Từ một số vụ bắt cóc trẻ em: Những tình tiết đáng lưu tâm

Thanh Hà - Phạm Nguyễn |

Qua một số vụ bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản gần đây cho thấy, hung thủ không chỉ là đối tượng lạ mặt mà có thể còn là người thân, quen với gia đình nạn nhân. Đây là một trong những tình tiết rất đáng lưu tâm trong việc phòng ngừa, ngăn chặn những nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra đối với trẻ em.

Khi kẻ bắt cóc là người thân quen

Chiều 2/10, đối tượng Nguyễn Thanh Sơn (34 tuổi, trú tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bắt cóc bé gái 3 tuổi (con của một người bạn), đòi tiền chuộc 2 tỷ đồng. Công an tỉnh Long An phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Công an TPHCM và Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành truy bắt đối tượng. Sau nhiều giờ đồng hồ, Sơn bị bắt giữ khi đang trên xe khách bỏ trốn. Lực lượng chức năng đã giải cứu bé gái an toàn và bàn giao cho gia đình.

Dù bé L.M.C đã trở về vòng tay của cha mẹ song gia đình bé vẫn chưa hết bàng hoàng vì không ngờ đối tượng ra tay bắt cóc, tống tiền lại là người thân thiết với gia đình. Ông L.Đ.T (61 tuổi, ông nội bé C) cho biết, hằng ngày, bé L.M.C được gửi ở một trường mẫu giáo tại phường 6 (TP Tân An) cách nhà khoảng 2km. Buổi sáng người thân đưa bé vào trường và khoảng sau 16 giờ thì bố hoặc mẹ bé có mặt ở sân trường đón bé về nhà. Tuy nhiên, khoảng 16 giờ ngày 2/10, sắp đi đón con thì anh T (bố của bé C) nhận được tin nhắn qua zalo, thông báo “con gái mày đã bị tao bắt cóc”. Tài khoản nhắn tin là của người bạn thân anh T tên Nguyễn Thanh Sơn (34 tuổi, ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa). Chưa hiểu chuyện gì thì anh T tiếp tục nhận tin nhắn gửi số tài khoản và yêu cầu anh chuyển 2 tỷ đồng để chuộc con. Đối tượng còn đe dọa anh nếu không chuyển tiền hoặc báo Công an thì sẽ giết chết bé, rồi tự tử.

Từ một số vụ bắt cóc trẻ em: Những tình tiết đáng lưu tâm - Ảnh 1.

Thượng tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học

Nhận thấy sự việc nghiêm trọng, anh T đề nghị đối tượng bình tĩnh, không làm hại đến bé và hứa sẽ chuyển tiền. Người thân của bé vội chạy nhanh lên trường mới biết bé đã được một phụ huynh khác rước về cùng con trai ruột đang học chung lớp với bé L.M.C. Ông nội bé chia sẻ, khi biết bé bị bắt cóc, gia đình rất bối rối, nhất là đối tượng liên tục nhắn tin yêu cầu chuyển tiền, không được báo công an. Để bảo vệ tính mạng của bé, gia đình đã chuyển vào tài khoản của đối tượng 1 tỷ đồng, đồng thời bí mật trình báo công an...

Trung tướng Trần Ngọc Hà nhấn mạnh, ngoài công tác tuyên truyền, thì chính người dân, bố mẹ các cháu cần nâng cao cảnh giác để bảo đảm an toàn cho con em mình. Đồng thời, quần chúng nhân dân nếu phát hiện có những biểu hiện, dấu hiệu bất thường thì cung cấp cho cơ quan công an để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm.

Trước đó, ngày 19/9, một bé gái 21 tháng tuổi ở Hà Nội đã bị nữ giúp việc của gia đình bắt cóc, nhắn tin đòi 1,5 tỷ đồng tiền chuộc. Trong khi các lực lượng chức năng đang lần tìm manh mối, lên phương án giải cứu thì nghi phạm đã sát hại cháu bé, ném xuống ao của một nhà dân ở Hưng Yên.

Liên quan vụ việc trên, trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, Trung tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết: Để phòng ngừa hành vi bắt cóc trẻ em thì các cơ sở trông giữ trẻ, gia đình khi thuê người chăm sóc trẻ phải có sự nghiên cứu, tin tưởng thì mới giao các cháu cho họ. Ngoài ra, về phía gia đình cũng cần có sự liên kết, giao tiếp qua các phương tiện liên lạc với thầy cô chăm sóc trẻ nhằm đảm bảo “người đi đón các cháu đúng là người được gia đình ủy quyền”.

Cũng nêu quan điểm về các vụ việc bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản, Thượng tá, tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học, Cục Truyền thông Bộ Công an cho rằng, những đặc điểm phổ biến của loại tội phạm này là hành vi bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào và nạn nhân là trẻ em ở mọi lứa tuổi. Đối tượng gây án là bất kỳ ai, có thể là bạn bè, người thân của gia đình nạn nhân…

Theo tiến sĩ Hiếu, có thể thấy hung thủ thường là đối tượng túng quẫn về tài chính nhưng có nhu cầu chi tiêu hoặc trả nợ mà không có khả năng giải quyết nên đã nảy sinh ý định bắt cóc trẻ em, đưa ra yêu sách để bố mẹ nạn nhân phải đưa tiền thì mới thả nạn nhân. Để bảo đảm không bị gia đình nạn nhân tố cáo, trình báo với cơ quan công an, đối tượng thường gây áp lực tinh thần bằng cách đe dọa sẽ giết hại hoặc cắt chân, tay… “con tin”.

Từ một số vụ bắt cóc trẻ em: Những tình tiết đáng lưu tâm - Ảnh 3.

Bé gái 3 tuổi bị bắt cóc ở Long An được giải cứu, trở về với gia đình

“Tâm lý kẻ phạm tội sau khi bắt cóc trẻ em thường rất sợ bị phát hiện, bắt giữ. Chính nỗi sợ bên trong thúc đẩy đối tượng có sự cảnh giác, thận trọng cao độ khi giao dịch với gia đình nạn nhân. Đối tượng thường sử dụng sim rác trong giao dịch, liên tục thay đổi địa điểm giao tiền, thường yêu cầu để tiền tại các địa điểm công cộng chứ không trực tiếp gặp gia đình nạn nhân để nhận tiền, vì sợ bị bắt” - tiến sĩ Hiếu phân tích.

Ngày 4/10, ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Long An ký văn bản yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học đối với giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học... sau sự việc bé gái bị bắt cóc đòi tiền chuộc 2 tỷ đồng. Văn bản của Sở GD&ĐT Long An yêu cầu, khi phát hiện đối tượng lạ có các hoạt động, biểu hiện nghi vấn, phụ huynh và giáo viên nhanh chóng thông báo cho cơ quan công an gần nhất. Cha mẹ nên đưa đón trẻ trực tiếp, nếu không đưa đón được thì phải đăng ký cụ thể thông tin, hình ảnh, số điện thoại,... của người được ủy quyền.

Tiến sĩ Đào Trung Hiếu đưa ra lời khuyên với các bậc phụ huynh có con nhỏ rằng: Không thể đặt lòng tin một cách tuyệt đối với người “lạ”, trừ những người ruột thịt như anh, chị, em, bố mẹ, ông, bà nội ngoại. Đặc biệt là những người đang có “vấn đề” nợ nần về tài chính thì không thể giao con cho họ và luôn phải có những biện pháp để kiểm soát, tính đến các tình huống xấu xảy ra nhằm bảo đảm an toàn cho con trẻ…

Hợp tác chặt chẽ với cơ quan công an

Trước câu hỏi mà các bậc cha mẹ, phụ huynh rất quan tâm đó là “Nếu xảy ra trường hợp trẻ bị bắt cóc thì cần phải làm gì?”, tiến sĩ Đào Trung Hiếu đưa ra lời khuyên: Trong trường hợp trẻ vẫn bị sa vào tay tội phạm, thì chỉ còn cách ứng xử khôn ngoan mới đảm bảo đưa nạn nhân trở lại gia đình trong sự an toàn. Do đó, ngay khi phát hiện con em mình đã bị thất lạc, hay bị bắt cóc (qua thông tin đối tượng báo về đòi tiền chuộc), gia đình nhất thiết phải trình báo với cơ quan công an gần nhất (kể cả bị đối tượng ngăn cản báo công an). Việc trình báo cần tiến hành bí mật, vì đối tượng có thể đang ở ngay trước nhà để quan sát động thái của gia đình trẻ. “Khi trình báo, gia đình cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân của trẻ bị bắt cóc, như họ tên, giấy khai sinh, ảnh, đặc điểm ngoại hình, quần áo, độ tuổi của cháu bé, tên bố mẹ, địa chỉ, số điện thoại của mình, thời gian, địa điểm trẻ bị bắt cóc” - tiến sĩ Hiếu chia sẻ.

Theo ông Hiếu, khi đối tượng gọi điện để đòi tiền chuộc, nên bí mật ghi âm lại cuộc gọi, lưu số máy gọi đến. Trong khi nói chuyện, cần tỏ ra sợ hãi và ngoan ngoãn chấp hành mọi yêu cầu của đối tượng, luôn miệng xin chúng đừng làm hại đứa trẻ. Cần “diễn” cho khéo, tuyệt đối không được đe dọa sẽ báo công an. Nên tập trung vào việc “mặc cả”, thảo luận về thời gian, địa điểm, cách thức giao nhận tiền… để đối tượng bắt cóc khỏi nghi ngờ. Sau khi nói chuyện với kẻ bắt cóc, cần báo cáo cơ quan công an toàn bộ nội dung đàm thoại, số điện thoại của đối tượng. Hợp tác chặt chẽ với công an, không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng phá án. Nếu đối tượng hẹn thời gian, địa điểm, cách thức đưa tiền, cần báo cáo và làm theo hướng dẫn của công an.

Vẫn theo ông Hiếu, gia đình nạn nhân cũng cần lưu ý đề phòng cả trường hợp các đối tượng theo dõi người thân nạn nhân ra điểm hẹn, nhưng trên đường đi chúng dàn cảnh cướp giật để lấy túi tiền. Về số tiền chuộc, cần thực hiện theo yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng phá án.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại