Từ khu đầm lầy thành con đường đẹp nhất thành phố

PHẠM ĐÌNH |

Một khu đô thị sầm uất hiện đại với con đường chính là đại lộ Phan Xích Long chạy từ đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận đến đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh và những con đường cắt ngang mang tên các loài hoa.

Đường Hoa Phượng, đường Hoa Lan, đường Hoa Cúc, đường Hoa Sứ... Một bên khu đô thị là đường Trường Sa với những công viên - tiểu cảnh tuyệt đẹp chạy dọc theo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè là nơi tập thể dục cho cư dân khu đô thị.

Đại lộ Phan Đăng Lưu có thể nói là một trong những con đường đẹp nhất TP với những cao ốc, biệt thự, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê sang trọng…

Người TP.HCM bây giờ - nhất là lớp người trẻ - có lẽ ít người biết rằng khu đô thị hiện đại này vài ba chục năm trước là khu Miếu Nổi thuộc quận Bình Thạnh và khu Rạch Miễu thuộc quận Phú Nhuận.

Chỉ nghe cái địa danh các bạn đã có thể tưởng tượng ra một vùng đất sình lầy, ao hồ, kênh rạch với các ngôi miếu (còn gọi là miễu) dựng nổi lên trên các rạch rau muống, ruộng cỏ lát, cỏ năng, lưa thưa vài túp nhà tôn lụp xụp hay nhà lá tuềnh toàng.

Thời bấy giờ, vùng Miếu Nổi chỉ có con hẻm đất thông ra đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh). Con hẻm nhỏ này hiện nay là đường Vũ Huy Tấn chạy từ đường Đinh Tiên Hoàng tới cầu Hoàng Hoa Thám.

Sát bên cầu là chung cư Miếu Nổi cao 18 tầng nằm trên đường Trường Sa nhìn qua bên kia rạch là đường Hoàng Sa, chợ Đa Kao.

Chỉ cách con rạch rộng chưa tới trăm mét nhưng bước qua khỏi chiếc cầu sắt là khu Tân Định, quận 1 với phố xá khang trang và các biệt thự kiểu Pháp sang trọng trên đường Trần Khánh Dư, Trần Quý Khoách...

Còn phía bên kia rạch, khu Miếu Nổi-Rạch Miễu sình lầy như ở một thế giới khác. Dân cư nghèo khổ sống trong những căn nhà lụp xụp bên những ruộng rau muống hoặc trong những căn nhà sàn ọp ẹp trên kênh, rạch.

Chỉ một phần trong số họ là cư dân bản địa, phần lớn là dân ngụ cư từ các vùng quê miền Trung, miền Tây chiến tranh ác liệt trôi dạt về đây.

Họ làm đủ thứ nghề để mưu sinh: buôn gánh bán bưng, lao động tay chân hay viên chức nhỏ… Một số ít dân cư bản địa sống nhờ vào các ruộng rau, ao cá.

Ban ngày hầu hết tản đi mua bán, đi làm bên nội thành hay những nơi khác, chiều tối mới trở về chui vào những túp nhà tuềnh toàng.

Khi màn đêm buông xuống, lưa thưa những ánh đèn vàng vọt, leo lét xuất hiện cùng tiếng ếch nhái kêu vang hòa điệu với tiếng muỗi vo ve nghe buồn não nuột!

Sau ngày thống nhất, nhiều dân ngụ cư lần lượt về quê, một số dân địa phương đi kinh tế mới nhưng đời sống gặp nhiều khó khăn họ lại quay về khu Rạch Miễu-Miếu Nổi, tiếp tục sống trong những túp nhà dựng tạm bợ.

Bước sang thời kỳ đổi mới - nhất là từ những năm cuối 1980, đầu 1990, với những dự án quy hoạch cải tạo toàn diện khu Miếu Nổi-Rạch Miễu, bắt đầu hình thành khu đô thị mới với con đường Phan Xích Long nối dài thành một đại lộ thênh thang chạy xuyên suốt khu đô thị mới.

Một nhà thơ nhà ở gần đó, hằng ngày đi ngang qua các con đường hoa đến con đường mang tên nhà văn hiện thực nổi tiếng Nguyễn Công Hoan để lên cầu Trần Khánh Dư sang Tân Định, Đa Kao, nói vui: Mỗi ngày tớ vẫn đi qua một “làng hoa không trồng hoa”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại