"Chúng tôi đã thảo luận các vấn đề liên quan đến biển Đông và ghi nhận một số quan ngại về vấn đề cải tạo [thực thể] cùng các hoạt động trong khu vực, làm xói mòn lòng tin và tín nhiệm, làm gia tăng căng thẳng và có thể làm tổn hại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực," tuyên bố chung có đoạn.
Dù vậy, tuyên bố chung của hội nghị cấp cao Asean lần thứ 33 không đề cập cụ thể Trung Quốc - quốc gia áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý với hơn 80% diện tích vùng nước quốc tế ở biển Đông, leo thang hoạt động lấp biển, cải tạo trái phép và quân sự hóa phi pháp các đảo nhân tạo tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo Philippine Inquirer, từ khóa "quan ngại" đã bị lược khỏi tuyên bố chung của các lãnh đạo Asean trong kỳ họp năm ngoái, khi Philippines giữ vai trò chủ tịch luân phiên. Manila, dưới thời chính quyền tổng thống Rodrigo Duterte, đã thúc đẩy cải thiện quan hệ Trung Quốc và hạ nhiệt mâu thuẫn trong vấn đề biển Đông.
Trong tuyên bố năm nay, các lãnh đạo "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và kiềm chế trong hoạt động của các bên", nhằm tránh "làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng ở biển Đông".
Bên cạnh nêu quan ngại về tình hình hiện nay ở biển Đông, các nước Asean cũng nhất trí một giải pháp hòa bình để giải quyết bất đồng.
"Chúng tôi tái khẳng định cam kết chung về việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, cũng như [cam kết với] một giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, bao gồm tôn trọng đầy đủ quy trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982," tuyên bố chung cho biết.
Trong khuôn khổ hội nghị cấp cao Asean và các hội nghị liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều nhấn mạnh vấn đề biển Đông. Những thông điệp của Thủ tướng tiếp tục thúc đẩy sự đồng thuận của ASEAN và các đối tác trong vấn đề này.
Thủ tướng nhấn mạnh, ASEAN luôn đề cao kiềm chế, tăng cường đối thoại và xây dựng lòng tin, không quân sự hóa, tuân thủ luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết mọi tranh chấp, khác biệt bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Thủ tướng đề nghị các nước, bằng các hành động cụ thể, ủng hộ các nguyên tắc này của ASEAN.