Những ngày vừa qua, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc phải đón Tết Nguyên đán trong nắng nóng gay gắt chưa từng có, nhiệt độ có nơi trên 31 độ C khiến nhiều người cảm thấy oi bức, nắng nóng khó chịu, nhiều người gọi mùa Tết 2019 là Tết trong “mùa hè”.
Từ 7h sáng, thời tiết Hà Nội và các tỉnh miền Bắc có nắng và gay gắt vào buổi trưa, nhiệt độ cao khiến nhiều người đi du xuân cảm thấy oi bức, nắng nóng khó chịu như mùa hè. Trên đường phố và những điểm vui chơi giải trí những ngày này đã tấp nập người.
Xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, dòng người đổ về đây cũng mỗi lúc một đông. Đưa 2 con đi chơi ở Bờ Hồ, chị Phạm Thị Hoàn ở quận Cầu Giấy cho biết: “Không khí Tết năm nay ấm, mọi người đi chơi hơi nắng nhưng thoải mái. Khác năm 2018 là có độ se se lạnh nhưng năm nay lại nóng”.
Trong những ngày vừa qua, nhiệt độ đo được ở các tỉnh phía Bắc trong khoảng từ 28 đến 32 độ C. Trong ngày hôm nay (mùng 4 Tết) tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ nhiệt độ trên 30 độ C.
Riêng khu Tây Bắc có những điểm như tại Mường La, Sơn La nhiệt độ lên đến 33- 34 độ.
Nắng nóng làm cuộc sống người dân đảo lộn trong những ngày này. Những năm trước, vào dịp Tết Nguyên đán nhiệt độ thường xuống thấp, tiết trời se lạnh rất dễ chịu.
Tuy nhiên, nhiệt độ những ngày vừa qua lên cao như mùa hè khiến thực phẩm Tết nếu không bảo quản lạnh sẽ bị ôi thiu.
Ông Nguyễn Văn Thinh, ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định cho biết, Tết 2019 là Tết trong “mùa hè”, gia đình buộc phải bỏ bánh chưng, thịt lợn vào tủ lạnh sớm hơn dự định.
"Trước và sau Tết nắng nóng nhiều. Người già, người trẻ khó chịu vì gió đông, ảnh hưởng đến du xuân, vui Tết. Thời tiết nắng mùa đông như mùa hè. Năm nay, việc đi lại thoải mái, nhưng đồ ăn Tết không an toàn do thời tiết nắng nóng”, ông Thinh nói.
Bà Nguyễn Thị Huế, dự báo viên, phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia giải thích, thời tiết Tết Nguyên đán năm nay khá nắng so với thời điểm này của nhiều năm trước.
Nguyên nhân chính gây ra thời tiết nắng vào dịp Tết là do khối không khí lạnh chi phối thời tiết các tỉnh Bắc Bộ suy yếu và không có đợt không khí lạnh nào tăng cường bổ sung trong những ngày qua.
Ngoài ra một khối không khí nóng ở phía Tây phát triển, tác động đến thời tiết các tỉnh miền Bắc khiến tình trạng nóng kéo dài trong những ngày Tết.
Theo bà Nguyễn Thị Huế, khối không khí gây nóng cho các tỉnh Bắc Bộ trong những ngày qua sẽ bắt đầu hoạt động yếu dần vào ngày mai, do đó tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc từ mai nhiệt độ sẽ giảm từ 1-2 độ.
“Mức nhiệt cao nhất ngày mai (5 Tết) chỉ dao động quanh ngưỡng 30 độ C. Khoảng từ ngày 11/2 tức là ngày làm việc đầu tiên của năm mới sẽ có 1 khối không khí lạnh nhỏ từ phía Bắc tác động xuống.
Chính vì vậy, nhiệt độ ở các tỉnh thành Bắc Bộ sẽ có quá trình giảm nhiệt đáng kể và trời sẽ chuyển mát trong ngày 11/2.
Nhiệt độ cao nhất trong ngày này sẽ phổ biến dưới 26 độ C. Ngoài ra mưa cũng có thể xuất hiện đầu tiên trong ngày làm việc đầu xuân năm mới này”, bà Nguyễn Thị Huế cho biết thêm.
Đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi trong thời tiết nắng nóng, nhiều người cảm thấy bức bối và khó chịu. Bởi, Tết đến, xuân về, người Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc luôn nhớ không khí se lạnh hay mưa phùn và giá rét.
Không khí se lạnh để mọi người xích lại gần nhau hơn trong kỳ nghĩ lễ dài ngày./.