Quan Độ, Xích Bích và Di Lăng là ba trận đại chiến quan trọng nhất trong lịch sử Tam Quốc. Ở trận Quan Độ, Tào Thào lấy yếu thắng mạnh, đánh bại Viên Thiệu; Ở trận Xích Bích, liên quân Tôn Quyền - Lưu Bị đánh bại Tào Tháo; Ở trận Di Lăng, Tôn Quyền đánh bại Lưu Bị.
Đáng chú ý, khi nghiên cứu ba trận đánh lớn này, giới phân tích đã tìm thấy một điểm chung thú vị, đó là Viên Thiệu, Tào Tháo và Lưu Bị - bên thua cuộc của mỗi trận đánh – đều đối mặt sự phân rã nội bộ trước mỗi cuộc chiến. Cụ thể ra sao?
01.
Trận Quan Độ: Nội bộ Viên Thiệu bất đồng
Có nên tấn công Tào Tháo: Thư Thụ, Thôi Diễm mâu thuẫn ý kiến với Quách Đồ, Thẩm Phối
Vào năm Kiến An thứ tư, sau khi đánh bại Công Tôn Toản, Viên Thiệu liền muốn đưa quân tấn công Tào Tháo.
Tuy nhiên, Thư Thụ cho rằng, Viên Thiệu không thể xuất binh tấn công Tào Tháo, một mặt, Viên Thiệu vừa mới thảo phạt Công Tôn Toản, việc chinh chiến nhiều năm khiến bách tính kiệt sức, hao tổn tiền của; mặt khác, vì Tào Tháo đang phò tá hoàng đế nhà Hán nên có thể lấy danh danh nghĩa hoàng đế hiệu triệu thiên hạ, Viên Thiệu tấn công Tào Tháo sẽ không danh chính ngôn thuận.
Theo chủ trương của Thu Thự, Viên Thiệu nên thực hiện ba điều sau: Thứ nhất, chú ý đến sản xuất nông nghiệp và để bách tính nghỉ ngơi; thứ hai, xây dựng danh tiếng bằng cách, trước tiên, báo tin chiến thắng tiêu diệt Công Tôn Toản đến thiên tử.
Nếu tin chiến thắng này không đến được với thiên tử, có thể chỉ ra rằng, Tào Tháo đã phá hủy mối quan hệ giữa Viên Thiệu và triều đình, sau đó đưa quân vào Lê Dương, dần dần phát triển về phía nam sông Hoàng Hà.
Cuối cùng, cần phải tăng cường huấn luyện binh lính chuẩn bị cho chiến tranh, chế tạo thêm tàu thuyền, cải tạo vũ khí và phái kỵ binh tinh nhuệ đi quấy rối biên giới của Tào Tháo. Bằng cách này, Viên Thiệu có thể chờ đợi quân địch mệt mỏi rồi mới tấn công.
Ảnh mang tính minh họa, nguồn: Internet
Tuy nhiên, Quách Đồ và Thẩm Phối lại cho rằng: Thứ nhất, thế lực của Tào Tháo tương đối yếu, đánh bại Tào Tháo dễ như trở bàn tay.
Thứ hai, Viên Thiệu thảo phạt Tào Tháo sẽ giống như Chu Vũ Vương thảo phạt Thương Trụ Vương, không hề có chuyện danh không chính ngôn không thuận.
Thứ ba, Viên Thiệu vừa đánh thắng Công Tôn Toản, cần tận dụng cơ hội khi sĩ khí binh lính đang lên cao, đưa quân tấn công Tào Tháo.
Viên Thiệu ngay lập tức đồng ý với đề xuất của Quách, Thẩm.
Trước khi Viên Thiệu xuất quân tấn công Tào Tháo, Thôi Diễm cũng can ngăn ông: "Thiên tử ở Hứa Đô, lòng dân đều hướng về đó nên không thể tấn công" nhưng Viên Thiệu không nghe.
Có nên nhân cơ hội tấn công Hứa Đô: Viên Thiệu mâu thuẫn với Điền Phong, Hứa Du
Viên Thiệu xuất quân đánh Tào Tháo, Lưu Bị cũng dẫn quân tới Hứa Đô quấy rối. Tào Tháo rất lo lắng và quyết định đích thân chỉ huy đội quân đi về phía Đông chinh phạt Lưu Bị.
Điền Phong cho rằng, Tào Tháo và Lưu Bị giao chiến sẽ khó phân thắng bại, Viên Thiệu nhân cơ hội này dẫn quân tập kích phía sau của Tào Tháo, như vậy có thể một đòn đánh bại Tào Tháo.
Hứa Du cũng cho rằng, Tào Tháo có ít quân hơn, lại phải tập trung toàn bộ sức mạnh để chống lại Viên Thiệu. Hứa Đô sẽ bị bỏ trống. Nếu Viên Thiệu cử mội đội quân được trang bị gọn nhẹ, tập kích nhiều đêm, nhất định có thể giành được Hứa Đô.
Sau khi chiếm đóng Hứa Đô, Viên Thiệu có thể dùng danh nghĩa thiên tử thảo phạt Tào Tháo, nhất định có khả năng bắt được Tào Tháo. Ngay cả khi Tào Tháo không suy yếu ngay lập tức, thì cũng không thể cân bằng hai phía, Tào sẽ dần hao mòn lực lượng rồi thất bại.
Tuy nhiên, Viên Thiệu không nghe theo. Điền Phong sau đó bị bắt giam, còn Hứa Du, sau cũng vì Viên Thiệu không tiếp thu ý kiến của mình nên đầu quân cho Tào Tháo.
Có nên sử dụng Nhan Lương: Thư Thụ bất đồng với Viên Thiệu
Sau khi Tào Tháo đánh bại Lưu Bị, quân của Viên Thiệu mới tiến vào Lê Dương và chuẩn bị cử mãnh tướng Nhan Lương đến Bạch Mã tấn công Thái thú Đông quận Lưu Diên.
Tam Quốc Chí - Viên Thiệu Truyện kể lại: "Thiệu tiến quân vào Lê Dương, cử Nhan Lương tấn công Lưu Diên ở Bạch Mã. Thư Thụ can gián rằng: Nhan Lương bản tính hẹp hòi, tuy dũng mãnh nhưng không thể hành động một mình. Thiệu không nghe. Thái Tổ [Tào Tháo]giải cứu Lưu Diên, giao chiến và giết chết Nhan Lương".
Thực tế, vào tháng 4 năm Kiến An thứ năm, Tào Tháo đưa quân giải cứu Lưu Diên và áp dụng kế sách của Tuân Du khiến Viên Thiệu phải phân tán lực lượng, sau lợi dụng sơ hở cử Quan Vũ giao chiến với Nhan Lương. Quan Vũ giết chết Nhan Lương, phá vỡ thế bao vây của Bạch Mã.
Viên Thiệu bất đồng ý kiến với Thư Thụ về chiến thuật
Sau khi giải vây Bạch mã, Tào Tháo di chuyển về phía Tây dọc theo sông Hoàng Hà. Viên Thiệu muốn qua sông truy đuổi.
Thư Thụ chủ trương, nên đặt đại quân ở Diên Tân, triển khai cánh quân khác tới Quan Độ. Nếu cánh quân này thành công, sẽ không quá muộn để quay lại hội với đại quân. Còn nếu đại quân qua sông và di chuyển về phía Nam, khi thất bại sẽ không còn đường lui. Viên Thiệu tiếp tục không nghe, cắt binh quyền của Thư Thụ, giao cánh quân do Thư Thụ chỉ huy cho Quách Đồ.
Vào tháng 8 cùng năm, Viên Thiệu đã đóng quân ở Dương Vũ. Thư Thụ tiếp tục can gián: "Số lượng quân ta tuy lớn nhưng sức mạnh chiến đấu không thể so sánh quân Tào; trong khi quân đội của Tào Tháo thiếu hụt lương thực, vật tư trang bị lại không đầy đủ bằng quân ta.
Vì thế, quân Tào phù hợp với chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh, quân ta thích hợp với cuộc chiến kéo dài. Cho nên cần tác chiến lâu dài, kéo dài thời gian".
Tuy nhiên, Viên Thiệu đã không nghe lời khuyên, ra lệnh cho đại quân tiến về phía trước và đối đầu với Tào Tháo tại Quan Độ.
Về lòng trung của Thư Thụ, Tiến sĩ thời Thanh Lâm Quốc Tán - tác giả của Tam Quốc chí bồi chú thuật nhận định: "Trong các bề tôi của Viên Thiệu, ngoài Điền Phong, không ai trung thành như Thư Thụ, sau phải hy sinh tính mạng".
Viên Thiệu, Quách Đồ bất đồng ý kiến với Trương Cáp, Cao Lãm
Đến khoảng tháng 10, Tào Tháo đem quân tấn công kho lương của Viên Thiệu do Thuần Vu Quỳnh canh giữ ở Ô Sào.
Tam Quốc Chí - Vũ Đế Kỷ viết: "Thiệu nghe tin Quỳnh bị tấn công nên nói mới con trai Viên Đàm rằng: "Nhân Tào tấn công Quỳnh, ta sẽ tập kích doanh trại của Tào, dù Tào chiến thắng Quỳnh trở về cũng công cốc" và cử Trương Cáp, Cao Tán tấn công Tào. Cáp nghe tin Quỳnh bị phá nên đầu hàng Tào".
Trước đó, Trương Cáp cho rằng, do Tào Tháo trực tiếp cầm binh nên tất sẽ đánh bại được Thuần Vu Quỳnh và dễ dàng tiêu diệt Ô Sào; bên cạnh đó, doanh trại quân Tào kiên cố, không thể công phá trong thời gian ngắn cho nên Trương Cáp chủ trương đi giải cứu Quỳnh trước. Nhưng Viên Thiệu và Quách Đồ không tán thành ý kiến của Trương Cáp.
02.
Trận Xích Bích - Nội bộ Tào Tháo bất hòa
Tam Quốc Chí - Trình Dục truyện kể rằng: "Tào Tháo đánh Kinh Châu, Lưu Bị bị đánh bại nên dựa vào Tôn Quyền. Các mưu sĩ của Tào Tháo cho rằng, Tôn Quyền nhất định sẽ giết Lưu Bị nhưng Trình Dục lại không cho như vậy. Ông cho rằng: "Tôn Quyền nắm quyền kiểm soát Giang Đông chưa lâu và chưa nhận được sự nể sợ của các chư hầu khác.
Tào quân lại vô địch thiên hạ, trước vừa đánh bại Viên Thiêu, nay lại giành được Kinh Châu, uy chấn Giang Nam. Mặc dù Tôn Quyền mưu lược nhưng sẽ không thể trụ vững một mình. Trong khi, Lưu Bị có nhiều tướng tài như Quan Vũ, Trương Phi nên Tôn Quyền sẽ liên minh với Lưu Bị để đối phó Tào Tháo.
Ảnh mang tính minh họa, nguồn: Internet
Tuy nhiên, sau đó, Lưu – Tôn chắc chắn sẽ nảy sinh cục diện đối đầu Lúc đó, ngay cả khi Tôn Quyền muốn giết Lưu Bị thì cũng khó thành hiện thực".
Tam Quốc chí - Giả Hủ truyện lại kể: "Vào năm Kiến An thứ 13, Tào Tháo sau khi đánh chiếm Kinh Châu, muốn xuống Giang Đông tấn công Tôn Quyền. Giả Hủ liền can: "Chúa công vừa đánh bại Viên Thiệu, nay lại thu phục Kim Châu, uy danh lừng lẫy, quân đội lớn mạnh.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, nên khen thưởng binh sĩ, vỗ về bách tính, để họ yên ổn, vui vẻ sinh sống và sản xuất. Nếu như vậy, không cần vất vả động binh cũng có thể khiến Tôn Quyền quy phục".
Có thể thấy, Trình Dục và Giả Hủ đều phản đối Tào Tháo động binh, giao chiến với Tôn Quyền.
Theo giới phân tích, trong các trận đánh bại Lữu Bố, Viên Thiệu, Trương Tú, Mã Siêu v.v.. trước đó đều có thể thấy phía Tào Tháo trên dưới một lòng nhưng trong trận Xích Bích, ông lại mâu thuẫn quan điểm với các mưu sĩ dẫn đến cái kết bại trận ở Xích Bích.
03.
Trận Di Lăng: Mâu thuẫn nội bộ Lưu Bị
Về quan điểm tiến hành trận Di Lăng, ngoài Gia Cát Lượng, thì Triệu Vân cũng không ủng hộ quan điểm của Lưu Bị.
Trước khi trận Di Lăng diễn ra, 2 trong 5 hổ tướng của Thục Hán gồm Quan Vũ và Hoàng Trung đều đã qua đời, Mã Siêu lâm bệnh nên khó điều binh, Trương Phi tuy ủng hộ Lưu Bị vô điều kiện nhưng sau này trên đường xuất binh lại bị cấp dưới sát hại, cho nên mãnh tướng duy nhất Lưu Bị trông cậy chỉ còn lại Triệu Vân.
Ảnh mang tính minh họa, nguồn: Internet
Tuy nhiên, Triệu Vân cho rằng, nếu Thục Hán giao đấu với Đông Ngô, trận chiến này sẽ không thể kết thúc trong một sớm một chiều, đây không phải là thượng sách. Theo ông, kẻ thù thực sự của Thục Hán là họ Tào chứ không phải họ Tôn nên chủ trương tiêu diệt Tào quân trước, Tôn Quyền tất sẽ quy phục.
Hơn nữa, mặc dù Tào Tháo đã mất nhưng Tào Phi đã lấn át ngai vàng nhà Hán. Cho nên, ưu tiên hàng đầu là thuận theo lòng dân, sớm đoạt lấy Quan Trung, kiểm soát thượng nguồn Hoàng Hà, Vị Thủy, để thuận tiện chinh phạt phản nghịch, hiệu triệu nghĩa sĩ Quan Đông, phụng sự Hán Hiến Đế.
Ngoài ra, về chiến thuật tấn công Đông Ngô, Lưu Bị lại không thống nhất quan điểm với một tướng khác là Hoàng Quyền. Theo đó, trước khi Lưu Bị xuất quân từ Tỷ Quy, Hoàng Quyền lên tiếng cho rằng: "Họ Ngô dũng mãnh thiện chiến trong khi thủy quân của ta xuôi theo thượng lưu xuống hạ lưu, tiến dễ khó lùi. Xin bệ hạ cho thần dẫn quân tiên phong, phát động tấn công kẻ địch, bệ hạ nên chỉ huy phía sau".
Nhưng Lưu bị không nghe lời khuyên can của Hoàng Quyền, trái lại còn cách chức, lệnh cho Hoàng Quyền canh giữ phía Bắc, thống lĩnh quân Giang Bắc đề phòng quân Tào Ngụy đánh xuống, còn tự mình đích thân chỉ huy các tướng như Phùng Tập và đại quân xuôi dòng tiến đánh Di Lăng. Kết quả sau đó, đại quân của Lưu Bị đại bại trước đội quân của Tôn Quyền.
Người xưa từng nói: "Tất cả đồng lòng có thể di chuyển Thái Sơn". Ngạn ngữ dân gian Trung Quốc cũng có câu: "Ba kẻ tầm thường nếu đồng lòng hợp sức cũng có thể đấu qua Gia Cát Lượng."
Trong lịch sử Trung Quốc, không chỉ Viên Thiệu, Tào Tháo và Lưu Bị thất bại do bất đồng nội bộ, ngoài ra rất nhiều trường hợp thất bại khác, một phần cũng vì phân rã nội bộ. Cho nên, muốn thành công trong sự nghiệp, tất phải xem trọng và tăng cường đoàn kết nội bộ.