Chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch để tăng cường xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp nâng cao hiệu quả của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Ảnh: NT
Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122 năm 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14 năm 2018 quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.
Theo Nghị định số 122, từ 01/01/2029, khi mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân biên giới phải có mặt để làm thủ tục xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, trong năm 2029, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh số lần được miễn thuế, số tiền được miễn thuế cho nhập khẩu hàng hóa theo hình thức mua bán và trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.
Cụ thể, từ ngày 01/01/2030, hàng hóa chỉ được làm thủ tục xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu quốc tế; cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); cửa khẩu phụ; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); lối mở biên giới đã hoàn thành trình tự mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới, lối mở biên giới theo quy định pháp luật hiện hành và đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất khẩu, nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.
Như vậy, hàng hóa củaViệt Nam sẽ ngừng xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc kể từ 01/01/2030.
Ngoài ra, Nghị định số 122 năm 2024 cũng tiến hành sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Nghị định số 14 năm 2018 quy định về phương thức thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới.
Nghị định số 122 vẫn quy định 3 phương thức thanh toán. Thứ nhất, thanh toán qua ngân hàng. Thứ hai, thanh toán bù trừ giữa hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu với hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu (phần chênh lệch thanh toán qua ngân hàng). Thứ ba, thanh toán bằng tiền mặt.
Thế nhưng, theo quy định mới, phương thức thanh toán bằng tiền mặt chỉ được áp dụng đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.
Nghị định số 122 còn bổ sung Điều 4a quy định về tiêu chuẩn hàng hóa trong hoạt động thương mại biên giới. Cụ thể, hàng hóa trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân, cư dân biên giới phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc và các điều kiện khác theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu.
Đồng thời, phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa và chủ thể kinh doanh của Việt Nam được đi qua các cửa khẩu và lối mở biên giới quy định tại Nghị định này để ra hoặc vào chợ biên giới của nước có chung đường biên giới, phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng quản lý chuyên ngành tại cửa khẩu, lối mở biên giới.
Nghị định số 122 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2024.
Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 65,81 tỷ USD, giảm 8% so với tháng trước, nhưng tăng 10,9% so với cùng kỳ của tháng 9/2023.
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ của nước ta đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, xuất khẩu tăng 15,4% và nhập khẩu tăng 17,3%. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD.
Trong đó, 6 thị trường lớn nhất gồm Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm tới 78,6%, tương ứng đạt 455,1 tỷ USD.
Đáng chú ý, Việt Nam chi tới 105 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong 9 tháng đầu năm 2024.
Ở chiều ngược lại, về xuất khẩu, trong 9 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang 6 thị trường lớn nhất, với kim ngạch đạt 235,6 tỷ USD. Trong đó, Mỹ tiếp tục dẫn đầu với 89,4 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2023. Mỹ cũng là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm này.
Vị trí thứ hai là Trung Quốc, với kim ngạch đạt 43,6 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 là ASEAN, với kim ngạch đạt 27,6 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.