Tháng 12 năm 2015, Hiệp định Paris về phòng chống biến đổi khí hậu đã được ký kết, với mục tiêu chung của các quốc gia là giữ mức tăng trưởng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và dưới 2 độ C tính đến cuối thế kỷ này.
Nhưng theo báo cáo mới nhất của IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu) mọi thứ giờ đã đi chệch hướng. Mức độ tăng mà cả thế giới đang phải hướng đến là tận 3 độ C - con số được đánh giá là thảm họa.
Nếu muốn giữ mức tăng trưởng cũ, chúng ta cần một sự thay đổi "nhanh chóng, toàn diện, chưa từng có trên mọi khía cạnh của xã hội." - trích trong báo cáo của IPCC.
Nói cách khác, đây chính là lần cảnh báo cuối cùng, trước khi thảm họa khí hậu toàn cầu có thể xảy ra.
Bản báo cáo được đưa ra sau một nghiên cứu kéo dài 3 năm, về ảnh hưởng của bản Hiệp định năm 2015 đến các quốc gia trên thế giới. Trong đó có đề cập đến việc các chính trị gia tỏ ra lo ngại các ảnh hưởng về kinh tế và tiêu chuẩn sống của người dân, khi tiền được đổ dồn quá nhiều cho việc phòng chống biến đổi khí hậu.
Tình cảnh của Trái đất đang ngày một xấu đi
Trước vấn đề này, IPCC vẫn bảo lưu quan điểm. Bởi lẽ, mọi chuyện đang tỏ ra hết sức nguy cấp rồi.
"Đầu tiên, giới hạn nhiệt độ là 1,5 độ C sẽ mang lại nhiều lợi ích so với việc nâng nó lên thành 2 độ. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ được kiểm soát," - trích lời giáo sư Jim Skea, đồng chủ tịch IPCC.
"Thứ 2, chúng ta cần những thay đổi chưa từng có nếu muốn giữ nguyên mức giới hạn này: từ hệ thống năng lượng, phương pháp quản lý đất đai, đến hệ thống phương tiện giao thông."
Bức tranh hiện thực đáng lo ngại
Bản báo cáo của IPCC đã vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về thế giới, dựa trên các số liệu và hiện thực cực kỳ đáng lo ngại. Trái đất như đang trải qua một trận sốt nguy hiểm, mà thủ phạm chính là con người.
Đã có những người tin rằng nếu như giữ được mức tăng trưởng nhiệt độ dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ 21, con người sẽ kiểm soát được tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng bản báo cáo mới đã chỉ ra rằng ngay với mức 1,5 độ C thôi đã giống như đem mạng sống của mọi sinh linh trên Trái đất ra đánh cược.
Bi kịch hơn là với xu hướng như hiện tại, con số 1,5 độ C sẽ bị vượt qua vào năm 2030. Nói cách khác, chúng ta sẽ có 12 năm để ngăn mọi thứ chìm vào bế tắc.
Nhưng nếu muốn mọi thứ đi đúng lộ trình, 12 năm ấy cần đến sự thay đổi cực kỳ khẩn cấp trên mọi phương diện ngay từ lúc này, đòi hỏi nỗ lực của chính phủ các nước và từng cá nhân. Cùng với đó là một khoản tiền cực lớn trong vòng 2 thập kỷ - khoảng 2,4 nghìn tỉ USD mỗi năm - tương đương với 2,5% GDP toàn cầu.
Cần một sự thay đổi khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu
Đó là chưa tính đến lượng cây cối bắt buộc phải trồng, cùng số máy móc để cần có để đẩy lượng carbon trong không khí xuống lòng đất, và giam chúng tại đó vĩnh viễn.
Yêu cầu bắt buộc chính là sự thay đổi của từng cá nhân
IPCC đã chỉ ra 4 yếu tố phải thay đổi trên phạm vi toàn cầu: hệ thống năng lượng, quản lý đất đai, quản lý thành phố, và quản lý các ngành công nghiệp. Trong đó, mục tiêu đặt ra bao gồm 5 bước buộc phải hoàn thành.
- Khí thải CO2 toàn cầu phải giảm ít nhất 45% so với năm 2010, tính đến năm 2030.
- 85% điện năng toàn thế giới phải đến từ nhiên liệu tái tạo (mặt trời, gió...) tính đến năm 2050.
- Than đá giảm xuống cận mức 0
- Cần thêm 7 triệu km2 đất (gần ngang nửa châu Úc) dành cho năng lượng sinh khối - energy crop (dạng vật liệu sinh học từ sự sống, hay gần đây là sinh vật sống, đa số là các cây trồng hay vật liệu có nguồn gốc từ thực vật).
- Đảm bảo hiệu suất khí thải bằng 0 vào năm 2050.
Nhưng mọi sự thay đổi sẽ chẳng có tác dụng gì, nếu từng người trong chúng ta không hành động. IPCC cho rằng mỗi người cần thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày của mình, vì một mục tiêu xa hơn.
- Giảm tiêu thụ thịt, sữa và các chế phẩm từ sữa. Tiêu thụ thực phẩm theo mùa, và giảm lãng phí thực phẩm.
- Sử dụng các phương tiện chạy điện thay cho nhiên liệu hóa thạch. Ưu tiên dùng xe đạp hoặc đi bộ khi di chuyển gần.
- Đi tàu điện hoặc xe bus thay vì máy bay.
- Họp từ xa nếu có thể, thay vì các chuyến công tác.
...
Ngoài ra, còn vô số các hành động khác mà bạn có thể làm, có thể tham khảo ngay tại ĐÂY .
Tham khảo thêm Sợ hãi vì tin xấu cho môi trường? Đây là những việc đơn giản ai cũng có thể làm để cứu lấy hành tinh này
"Thay đổi phong cách sống có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn" - tiến sĩ Debra Roberts, đồng chủ tịch IPCC cho biết.
"Đây là một thông điệp hết sức rõ ràng đối với từng cá nhân. Nó không phải khoa học cao siêu gì, mà diễn ra ở nơi bạn đang sống và làm việc. Chúng ta thực sự có thể góp phần vào những thay đổi lớn hơn, và mọi người đều cần tham gia."
"Bạn không thể quyết định được đất đai nên được sử dụng thế nào, nhưng bạn được phép chọn những gì mình ăn hàng ngày, và điều đó ảnh hưởng đến quá trình sử dụng đất đai."
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không hành động?
Nếu không thể giữ được mức tăng trưởng nhiệt độ dưới 1,5 độ C, cả Trái đất sẽ phải đối diện với những thảm họa cực kỳ to lớn.
San hô sẽ biến mất, với tỉ lệ là 100% nếu nhiệt độ chạm ngưỡng 2 độ C. Mực nước biển tăng thêm 10cm - đồng nghĩa với việc hàng chục triệu người có thể mất nhà cửa.
Nhiệt độ tăng cũng khiến nồng độ acid trong nước biển tăng cao, biến nhiều đại dương thành những vùng biển chết. Cây lương thực như gạo, lúa mì hay ngô cũng sụt giảm năng suất đến thảm thương. Cả thế giới sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt lương thực trầm trọng.
Và rồi cả hiện tượng băng tan ở hai cực.
Băng tại hai cực đang ngày càng giảm xuống
"Chúng ta đang ở trong vùng nguy hiểm. Băng ở cả hai cực đang tăng ngày càng nhanh; những cây cổ thụ ở đó hàng trăm năm thì đột ngột chết; Và mùa hè thì như chúng ta đã trải nghiệm - cả thế giới giống như một cái lò lửa," - Kaisa Kosonen từ Greenpeace, tổ chức phi lợi nhuận vì môi trường chia sẻ.
Tham khảo: BBC