Từ những nhân tố mới nổi đến siêu cường toàn cầu, Mỹ luôn tìm cách giữ cho cánh cửa kinh tế mở trong khi duy trì địa vị địa chính trị. Đó cũng chính là thông điệp mà ông Trump muốn nhắc lại trong chuyến công du sắp tới kéo dài 2 tuần của mình.
Vào ngày 10/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến Đà Nẵng để tham dự Tuần lễ cấp cao APEC và Hội nghị thượng đỉnh CEO.
Trong khi ông Donald Trump thường được so sánh giống với người tiền nhiệm Andrew Jackson - vị tổng thống thứ 7, một trong những tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ, ông Jackson cũng là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tìm kiếm mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ gần 200 năm trước.
Năm 1832 - thời vua Minh Mạng thứ 13, cố Tổng thống Mỹ Jackson cử một phái đoàn ngoại giao do thương gia Edmund Roberts đứng đầu mang một hiệp định thương mại tới Việt Nam. Đoàn của ông Roberts đi bằng tàu USS Peacock, dự định sẽ đậu tại cảng Huế nhưng vì cảng này quá nông nên đã chuyển kế hoạch sang cảng Đà Nẵng. Chẳng may, một cơn bão đã kéo tàu Peacock dạt vào Vịnh Vũng Lắm, Phú Yên. Cuối cùng, phái đoàn của ông Roberts đã phải xin thông thương thuyền tại đây.
Sử sách ghi chép lại rằng do hiểu lầm phái đoàn của Mỹ tự ý xâm phạm lãnh thổ, cộng thêm nhiều chỗ không hợp thể thức trong thư của ông Jackson sau khi được dịch mà vua Minh Mạng đã từ chối thông thương với Mỹ. Theo sách "Đại Nam thực lục" chép: "Vua bảo không cần đệ trình thư ấy. Rồi cho quan quyền lãnh chức Thương bạc làm tờ trả lời. Đại lược nói: “Nước ấy muốn xin thông thương, cố nhiên là ta không ngăn trở, nhưng phải tuân theo pháp luật đã định. Từ nay, nếu có đến buôn bán thì cho đỗ ở vụng Trà Sơn, tấn sở Đà Nẵng, không được lên bờ làm nhà, vượt quá kỷ luật rồi giao thư cho họ mà bảo họ đi“.
Rời Việt Nam, tàu Peacock đã đi Bangkok - nơi mà ông Roberts đã ký hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Mỹ ở châu Á. Tại đây, phái đoàn của Mỹ được triều đình Thái Lan tiếp đón rất linh đình.
Hiệp ước Thân thiện và Thương mại Mỹ - Thái Lan kể từ đó đến nay có hiệu lực trong 184 năm, trở thành hiệp ước không bị gián đoạn lâu đời thứ 2 của Mỹ.
Ngôi sao Trung Quốc
Mặc dù vậy, Thái Lan và Việt Nam từ trước đến nay vẫn chỉ là "nhân vật phụ" trong bàn cờ thương mại Trung Quốc - Thái Bình Dương. Vào năm hình thành Cộng hòa nhân dân Trung hoa 1789, Mỹ đã là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc (sau Anh) và đến những năm 1850 thì trở thành đối tác lớn nhất. Anh có thể chiếm lĩnh thị trường Hong Kong, nhưng các thương gia và nhà truyền giáo Mỹ lại chiếm ưu thế ở Thượng Hải.
Nửa sau thế kỷ 19, các cường quốc lớn ở châu Âu muốn biến Trung Quốc trở thành thuộc địa, nhưng họ đã phải đối mặt với thái độ cứng rắn của Mỹ bằng cách nhấn mạnh chính sách thương mại tự do với một quốc gia Trung Quốc độc lập và có chủ quyền.
100 năm sau, chính Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã mở đường cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Nền móng quan hệ Mỹ - Thái Bình Dương
Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên thực hiện chuyến công du châu Á là Dwight Eisenhower - người đã tới thăm Manila, Đài Bắc và Seoul vào tháng 6 năm 1960. Ở thời điểm đó, ông Eisenhower đã chuẩn bị mãn nhiệm kỳ. Chuyến thăm của Tổng thống Lyndon Johnson tới châu Á trong năm 1966 và 1967 liên quan đến chiến tranh ở Việt Nam, tương tự với chuyến thăm của Tổng thống Richard Nixon năm 1969.
Ông Nixon đã không quay trở lại châu Á cho đến chuyến công du nổi tiếng của ông vào năm 1972 tới Trung Quốc. Ông đã ghé thăm Bắc Kinh, Hàng Châu và Thượng Hải. Thành tựu lớn nhất trong chuyến đi này của ông Nixon chính là bản Thông cáo chung Thượng Hải thiết lập những nền móng vững chắc đầu tiên cho quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong 45 năm sau.
Trước tất cả khủng hoảng và xung đột ngày nay, nước Mỹ vẫn luôn đóng vai trò thúc đẩy sự ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ những nhân tố mới nổi đến siêu cường toàn cầu, Mỹ luôn tìm cách giữ cho cánh cửa kinh tế mở trong khi duy trì địa vị địa chính trị.
Đó cũng chính là thông điệp mà ông Trump muốn nhắc lại trong chuyến công du sắp tới kéo dài 2 tuần của mình.