Có bốn sự thay đổi nhân sự trong đội hình của ông Park đối đầu với U-23 Uzbekistan so với trận thắng U-23 Myanmar 4-0 nhưng lối chơi thì không đổi thay. Dễ thấy ưu thế của hệ thống chiến thuật mới 3-4-3 mà thầy Park áp dụng cho các học trò trước đối thủ quen thuộc và yếu hơn. Đến lúc gặp đồng nghiệp cao to và khỏe hơn, U-23 Việt Nam không dễ dàng áp đặt lối chơi lên đối thủ.
Chỉ cần hòa là lấy ngôi đầu bảng vào chơi chung kết giải giao hữu M-150 Cup, các cầu thủ U-23 Việt Nam rất thoải mái tinh thần. Hơn nữa, U-23 Uzbekistan bị xem là không quá mạnh, sau trận đầu bị U-23 Myanmar dẫn trước hai bàn và rất vất vả mới san bằng. Nhưng vấn đề của HLV Park Hang-seo là chọn nhiều cách thử nghiệm con người và lối chơi để hoàn chỉnh cho đấu trường châu Á, hơn là muốn thắng bằng mọi giá.
Trận thua trước U-23 Uzbekistan giúp thầy trò HLV Park Hang-seo rút ra rất nhiều bài học cho chặng đường trước vòng chung kết U-23 châu Á. Ảnh: ZING.VN
Cũng chưa tới 10 ngày học cách chơi mới của thầy Hàn, rất nhiều tuyển thủ trẻ còn bỡ ngỡ và chưa thuộc bài. Ngay cả ông Park trong các buổi tập phải chỉ dạy từng ly từng tí cho học trò. Một số chuyên gia bóng đá chỉ ra tính hai mặt của lối chơi 3-4-3 đòi hỏi cầu thủ sở hữu nền tảng thể lực dồi dào với khả năng di chuyển, hoán đổi chỗ liên tục. Yêu cầu ở hai biên phải rất năng động, khỏe khoắn lên công về thủ nhịp nhàng. Bởi chỉ cần một chút sơ hở trong cách chọn vị trí phòng ngự, cả hệ thống dễ bị phá vỡ.
Điều này đã xảy ra ở phút 30, bóng của đối phương xuyên qua khe hở giữa Văn Thanh và các trung vệ rất thoáng đãng. Thêm một cú tạt bóng lập trình từ biên phải, Duy Mạnh phá hụt bóng và Đình Trọng đứng sai vị trí, Bobir đã không chút khó khăn sút cận thành mở điểm cho U-23 Uzbekistan.
So với trận thắng dễ U-23 Myanmar, học trò ông Park tổ chức tấn công chật vật và hiếm khi tạo ra một cơ hội rõ nét. Duy có cú sút ngoài vòng cấm của Công Phượng mang lại chút xuýt xoa trong thế trận có ít cơ hội sút cầu môn.
Lại có những thay đổi vị trí và nhân sự trong hiệp 2 của ông Park như để chọn ra đáp số tối ưu nhất. Nó đã đến với Hồng Duy vừa vào thay người có pha ngã rất đẹp trong vòng cấm buộc trọng tài thổi phạt đền. Và Công Phượng đã sút thắng trên chấm 11 m san bằng cách biệt 1-1.
Thế nhưng niềm vui của thầy trò ông Park không kéo dài lâu. Một cú đánh đầu của Zabikhillo bị thủ môn Văn Hoàng phá ra và tiếp theo không ai ập vào kịp để Zabikhillo bò dậy và tiếp tục sút bồi ấn định tỉ số 2-1. Tình huống này cả ba trung vệ của U-23 Việt Nam chưa làm tròn phận sự của mình và mất tập trung thấy rõ.
Các học trò ông Park chơi tích cực hơn và cầm bóng nhiều hơn đối thủ ở hiệp 2 nhưng bàn thắng tiếp theo thì không.
Trận thua 1-2 của đội U-23 Việt Nam sẽ giúp thầy trò HLV Park Hang-seo nhìn ra tử huyệt để tích lũy kinh nghiệm và rút ra bài học quý hơn là thắng đậm đối thủ yếu rồi ngộ nhận về sự lột xác của mình.
Từ HLV Riedl đến đồng nghiệp Park
Hồi nắm đội tuyển quốc gia từ năm 1998, HLV Riedl từng có cuộc cách tân trong lối chơi với sơ đồ năm hậu vệ chuyển sang bốn hậu vệ, nhằm tạo xu hướng tấn công mạnh mẽ hơn. Lần đó, các chuyên gia đều biết sự thay đổi của ông Riedl là khoa học trong bóng đá hiện đại. Thế nhưng vấn đề của cầu thủ Việt Nam là chưa quen với cách chơi đang sử dụng ở giải vô địch quốc gia. Vì thế, các trợ lý của ông thầy người Áo khi ấy buộc phải tư vấn cho ông Riedl để trở về với lối chơi cũ mà cầu thủ đã thành thạo. Mãi sau này, khi nhiều CLB tiếp cận với cách chơi hậu vệ giăng ngang, ông Riedl mới có thời cơ dạy lại cho tuyển thủ bài học cũ từng phá sản buổi sơ khai.
Hoàn cảnh HLV Park Hang-seo bây giờ khá giống với tiền nhiệm khi muốn áp dụng lối chơi mới 3-4-3. Ai cũng thấy ông thầy Hàn và học trò sẽ cần thời gian hơn nữa mới thay đổi được thói quen của nhiều cầu thủ.