Mùa tuyển sinh năm 2018 tại Trung Quốc vừa kết thúc. Nhìn lại kết quả thi cử trong những năm gần đây, các nhà giáo dục nước này đã tổng kết ra một nguyên tắc:
"Ngữ văn chính là vũ khí sắc bén giúp học sinh kéo điểm trong các kỳ thi".
Vì sao Ngữ văn lại là môn thi kéo điểm hiệu quả nhất?
Từ trước đến nay, hầu hết mọi người đều cho rằng các môn Khoa học Tự nhiên mới là cơ hội kéo điểm cho thí sinh.
Nhưng sau đó, nhiều phụ huynh dần phát hiện, Ngữ văn chính là cơ hội kéo điểm tốt nhất cho con em của mình.
Trả lời phỏng vấn của một tờ báo tại Trung Quốc, vị phụ huynh từng tâm sự: "Khi con học lên các cấp cao hơn, ảnh hưởng của thói quen đọc sách đối với thành tích ngày càng thể hiện rõ.
Trẻ em thời này đa số đều lựa chọn đi học thêm Toán, rất nhiều em có thành tích tốt, kết quả thi ở trường cũng sàn sàn điểm nhau.
Nhưng với môn Ngữ văn thì ngược lại. Bởi vì rất ít trẻ có thể kiên trì đọc sách hiệu quả ngay từ khi mới đi học.
Càng học lên cao hơn, ưu thế của việc đọc sách, học văn càng trở nên rõ ràng. Do đó, Ngữ văn thường là môn kéo điểm nhiều nhất đối với các học sinh xuất sắc".
Thực tế, các nhà giáo dục quan tâm tới chiều hướng phát triển của những kỳ thi quốc gia từ sớm đã nhắc nhở mọi thí sinh về điều này.
Năm 2017, hàng loạt chính sách cải cách thi tuyển Đại học ở Trung Quốc đã được đưa ra, và những đề thi Ngữ văn ở mức khó đang dần trở thành xu hướng.
Kỳ thi Đại học trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học sinh Trung Quốc không chỉ do tỷ lệ chọi cao ngất ngưởng mà còn bởi độ khó ngày một tăng của đề thi. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Giáo sư Ôn Nho Mẫn (Tổng biên tập Giáo trình Ngữ văn mới tại Trung Quốc) đã từng phát biểu một câu nói khiến ai nấy đều kinh ngạc: "Đề thi Ngữ văn của những năm tới đây chắc chắn sẽ khiến 15% người không thể nào làm hết".
Vậy sau này, thế hệ tương lai của chúng ta rốt cục nên học tập môn Ngữ văn thế nào? Các em nên làm bài thi của môn học ấy ra sao?
Về vấn đề này, giáo sư Ôn Nho Mẫn tiết lộ: "Cách thức ra đều thi Đại học (ở Trung Quốc) đang có những cải cách lớn và tiến hành thay đổi từ từ".
Cụ thể, đề thi Ngữ văn trong kỳ thi quốc gia ở Trung Quốc sẽ có thay đổi rõ rệt và dễ nhận thấy nhất trên hai phương diện:
Thứ nhất, tăng tốc độ đọc: Nếu trước kia, một mặt đề thi có khoảng 7000 ngữ thì sau này sẽ tăng lên 9000 chữ hoặc thậm chí là 10000 trong tương lai gần.
Thứ hai, tăng lượng đề: Lượng đề không đơn giản chỉ là số lượng các câu hỏi trong đề, mà là số các vấn đề người thi phải giải quyết trong bài làm của mình. So với những năm về trước, lượng đề trong đề thi Ngữ văn gần đây cũng đã tăng từ 5-8%.
Tổng biên Ôn Nho Mẫn còn tiết lộ:
"Các nhóm chủ đề được đưa ra trong đề thi Ngữ văn cũng sẽ dần thay đổi, dù là triết học hay lịch sử, khoa học đều sẽ có. Hiện nay, yêu cầu về môn Ngữ văn đã cao hơn hẳn so với trình độ Ngữ văn được giảng dạy bình thường".
Nói cách khác, nếu học sinh tiếp tục duy trì thói quen chỉ đọc sách giáo khoa, các em sẽ không làm nổi đề thi vào cấp III chứ chưa nói đến kỳ thi Đại học.
Nếu không rèn luyện kỹ năng đọc, văn hóa đọc, dù có cố gắng ôn luyện tới đâu, nhiều học sinh Trung Quốc vẫn sẽ trượt Đại học vì không làm được đề thi Ngữ văn. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Vì vậy, học tốt Ngữ văn để đỗ Đại học hoàn toàn không phải là câu nói thái quá đối trước những cải cách giáo dục của đất nước đông dân nhất thế giới này.
Trong tương lai, địa vị của môn Ngữ văn trong nền giáo dục Trung Quốc sẽ ngày càng được nâng cao và trở nên vững vàng.
Những người chăm chỉ đọc sách sẽ học giỏi Ngữ văn. Những người học giỏi Ngữ văn sẽ làm chủ thế giới.
Thói quen đọc, văn hóa đọc cũng sẽ trở thành yếu tố được coi trọng của tất cả các học sinh ngay từ khi mới bắt đầu con đường học tập.
Kỹ năng đọc chính là năng lực học tập
Xu hướng cải cách giáo dục tại Trung Quốc chính mà minh chứng thiết thực cho thấy tầm quan trọng của môn Ngữ văn nói riêng cũng như kỹ năng đọc, văn hóa đọc nói chung.
Để có thể bắt kịp với sự phát triển trong tương lai, bồi dưỡng thói quen đọc cho trẻ mới là điều mà các bậc phụ huynh nên chú trọng ngay từ bây giờ.
Rèn luyện kỹ năng đọc và văn hóa đọc cho con em ngay từ khi còn nhỏ là điều mà mọi bậc cha mẹ nên chú trọng. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Thứ nhất, muốn con trẻ có kỹ năng đọc hiểu tốt, tính duy trì và tính liên quan là hai yếu tố hàng đầu nên được chú trọng.
Mỗi ngày, các bậc cha mẹ nên duy trì thời gian đọc sách cố định cho con em của mình, không nên để trẻ tùy hứng thích đọc lúc nào thì đọc, thích nghỉ lúc nào thì nghỉ để tránh giảm hiệu quả hoặc hình thành những thói quen không tốt.
Thứ hai, chú trọng tới lượng đọc của con em. Theo đó, lượng đọc một năm của các em cần đạt từ 500 – 1 triệu chữ mới có thể đem lại hiệu quả.
Từ năm 6 – 12 tuổi là thời kỳ tốt nhất để các em bồi dưỡng thói quen đọc, phát triển văn học đọc, từ đó xây dựng căn bản của năng lực học tập.
Có thể nói, trong sáu năm này, thứ quan trọng hơn cả mà các bậc phụ huynh nên đầu tư cho trẻ chính là việc đọc sách.
Một đứa trẻ thông minh, lanh lợi cũng giống như một hạt giống, cần có điều kiện thích hợp mới có thể nảy mầm. Đọc sách được coi là điều kiện cốt yếu ấy.
Chăm chỉ đọc sách và bồi dưỡng văn hóa đọc sẽ giúp các em tăng vốn ngôn từ, nâng cao sự hiểu biết, đồng thời cải thiện khả năng ghi nhớ cùng năng lực tư duy và suy nghĩ.
Nếu một đứa trẻ chưa từng đọc qua một cuốn sách tốt, thậm chí chưa bao giờ đọc hết một quyển sách 100 nghìn chữ, thì dù cho có chăm chỉ làm bài tập tới đâu, học thêm nhiều tới mức nào, trí thông minh của các em sớm muộn cũng sẽ bị hao mòn.
Bồi dưỡng thói quen đọc ngay từ khi bắt đầu ngồi trên ghế nhà trường sẽ đem lại cho con trẻ nhiều lợi ích vô cùng to lớn. (Ảnh minh họa).
Trọng điểm của giáo dục ở giai đoạn tiểu học không nằm ở thành tích, mà năm ở việc nuôi dưỡng thói quen đọc, hình thành văn hóa đọc của trẻ.
Phớt lờ việc đọc sách trong giai đoạn quan trọng này sẽ gây ra tổn hại to lớn khó có thể bù đắp cho tương lai cũng như tiền đồ của con em chúng ta.
Sự tổn hại ấy sẽ dần hiện lên khi bước vào giai đoạn trung học. Ví dụ tiêu biểu là có rất nhiều thầy cô cấp II đều biết tới một hiện tượng lạ như sau:
Những học sinh dùng phần lớn thời gian học tiểu học để giành được điểm tốt, thi lấy thành tích đều bắt đầu tụt dốc nhanh chóng khi lên cấp II, thậm chí càng học càng đuối, cuối cùng không thể theo nổi.
Mặt khác, những trẻ em có thành tích Tiểu học hết sức bình thường nhưng lại có thói quen đọc sách, khi lên đến cấp Trung học cơ sở sẽ bắt đầu gặt hái nhiều thành tích nhờ phông kiến thức sâu rộng của mình.
Đến cấp III, sự khác biệt giữa năng lực học tập của những em có thói quen đọc và không có thói quen đọc lại càng thể hiện rõ rệt.
Cho tới khi bước chân vào xã hội, khi thước đo của cuộc đời lúc này không dùng đến thành tích mà nhìn vào năng lực, sự phân hóa giữa hai nhóm đối tượng kể trên đã đạt đến trình độ khó có thể diễn tả bằng câu chữ.
Bồi dưỡng thói quen đọc sách ngay từ nhỏ sẽ giúp thế hệ tương lai của chúng ta có được "vốn liếng" quý giá để bước vào đời. (Ảnh minh họa).
Bởi vậy, trong những năm Tiểu học, các bậc phụ huynh nên để con em mình có cuộc sống thư thả, không nên đặt nặng về thành tích.
Thay vào đó, các bậc cha mẹ nên coi trọng việc phát triển và bồi dưỡng năng lực cho trẻ, giúp trẻ nuôi dưỡng thói quen đọc, hình thành văn hóa đọc. Đó mới là cái vốn quý nhất giúp cho các em hưởng lợi cả đời.