"Chìa khóa" cho việc cản trở Mỹ ở Đài Loan, biển Đông và biển Hoa Đông
Vào đầu tháng 9, ông Mike Pompeo đã trở thành Ngoại trưởng Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm đảo quốc Micronesia. Chuyến thăm này được thực hiện trong bối cảnh cả Washington và Bắc Kinh đều mong muốn thông qua các kênh ngoại giao giành được các lợi thế về mặt chiến lược ở khu vực vốn tưởng chừng như đang bị thế giới lãng quên.
"Các bạn là thành trì của tự do", ông Pompeo nói trong chuyến thăm chỉ kéo dài vài giờ đồng hồ, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ "phản đối bất kỳ một quốc gia nào muốn biến các hòn đảo Thái Bình Dương trở thành căn cứ địa nhằm kiểm soát khu vực".
Tổng thống Micronesia David Panuelo sau đó đã trấn an ông Pompeo rằng mối quan hệ của đảo quốc này với Trung Quốc chỉ giới hạn ở hoạt động thông thương. "Micronesia luôn ưu tiên mối quan hệ với Mỹ ở mức cao nhất", ông Panuelo nói.
Có mặt đón tiếp ông Pompeo cùng với Tổng thống Panuelo là Tổng thống đảo quốc Marshall Hilda Heine và Phó Tổng thống Palau Raynold Oilouch. Cả 3 đảo quốc này được biết đến chung với tên gọi Các quốc gia liên kết tự do (FAS), từng nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ 2 và sau đó trở thành những quốc gia độc lập. Tuy nhiên, các đảo quốc này vẫn duy trì mối quan hệ bền chặt với Washington thông qua Hiệp ước liên kết tự do (COFA).
Với diện tích tương đương với nước Mỹ, trải dài từ Philippines đến Hawaii, giáp với biên giới các lãnh thổ của Mỹ như đảo Guam và Quần đảo Bắc Mariana, FAS được biết đến với vai trò là một khu vực có giá trị chiến lược. Trong khi đó, thông qua COFA, quân đội Mỹ được phép triển khai các hoạt động ở đường không, đường biển và đường bộ ở toàn bộ các hòn đảo của FAS.
Một báo cáo gần đây của trung tâm nghiên cứu RAND Corp nhấn mạnh FAS "là tuyến đường siêu cao tốc chạy từ trung tâm khu vực Bắc Thái Bình Dương đến châu Á".
Chuyên gia cao cấp về quốc phòng Derek Grossman nhận định Trung Quốc hiểu rõ giá trị chiến lược của các quần đảo Thái Bình Dương.
"Bắc Kinh xem các hòn đảo này có ý nghĩa trọng yếu trong việc cản trở sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Đài Loan, khu vực biển Đông và biển Hoa Đông", Grossman nói. "Trong nhiều năm qua, chúng ta đã thấy Trung Quốc đẩy mạnh sự hiện diện ở các hòn đảo này thông qua các hoạt động ngoại giao và kinh tế, chủ yếu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường".
Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế để tiếp cận các quốc đảo Thái Bình Dương, mà Solomon là một trong số đó. Đảo quốc này đang có nhu cầu lớn cần phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó Trung Quốc đã bày tỏ ý định sẵn sàng cung cấp các khoản vay lên tới hàng trăm triệu USD. Vừa qua, quốc đảo này đã chấp nhận cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Mỹ, Úc chia sẻ quan điểm cần ngăn tham vọng của Trung Quốc
Bất chấp việc Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện đáng kể ở khu vực, các dấu hiệu rạn nứt trong mối quan hệ giữa Mỹ và các đảo quốc này có thể đã sớm xuất hiện. Những khoản viện trợ đóng vai trò quan trọng trong thoả thuận với FAS, trong khi thoả thuận hỗ trợ tài chính của Mỹ với Micronesia và Marshall sẽ hết hạn vào năm tài khoá 2023, và 1 năm sau đó là với Palau. Theo Grossman, đây có thể là cơ hội cho Trung Quốc.
Nếu Washington không có biện pháp gia hạn COFA, hoặc chí ít là duy trì mức hỗ trợ như trong quá khứ, Bắc Kinh có thể đề xuất Sáng kiến Vành đai và Con đường như một phương án thay thế, Grossman nhận định.
Theo Grossman, một khu vực đặc biệt rủi ro với Mỹ là Chuuk – một trong bốn hòn đảo tạo thành đảo quốc Micronesia. Vào năm ngoái, Chuuk đã thảo luận việc tách ra khỏi Micronesia nhưng sau đó bị trì hoãn vào đầu năm 2020. Nếu Chuuk chính thức tách khỏi Micronesia, điều này sẽ phá vỡ hiệp ước COFA giữa Mỹ và đảo quốc này, qua đó tạo điều kiện cho Trung Quốc đàm phán trực tiếp với Chuuk, hòn đảo có vùng nước sâu lý tưởng cho các hoạt động quân sự.
Điều này đồng nghĩa Mỹ sẽ không còn có đặc quyền được hoạt động trên những khu vực rộng lớn của FAS.
Ngoài FAS, Trung Quốc cũng đang nhắm đến những hòn đảo ở phía Nam Thái Bình Dương, nơi Mỹ có ít ảnh hưởng hơn, nhưng lại mang ý nghĩa trọng yếu đối với Úc, quốc gia vừa là đồng minh của Mỹ vừa coi Trung Quốc là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu.
Vào năm ngoái, báo cáo của Fairfax Media tiết lộ Trung Quốc đang lên kế hoạch thiết lập căn cứ hải quân trên đảo Vanuatu đã khiến Canberra lo ngại. Điều này nếu xảy ra sẽ khiến hải quân Úc mất đi tuyến đường trực tiếp thẳng đến vùng biển Thái Bình Dương. Sức ép truyền thông sau đó đã buộc chính quyền đảo Vanuatu phải lên tiếng khẳng định sẽ không cho phép bất cứ quốc gia nào thiết lập căn cứ quân sự trên vùng chủ quyền lãnh thổ của đảo quốc này.
Tham vọng giành quyền kiểm soát khu vực của Trung Quốc là không phải bàn cãi, tuy nhiên ở thời điểm này, mọi thứ vẫn đang ở bước đầu và Bắc Kinh đang muốn gia tăng ảnh hưởng các nhiều càng tốt, Jonathan Pryke, giám đốc chương trình Các quần đảo Thái Bình Dương thuộc viện nghiên cứu Lowy, nói.
Một số quốc gia có vị trí địa lý mang tính chiến lược lớn hơn các nước khác. "Chỉ nhìn vào bản đồ, bạn có thể thấy Palau có lợi ích chiến lược lớn hơn Tonga, nhưng Trung Quốc không thể quá tính toán khi nước này vẫn còn quá ít đồng minh và không có nhiều lựa chọn để thiết lập các cơ sở quân sự chiến lược", Pryke nói. "Cả Mỹ và Úc đều chia sẻ quan điểm cần ngăn Trung Quốc đạt được tham vọng thiết lập căn cứ quân sự ở khu vực này. Do đó, điều quan trọng là cần ngăn Trung Quốc đạt được thoả thuận với bất kì một hòn đảo nào".