Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân 2014 đã chính thức được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo nội dung Luật mới, thẻ căn cước sẽ thay đổi 5 thông tin quan trọng này:
Thứ nhất, thẻ sẽ được đổi tên từ Căn cước công dân đổi thành Căn cước. '
Việc đổi tên được giải thích là để khoa học hơn, bao quát hơn, phù hợp hơn với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, xu hướng quản lý xã hội số.
Thứ hai, thông tin quê quán được đổi thành nơi đăng ký khai sinh.
Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định quê quán là thông tin quê quán của cha hoặc mẹ người dân. Tuy nhiên, luật Căn cước sẽ điều chỉnh bỏ thông tin về quê quán trên thẻ căn cước và tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc đổi từ quê quán thành nơi đăng kí khai sinh được giải thích là để mang tính chính xác, tính ổn định hơn với bất kì công dân nào.
Thứ ba, thay đổi từ nơi thường trú thành nơi cư trú.
Với luật Căn cước công dân cũ, người dân bắt buộc phải có địa chỉ đăng kỉ thường trú thì mới có thẻ căn cước công dân, điều này khiến nhiều người dân khó được cấp.
Tuy nhiên, luật mới thông qua quy định, công dân chỉ đăng ký tạm trú vẫn được cấp thẻ căn cước. Từ đó, tất cả người dân đủ điều kiện cấp thẻ căn cước được bảo đảm quyền lợi khi có giấy tờ tùy thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Thứ tư, lược bỏ dấu vân tay ngón trỏ.
Điều này được giải thích là để bảo mật hơn. Thay vì thể hiện trên căn cước, vân tay ngón trỏ của công dân sẽ được lưu trữ trong phần mã hoá của thẻ.
Thứ năm, người dưới 14 tuổi cũng có thể có thẻ căn cước.
Luật cũ quy định người được cấp căn cước công dân phải đủ từ 14 tuổi trở lên, song luật mới quy định công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cũng được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu nhằm giảm thủ tục hành chính, giảm giấy tờ.
Một điểm đáng chú ý của Luật Căn cước là việc bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước. Quy định này để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân, hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người.