Một trong số những nhân vật đáng thương phải nhận vô số hiểu nhầm từ độc giả chính là vị quân sư nổi tiếng nhà Tào Ngụy - Tư Mã Ý.
Khác với những định kiến rằng ông chỉ là kẻ "hèn nhát", "nhu nhược" hay "yếu kém vô năng", Tư Mã Ý theo đánh giá của nhiều nhà sử học thời nay thậm chí còn tỏ ra không hề kém cạnh với Khổng Minh Gia Cát.
Trong những năm còn sống, tầm nhìn và các quyết định mà Tư Mã Ý từng đưa ra đều cho thấy đây là con người cực kỳ cẩn trọng, tài năng và thậm chí, luôn hoạch định kế sách cho tương lai xa xăm trước mắt.
Tư Mã Ý là nhân vật bị "dìm hàng" rất nhiều trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
Tư Mã Ý vẫn kém Gia Cát Lượng nhiều bậc?
Rất nhiều độc giả Tam Quốc Diễn Nghĩa từng cho rằng, Tư Mã Ý nếu so với Gia Cát Lượng thì vốn chỉ như hạt cát bay giữa sa mạc.
Chính những trận thua của ông trước Khổng Minh trong các lần Bắc phạt đã cho thấy tài cầm quân yếu kém đến mức nào.
Thế nhưng, liệu điều này có hoàn toàn đúng? Cần nhấn mạnh một điều rằng, Khổng Minh thân chinh Bắc phạt, cốt yếu là lấy võ lực, đẩy toàn quân để triệt hạ hoàn toàn nước Ngụy.
Ngược lại, về phía Tư Mã Ý, ông vừa cần thủ trận trước nhiều đợt tấn công của nước Thục, vừa phải giải quyết những vấn đề nội bộ của nước Ngụy.
Theo nhiều đánh giá của giới sử học thời nay, Tư Mã Ý có thể sánh ngang với Gia Cát Lượng về trí lực.
Tiếp đó, những lần "chỉ thủ không đánh, thấy Thục là chạy" của Tư Mã Ý trên thực tế không cho thấy tài năng của ông kém hơn so với Gia Cát Lượng.
Bởi lẽ, khi nhận ra lương thực của quân Thục có hạn, Tư Mã Ý đã nhất quyết muốn kéo dài trận chiến, bào mòn tinh thần đối thủ dẫn đến kiệt quệ, chẳng đánh cũng tự bại.
Gia Cát Lượng hiển nhiên là hiểu được dụng ý của Tư Mã Ý, chỉ có điều thời gian quá khắc nghiệt khiến ông không thể cùng vị cao nhân kia so tài thêm lần nữa.
Ông vô cùng thận trọng và có mắt nhìn xa
Theo đánh giá, những trận thắng của quân Thục trong 6 lần Bắc phạt đều chỉ là chiến thắng nhỏ, hữu danh vô thực.
Còn về phía Tư Mã Ý, ông thua nhưng lại giữ được mục tiêu quan trọng nhất, đẩy lùi đối thủ, bảo vệ giang sơn.
Chính vì thế, nếu đánh giá khách quan, những cuộc đấu trí giữa Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý đều là bất phân thắng bại chứ không hề lệch lạc hẳn về phía Khổng Minh như nhiều người vẫn lầm tưởng...
Khổng Minh nằm trong quan tài vẫn kéo được Tư Mã Ý đi theo
Từng có một giai thoại trong dân gian cho rằng: "Khổng Minh dẫu có chết cũng không buông tha Trọng Đạt".
Chuyện kể trước khi chết, vì biết Tư Mã Ý có thói quen khi đọc sách, thường đưa ngón tay thấm nước bọt để lật trang nên Gia Cát Lượng bèn thức trắng mấy đêm, bôi thuốc độc vào toàn bộ quyển binh thư mình tự soạn.
Quả nhiên, sau này khi chiếm đoạt được cuốn binh thư này, Tư Mã Ý trong lúc mải mê đọc đã trúng độc mà chết.
Trong suốt cuộc đời, Tư Mã Ý luôn xem Gia Cát Lượng là đối thủ xứng tầm, cũng như vị tri kỷ khó tìm.
Có vẻ như, chính vì Tam Quốc Diễn Nghĩa, rất nhiều độc giả tỏ ra chán ghét trước Tư Mã Ý và sử dụng nhiều câu chuyện "bịa" để làm giảm thanh danh của nhân vật này.
Theo sử sách, Tư Mã Ý mất sau Gia Cát Lượng tới hơn 10 năm, hiển nhiên chẳng có chút liên quan gì tới cuốn binh thư mà giai thoại trên nhắc tới.
Kẻ "tội đồ" của nước Ngụy
Vì là người sau cùng "nuốt trọn" nước Ngụy, đặt nền móng cho việc thống nhất 3 nước, Tư Mã Ý thường bị hiểu như kẻ gian đứng đằng sau thao túng triều đình, chuộc lợi cho bản thân.
Dù vậy, nếu xem xét về mặt chính sử, sau khi Tào Duệ chết, Tào Sảng tỏ ra ngày càng độc đoán, chuyên quyền.
Việc thay triều hoán đại của Tư Mã Ý là một bước đi được nhiều người ủng hộ, cũng nhờ đó mà nhà Tây Tấn được thành lập, mở ra thời kỳ lịch sử mới tại Trung Hoa.
Tào Tháo từ lần gặp đầu tiên đã nhận định được tài năng của Tư Mã Ý.
Đáng phục ở chỗ, Tư Mã Ý đã rất nhẫn nhịn, nắm bắt thời cơ và tạo ra cuộc chính biến thành công.
Khi bại trận nhiều lần trước Gia Cát Lượng, hai người con của Tư Mã Ý đứng ngồi không yên, mong muốn "rửa nhục" cho cha.
Khi ấy, ông đã nói: "Các ngươi đến đánh trận hay là đến đọ khí thế với người. Đánh trận, cái đầu tiên phải học là giỏi thua, thua mà không nhục, thua mà không đau, mới là kẻ cười sau cùng".
Khi còn phục dưới trướng Tào Tháo, Tư Mã Ý đã hết lòng đưa ra những hiến sách hợp thời, có tầm quan trọng, góp công lớn trong công cuộc xây dựng nhà Ngụy.
Đến thời Tào Sảng, ý niệm của quân chủ đã không còn, phục dưới kẻ lãnh đạo vô năng, có lẽ việc soán ngôi cũng chỉ là trong sớm muộn mà thôi.
Tư Mã Ý trong mắt người đời sau
Tất nhiên, không phải ai cũng có cái nhìn sai lệch về Tư Mã Ý, nhiều người còn cho rằng, đây mới chính là nhân vật đáng sợ nhất của thời Tam Quốc.
So với Tào Tháo, Lưu Bị hay Tôn Quyền, Tư Mã Ý lại có tuổi đời thọ hơn rất lâu, cũng hoàn thành được nhiều trọng trách lớn lao và đặc biệt là làm được kỳ công mà cả 3 vị minh chủ chưa thể, thống nhất thiên hạ.
Từng có một chi tiết kể rằng, sau khi Gia Cát Lượng chết, Tư Mã Ý đã lấy nước thay rượu để tế Khổng Minh, nước mắt tuôn trào mà thốt lên: "Ông một đời thanh bạch, giống như bát nước vậy, tuy tôi với ông là địch thù với nhau, nhưng tôi luôn coi ông là tri ân, Khổng Minh, để tôi kính ông một lời, Tiên Sinh!".
Từ tận đáy lòng, Tư Mã Ý vẫn luôn coi Gia Cát Lượng là địch thủ cả đời, cũng là tri kỷ khó có, mất đi nhân vật này, dường như đã chẳng còn ai có thể đọ trí cùng Trọng Đạt nữa rồi...