Sáng 6-12, kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã diễn ra phiên chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TP Lê Hồng Sơn.
Mở đầu phiên chất vấn, tư lệnh ngành giáo dục TP ngỏ lời: "Vụ bạo hành trẻ tại cơ sở Mầm Xanh không chỉ là việc làm về nghiệp vụ mà còn mất nhân tính".
Theo ông Sơn, đây là những con sâu làm rầu nồi canh, gây hoang mang cho phụ huynh học sinh; làm mờ đi, xấu đi hình ảnh người thầy, người cô. Làm cho những trẻ em vô tội phải chịu những điều không đáng có xảy ra.
Có buông lỏng quản lý?
Chất vấn ngay vấn đề này, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Tố Trâm hỏi: Đây không phải là lần đầu tình trạng bạo hành trẻ em xảy ra.
Đã từng có vụ bạo hành bị xử lý hình sự nhưng vì sao tình trạng này vẫn tiếp diễn? Trách nhiệm của sở trong việc này ra sao? Quy trình cấp phép, kiểm tra, giám sát những cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ như thế nào? Có thật sự chặt chẽ hay buông lỏng quản lý, hình thức?
ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục -Đào tạo
ĐB Trâm phản ánh trên thực tế có không ít giáo viên, bảo mẫu mầm non, nhất là ở các cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ chỉ cần học vài tháng là có chứng chỉ, đứng lớp trông giữ hàng chục cháu.
Họ không được trang bị kỹ năng tiết chế cảm xúc bản thân cũng như phẩm chất nghề nghiệp, nắm bắt tâm lý trẻ. "Sở có tính siết lại việc cấp chứng chỉ đối với giáo viên mầm non và bảo mẫu?" – ĐB Trâm hỏi tiếp.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Nga đề nghị ông Sơn cho biết kết quả đề án thí điểm giữ trẻ ngoài giờ ở các trường công lập cho con công nhân tại các KCX – KCN? Khi nào nhân rộng ra các quận - huyện còn lại bởi đây là một nhu cầu rất lớn của nhiều phụ huynh?.
Bà Nga cũng nhìn nhận nhiều nhóm lớp mầm non ngoài công lập không đảm bảo cơ sở vật chất, có nguy cơ lớn về bạo hành và xâm hại con trẻ.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Mạnh Trí đề nghị: "Sở phải đưa ra những giải pháp đồng bộ, căn cơ, lâu dài để ngăn ngừa hiệu quả việc bạo hành trẻ em bởi phòng bệnh hơn chữa bệnh. Những năm tháng đầu đời rất quan trọng trong việc phát triển sau này".
Mất nhân tính nên bạo hành trẻ em
Trả lời ĐB, Giám đốc Lê Hồng Sơn khẳng định đã phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với phòng giáo dục, quận - huyện để uốn nắn những vấn đề chưa tốt liên quan đến giáo dục mầm non.
Ông Sơn thông tin năm 2017, sở đã đi kiểm tra 19 quận - huyện. Sau kiểm tra đều có văn bản gửi cho quận - huyện để phối hợp thực hiện.
Theo ông Sơn, trường mầm non ngoài công lập chiếm trên 60%, còn nhóm lớp mầm non ngoài công lập có hơn 9.000/14.416 nhóm lớp. Về số trẻ thì có hơn 385.000 cháu, trong đó 45% trẻ học công lập, còn lại ngoài công lập.
"Bạo hành thường xảy ra ở các nhóm lớp tư thục giữ từ 10 đến hơn 20 cháu. Những nhóm lớp này do phường - xã quản lý. Còn các hộ giữ trẻ gia đình (dưới 7 cháu) có nhiều hộ hoạt động không phép" – ông Sơn nói.
Ông Sơn khẳng định những trường hợp bạo hành như cơ sở Mầm Xanh là sở đóng cửa ngay. "Nghiêm khắc xử lý, những cá nhân vi phạm mất nhân tính, đạo đức là xử lý nghiêm, bị khởi tố ra tòa, đi tù" – ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cho rằng việc bạo hành xảy ra là do chính bản thân con người, chính cá nhân con người đó, mất nhân tính nên bạo hành trẻ.