Đại diện chính phủ Thái Lan vào hôm 31/8 thông báo rằng Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người đồng thời giữ chức Bộ trưởng quốc phòng, đã yêu cầu Hải quân hoãn lại thương vụ mua 2 tàu ngầm lớp Yuan của Trung Quốc - trị giá 22.5 tỷ baht (khoảng 723 triệu USD) - đến năm tài chính 2022.
Trước đó, chính phủ Thái đã thu xếp để đưa kinh phí 3.375 tỷ bath (108 triệu USD) vào ngân sách năm 2021 để thực hiện khoản thanh toán đầu tiên trong 7 kỳ thanh toán của thỏa thuận.
Nguồn tin của Khaosod ngày 28/9 tiết lộ, Tư lệnh hải quân Thái Lan - Đô đốc Luechai Ruddit - đã gửi một mật thư cho phía Trung Quốc, đề nghị cử đoàn đại biểu tới căn cứ hải quân tại Chonburi để chốt lại thỏa thuận thương vụ mua tàu ngầm thứ 2 và thứ 3 từ Trung Quốc trong ngày 30/9, cũng là ngày ông Luechai nghỉ hưu.
"Nếu không làm được điều này thì dự án trọng yếu này chắc chắn sẽ bị tổn hại. Điều đó đồng nghĩa chúng ta sẽ buộc phải tái khởi động toàn bộ dự án," Khaosod trích một phần trong lá thư của Đô đốc Luechai được đề ngày 24/9/2020 gửi ông Xu Zhanbin - Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật công nghiệp quốc phòng nhà nước (SASTIND) của Trung Quốc.
Thái Lan ký kết thỏa thuận mua tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2018, và sẽ mua thêm hai tàu ngầm mới. Song lộ trình này đã bị chính phủ Thái trì hoãn giữa những phàn nàn của dư luận trong nước về việc tình trạng kinh tế và tài chính đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
"Thủ tướng [Chan-ocha] đã dành ưu tiên cho những quan ngại của cộng đồng về nền kinh tế," người phát ngôn chính phủ Anucha Burapachaisri nói hôm 31/8. "Hải quân sẽ đàm phán với Trung Quốc để trì hoãn [thỏa thuận mua tàu ngầm] thêm một năm nữa."
Song bức nội dung "mật thư" kể trên - được cho là do Hải quân hoàng gia Thái Lan ban hành - cho thấy lực lượng này đang thúc giục đối tác Trung Quốc thực thi việc ký kết hợp đồng mua tàu ngầm vào cuối tháng 9.
"Từ kinh nghiệm cá nhân của tôi, tôi nhấn mạnh rằng điểm quan trọng nhất ở đây là nếu chúng ta không thể ký kết thỏa thuận được đề cập trong ngày 30/9/2020 phù hợp với các điều kiện và hoàn cảnh được quy định trong luật định, thì toàn bộ dự án sẽ phải bắt đầu từ con số 0," trích đoạn lá thư.
Người phát ngôn Hải quân Thái Lan Prachachat Sirisawat trả lời Khaosod qua điện thoại, khẳng định ông chưa nhìn thấy lá thư kể trên và không thể đưa ra bình luận.
Nội dung lá thư gợi ý giới chức Trung Quốc ủy nhiệm Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan làm đại diện cho Bắc Kinh để ký kết hợp đồng, bởi như thế "có thể tránh được sự trì hoãn từ các biện pháp kiểm dịch [nếu đoàn đại biểu từ Trung Quốc sang Thái Lan]".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok cho hay họ không nhận được liên hệ từ bất kỳ thực thể nào đề cập trong bức thư.
Bức thư nghi của Tư lệnh hải quân Thái Lan cũng đổ lỗi cho phong trào phản đối chính phủ và những đối thủ cạnh tranh nước ngoài làm ảnh hưởng đến thỏa thuận tàu ngầm với Trung Quốc.
"Trở ngại nghiêm trọng nhất đối với dự án mua tàu ngầm là vấn đề đã bị phong trào chống chính phủ chính trị hóa, song song với sức ép từ các nhà thầu vũ khí ở các nước khác tìm cách phá những dự án này, để họ có thể hưởng lợi từ phần ngân sách đó."
Nhà bình luận quân sự Song Zhongping ở Hồng Kông nhận định trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hồi đầu tháng 9 rằng "nhân tố Mỹ" có thể đóng vai trò trong việc Thái Lan hoãn thương vụ tàu ngầm, sau sự phản đối của dư luận tạo nên xu hướng “Người dân không muốn tàu ngầm” trên Twitter.
Phe chỉ trích cho rằng ngay từ đầu, chính phủ Thái chưa đưa ra lý giải hợp lý về ý nghĩa của các hợp đồng mua tàu ngầm Trung Quốc, cũng như việc Bangkok có cân nhắc đề nghị từ các bên khác hay không.
Một phần trong nội dung lá thư được cho là của Tư lệnh Thái Lan gửi quan chức Trung Quốc Xu Zhanbin (Ảnh: Khaosod)
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus