn sức khỏe như vậy nhỉ?", "Tôi cũng từng học cao học lên tôi biết, thực sự rất vất vả"..., netizen bình luận.
"Cuộc chiến" mới của người trẻ Trung Quốc
Từ khi Trung Quốc mở rộng hệ thống giáo dục đại học vào cuối những năm 1990, tỷ lệ nhập học đại học tăng từ 34% vào năm 1998 lên 92% vào năm 2021. Giờ đây, bằng đại học đã trở nên cực phổ biến tại đất nước tỷ dân này. Nếu muốn khẳng định vị thế của mình trong thị trường lao động hiện nay, nhiều người trẻ đã chuyển trọng tâm từ học đại học bình thường sang học ở các trường hàng đầu như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh...
Còn những người chỉ trúng tuyển các trường đại học ở mức trung bình, khá, họ phải chuẩn bị cho kỳ thi sau đại học. Đây được coi là cơ hội thứ hai để chứng tỏ bản thân và giành "một chân" trong cuộc chiến tìm việc làm.
Ở Trung Quốc, có hai cách để các trường sau đại học lựa chọn và tìm kiếm thí sinh để học lên cao học. Một là trực tiếp lựa chọn những học sinh ưu tú từ các trường được xếp hạng top đầu trong nước. Cách còn lại và phổ biến hơn cả là tổ chức kỳ thi tuyển sinh sau đại học. Dẫu vậy, đây được coi là cách thức vô cùng khó khăn bởi trong 10 năm qua, tính cạnh tranh của kỳ thi sau đại học đã trở nên gay gắt đến mức những thí sinh dự thi coi nó là "Gaokao phiên bản nâng cao".
Theo dữ liệu được công bố bởi trang web giáo dục China Education Online, 4,74 triệu người đã đăng ký tham gia kỳ thi sau đại học diễn ra vào cuối năm 2022. Trong khi tất cả họ đều hy vọng trở thành nghiên cứu sinh vào mùa thu năm 2023, tỷ lệ vượt qua kỳ thi này chỉ là 1/4.
Học sinh ôn thi đại học ở Trung Quốc
Trong 3 năm qua, giới trẻ Trung Quốc đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Năm 2022, Trung Quốc có 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, tăng 1,67 triệu so với năm 2021. Được biết, đây là lần đầu tiên quốc gia này vượt mốc 10 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học.
Trong khi đó, số liệu do Cục Thống kê Quốc gia của nước này công bố cho thấy vào tháng 7 năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc từ 16 - 24 tuổi là gần 20% - mức cao nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố số liệu vào năm 2018. Dù hiện tại con số này đã giảm, nhưng nó vẫn nằm ở mức cao gấp ba lần mức trung bình của cả nước.
Nhận thấy được tính cạnh tranh khốc liệt trong thị trường lao động hiện nay, nhiều sinh viên chọn cách rẽ hướng học lên cao học và nghiên cứu sâu về chuyên môn thay vì đi tìm kiếm việc làm luôn. Họ cho rằng việc học lên cao học được coi như một cách để tránh được khó khăn bước đầu khi không phải đối diện trực tiếp với làn sóng sa thải cũng như tỷ lệ thất nghiệp cao như hiện nay, nhưng liệu rằng công việc tương lai có đảm bảo được không, bản thân họ cũng không dám chắc chắn.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc từ 16 - 24 tuổi là gần 20% - mức cao nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố số liệu vào năm 2018
Giáo sư Wu Xiaogang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội ứng dụng chia sẻ, khi bằng đại học trở nên phổ biến, các doanh nghiệp đã áp dụng nhiều tiêu chí tuyển dụng khắt khe hơn. Vậy nên, các ứng viên trẻ phải đối mặt với vô vàn áp lực hơn so với những đồng nghiệp lớn tuổi, vốn giàu kinh nghiệm.
Trong khi đó, Trung Quốc còn phải đối mặt với một thử thách nữa là lực lượng lao động được đào tạo chuyên môn quá mức cần thiết. Hiểu một cách đơn giản, trình độ học vấn của một nhân viên Trung Quốc hiện nay đang vượt quá yêu cầu đối với công việc của họ.
Giáo sư Wu Xiaogang cho biết: "Học quá trình độ chuyên môn nghĩa là chúng ta được hưởng lợi ít hơn từ việc học và giảm mức độ hài lòng trước công việc phù hợp với bằng đại học. Ở cấp độ xã hội, học quá cao là sự lãng phí to lớn vào đầu tư vốn con người".
Vị giáo sư này cũng cho biết thêm, nếu tư duy quan trọng hóa bằng cấp không thay đổi, các kỳ tuyển sinh của Trung Quốc sẽ càng trở nên căng thẳng hơn.
Theo SCMP, Sixth Tone