Chị Q.T.T (Vũng Tàu) là một nạn nhân suýt bị lừa đảo chỉ qua một cuộc điện thoại. Đến nay chị T vẫn còn sốc khi kể lại câu chuyện này.
Theo chị T. hôm đó có cuộc gọi đến số máy bàn nhà chị. “Đầu dây bên kia hỏi tôi đây có phải là số điện thoại của tôi không, số chứng minh nhân dân, địa chỉ có chính xác chưa.
Sau đó người này xưng là nhân viên của tổng đài VNPT, thông báo gia đình tôi bị nợ hơn 8 triệu đồng tiền cước điện thoại”, chị T. nói.
Chị T. trả lời cước điện thoại chị luôn thanh toán qua ngân hàng nên không thể nợ được. Người nhân viên bên kia làm thao tác gõ máy rồi báo rằng có một người ở TP.HCM đã lấy thông tin và địa chỉ của chị T. để mua số điện thoại và số này đang nợ tiền VNPT.
“Họ hướng dẫn tôi báo công an, tôi thấy có lý nên đồng ý và người đó chuyển máy cho tôi đến 113”, chị T. nhớ lại.
Tiếp chuyện chị T. là một người xưng là trung úy CSĐT. Vị trung úy này một lần nữa xác minh lại thông tin của chị T. rồi nói người giả danh chị đứng tên mấy tài khoản ngân hàng và đang vay mượn tiền rồi chuyển máy luôn cho công an vùng để chị T. nói chuyện.
Người này truy hỏi theo thông tin thì chị T. đang vay 3 tài khoản ngân hàng, số nợ 630 triệu đồng và đã rút 500 triệu. Chị được yêu cầu giải trình số tiền trên nhằm vào mục đích gì.
“Hai vị công an trao đổi với nhau rồi kết luận hồ sơ của tôi phải chuyển lên cấp trên vì liên quan đường dây rửa tiền xuyên 50 tỉnh, thành lân cận.
Tôi rất sợ hãi và yêu cầu điều tra làm rõ. Họ nói tôi phải tuyệt đối giữ bí mật, kể cả với người nhà, vì vụ này liên quan tới những người ở cấp rất cao. Nghĩ mình trong sạch nên tôi đồng ý”, chị T. nói
Sau đó, chị T. được biết là “hồ sơ” của mình được chuyển qua “viện kiểm sát”.
Người phụ nữ xưng là ở Viện kiểm sát khi trao đổi một mực cáo buộc chị T. đút lót nhân viên điều tra, buộc chị T. phải kê khai tài sản để niêm phong, kể lại tất cả giao dịch liên quan đến chứng minh nhân dân, mua bán nhà–đất.
“Người phụ nữ ấy hăm dọa đủ điều, còn dọa bắt giam 6 tháng để điều tra. Quá hoàng sợ nên tôi bật khóc, chỉ nói được là tôi trong sạch. Như là chỉ đợi có vậy, họ nói tôi chuyển tiền vào số tài khoản của TAND để thể hiện sự hợp tác.
Nếu điều tra xác định tôi vô tội thì sẽ được trả lại. Người đó yêu cầu tôi chuyển 60 triệu làm tin, tôi nói 10 triệu cũng không có lấy đâu ra 60 triệu?
Họ liền xin số điện thoại cá nhân để chụp lệnh truy nã có tên tôi, nếu không gửi tiền họ sẽ bắt tạm giam”, chị T. ngậm ngùi.
Lý giải về vấn đề này, chị T. cho biết không phải là có tật giật mình mà chỉ vì lúc đó quá hoảng sợ.
Thêm nữa, chị cũng như nhiều nạn nhân khác tin chắc rằng mình hoàn toàn trong sạch nên số tiền chuyển đi rồi chắc chắn sẽ nhận lại, nếu không chuyển thì càng không thể hiện sự hợp tác và vô tội của bản thân.
May mắn là trong quá trình vay mượn tiền để chuyển chị T. phát hiện ra mình bị lừa nên đã trình báo sự việc với công an địa phương.