Kể từ khi chăn nuôi trở thành chìa khóa then chốt cho duy trì sự sống, thì việc uống sữa của các loài như bò... cũng trở thành một thói quen ăn uống của con người.
Lịch sử "Lấy sữa loài khác để uống" của con người
Quay ngược thời gian trở lại 12000 – 15000 năm về trước, con người khi đó chỉ vừa biết cách chăn nuôi và gây giống các loài nhai lại nhỏ, điển hình là dê và cừu.
Đối với các bộ tộc du mục, việc nuôi các loài vật này mang đến cho họ một nguồn giá trị rất to lớn. Lông và da được đan thành quần áo, xương được dùng làm vũ khí hoặc trang sức.
Nhưng đặc biệt, việc nuôi dê và cừu thực sự là rất phù hợp với điều kiện của các tộc du mục thời kỳ ấy, bởi chúng không đòi hỏi quá nhiều công sức chăm sóc. Chúng có thể ăn bất kì thứ gì mà vẫn tồn tại được.
Chăn nuôi gia súc lúc đó được ví như có một chiếc kho lạnh của người xưa, vì nó cung cấp một không gian dự trữ dinh dưỡng cho tương lai. Và trong quá trình chăn nuôi, họ nhận ra các loài vật này đều nuôi con bằng sữa, có nghĩa là sữa của chúng về mặt logic là bổ dưỡng.
Kể từ đó, họ cũng đã học được cách vắt sữa từ các loài động vật này để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng riêng. Điều này cũng có ý nghĩa hạn chế tập tính giết thú lấy thịt, bởi vì việc vắt sữa cung cấp nguồn dinh dưỡng lâu dài hơn hẳn.
Thú vị là lúc ấy bò nhà chưa tồn tại, chỉ có tổ tiên của chúng – bò Aurochs. So với bò nhà bây giờ thì Aurochs có kích thước to hơn, và cũng là loài rất hung hăng, khiến cho con người thực sự khó khăn để thuần hóa nó. Dù sao cuối cùng chúng cũng trở nên bớt hoang dã hơn, phù hợp với sự chăn nuôi của con người hơn, và cuối cùng là tiến hóa thành bò nhà bây giờ.
Con người – loài chuyên uống sữa loài khác ngay cả khi đã trưởng thành
Thực sự thì trong thế giới động vật, chúng ta là loài duy nhất trực tiếp uống sữa từ loài khác. Hoặc ít nhất là loài duy nhất vẫn làm vậy khi đã trưởng thành.
Để giải thích được điều này, bạn cần hiểu hai khái niệm: lactase và lactose. Lactose là một loại đường chính trong sữa. Lactase là enzyme có khả năng phá vỡ các phân tử đường lactose thành các phần mà máu có thể hấp thụ được là glucose và galactose.
Tất cả các động vật sơ sinh đều có thể hấp thụ được sữa mẹ là nhờ có gen quy định enzyme lactase. Và gene này sẽ dần biến mất vào khoảng thời gian cai sữa.
Con người nhờ có tiến hóa và tập tính chăn nuôi động vật lấy sữa đã dẫn đến thói quen uống sữa ngay cả khi đã trưởng thành. Lactase persistence là thuật ngữ để chỉ khả năng tiếp tục hoạt động của enzyme lactase ở tuổi trưởng thành của mỗi người, được coi là một sự tiến hóa khi cho phép con người có thể kết hợp nhiều sữa và sản phẩm từ sữa hơn vào chế độ ăn của mình.
Chốt lại, nhu cầu dinh dưỡng, khả năng thuần hóa các loài khác, sự tiến hóa và một vài điều kiện sống (như bối cảnh du mục) là những lý do đã thúc đẩy con người tìm đến nguồn sữa của các loài động vật khác.
Tham khảo: Science News