Từ khủng khoảng đến ẩu đả, hãy cẩn thận UAE sẽ biến scandal thành sức mạnh hạ Việt Nam

Đoàn Dự (Ảnh: Đạt Đậu) |

Nền bóng đá UAE cũng lắm phức tạp chẳng kém Việt Nam và giờ đây, việc họ tiến vào tới tận 1 trong 2 trận cuối cùng của Asiad 2018 cũng được xem là kì tích.

Cách đây 8 năm, bóng đá UAE từng đoạt HCB Asiad 2010. Thế nhưng, theo thời gian, nền bóng đá nước này dần gặp những khủng hoảng từ nhỏ tới vô cùng nghiêm trọng.

Ngày 1/3/2017, tờ Thenational đăng tải bài viết: "Cảnh báo đỏ cho ngân quỹ của các CLB bóng đá UAE". Mở đầu bài viết, Thenational gợi lại ngày 23/12/2016:

"Ngày 23/12/2016 có thể là thời khắc quan trọng nhất trong lịch sử bóng đá UAE hiện đại. Chẳng có trận đấu nào diễn ra, ĐTQG cũng không hoạt động. Cũng không có bất cứ bản hợp đồng lớn nào của bóng đá UAE được ký kết. Nhưng đó là ngày mà khủng hoảng tài chính của rất nhiều CLB bị lột trần, như cái kim trong bọc cuối cùng cũng lộ ra".

Cụ thể, đó là giai đoạn mà nhiều CLB của UAE nợ lương, từ cầu thủ tới HLV và cả các nhân viên. "Các CLB của chúng ta đang trong giai đoạn nguy hiểm và đối mặt sự tê liệt tài chính kéo dài" - Thenational viết.

Nhiều CLB của UAE đã chi tiêu vượt quá khả năng tài chính của mình dẫn tới thiếu nợ trầm trọng, thậm chí nhiều bên liên quan như các công ty cung cấp thực phẩm, an ninh cũng bị nợ tiền.

"Nếu liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) điều tra, chúng tôi có thể phải đối mặt với cáo buộc thiếu minh bạch tài chính, và bị loại khỏi các cuộc đấu ở cả cấp CLB lẫn ĐTQG" - phóng viên thể thao Alharthi cho biết.

Từ khủng khoảng đến ẩu đả, hãy cẩn thận UAE sẽ biến scandal thành sức mạnh hạ Việt Nam - Ảnh 1.

Dù không phải chịu án cấm nào, nhưng thực tế UAE cũng tới Asiad theo cách khá hy hữu. Lá đơn của họ gửi tới BTC Indonesia bị bỏ quên dẫn tới việc không được mời đến dự lễ bốc thăm chia bảng. Sau đó, UAE cùng Palestine được bổ sung vào giải, lần lượt ở bảng C và A.

Bóng đá UAE lên chuyên nghiệp cách đây 9 năm, và tệ là khi tiến vào chuyên nghiệp, nhiều vấn đề đã nảy sinh, trong đó nổi cộm là tài chính. Điều này dẫn tới nhiều CLB không chi tiền cho cầu thủ ra nước ngoài điều trị chấn thương, bị nợ lương hay bị thanh lý hợp đồng.

"Nhiều cầu thủ chán nản và muốn kiện ra tòa. Một cầu thủ đã gọi điện cho tôi và nói cậu ấy bị nợ lương trong 5 tháng. Tôi đã hỏi cậu ấy hợp đồng đâu, thì cậu ta nói rằng không có. CLB giữ hết và cậu ta không được xem. Tôi bảo rằng, vậy thì cậu tiêu rồi, quên số tiền bị nợ đi" - phóng viên Alharthi tiếp.

Nền bóng đá UAE cũng rất chuộng ngoại binh và bỏ ra nhiều tiền mời cầu thủ nước ngoài về thi đấu rồi cung phụng như những ông hoàng. Thế nhưng, vì vậy mà khi tài chính không tốt, chính nội binh phải chịu những tổn thất để bù đắp cho khoản chi vào ngoại binh.

Vào tháng Tư năm 2017, Hội đồng liên bang UAE (FNC) đã tổ chức hẳn 1 cuộc họp về vấn đề tài chính của các CLB bóng đá. Chính phủ UAE muốn can thiệp vào vấn đề này, để điều chỉnh lại chi tiêu của các đội bóng, mà chủ yếu là mức thu nhập của các cầu thủ.

Từ khủng khoảng đến ẩu đả, hãy cẩn thận UAE sẽ biến scandal thành sức mạnh hạ Việt Nam - Ảnh 2.

Các cầu thủ UAE sẽ cố gắng hết sức trong trận đấu với Việt Nam, qua đó đoạt HCĐ, để chứng tỏ giá trị của mình so với các ngoại binh ở giải trong nước?

Theo một báo cáo, mức lương trung bình của các cầu thủ thi đấu trong nước UAE giao động từ 30.000 USD/năm (cầu thủ trẻ) đến 50.000 USD/năm (cầu thủ cao cấp).

Quan điểm của chính phủ là nhiều cầu thủ ngoại hưởng mức lương quá cao, thậm chí ngang bằng các Bộ trưởng của nước này, trong khi kinh tế CLB thì khủng hoảng. Song bàn đi bàn lại, Chính phủ của UAE lại vướng phải vấn đề khúc mắc với FIFA, vì FIFA cấm các LĐBĐ thành viên để chính phủ can thiệp vào bóng đá.

"Nhiều phụ huynh UAE cho con em đi học bóng đá, thay vì học văn hóa vì tiềm năng tài chính sau này. Nhưng đó là vì mục đích cá nhân, chứ không phải để cống hiến cho đất nước" - ông Al Ameri, thành viên của FNC tới từ Abu Dhabi đưa ra một vấn đề của thể thao UAE.

Cuối cùng, buổi họp đi tới thống nhất rằng, FNC sẽ kiểm soát tài chính của nền bóng đá UAE ở cấp vĩ mô, tránh đụng chạm tới điều luật của FIFA. Bên cạnh đó, FNC cũng yêu cầu các CLB bóng đá UAE phải tuân thủ chặt chẽ pháp luật và luôn công khai về vấn đề tài chính.

Tuy nhiên, để vấn đề tài chính của bóng đá UAE được khởi sắc, chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa.

Chỉ biết rằng ở thời điểm hiện tại, vấn đề tài chính này chắc chắn sẽ là động lực cho các cầu thủ UAE phấn đấu tại Asiad, hòng chứng tỏ năng lực của họ, qua đó có được tương lai tương sáng hơn, với những mức đãi ngộ tốt hơn thay vì bị lép vế trước các ngoại binh.

Bê bối ẩu đả vẫn chưa qua

Ngay trước thềm Asiad, U23 UAE giao hữu với U23 Malaysia và thua 0-2. Tuy nhiên, điểm nhấn của trận đấu lại là màn ẩu đả sau đó, bắt nguồn từ phía UAE. Nhiều cầu thủ 2 đội và cả các thành viên BHL đã lao vào nhau ẩu đả, thậm chí chống lại nhân viên an ninh.

Sau sự cố này, cầu thủ thuộc diện quá tuổi Mohammed Khalfan đã bị khai trừ khỏi U23 UAE, không được tham dự Asiad.

Vào ngày hôm qua, khi viết về thất bại 0-1 của UAE trước Nhật Bản, báo chí UAE vẫn nhắc lại màn ẩu đả này, như một nỗi xấu hổ. Đồng thời, tờ Gulfnews mô tả thất bại trước Nhật Bản bằng từ "tan vỡ trái tim". Điều đó có thể thấy, NHM UAE đang kì vọng thế nào vào U23 của họ, để đạt một thành tích cụ thể ở Asiad, hòng xua đi những u ám thời gian qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại