Từ hôm nay, lệnh cấm "rúng động" của Nga trở lại và khắc nghiệt hơn: Đòn hiểm của Ukraine đã ngấm?

PV |

Theo Reuters, giá xăng dầu nội địa có ý nghĩa rất quan trọng đối với người điều khiển các phương tiện và nông dân, bởi Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.

Nga cấm hoàn toàn xuất khẩu xăng dầu trong 6 tháng

Nga sẽ tạm ngừng xuất khẩu xăng dầu trong 6 tháng kể từ ngày 1/3 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nhiên liệu nội địa và cho phép các nhà máy lọc dầu thực hiện việc bảo trì theo kế hoạch.

Như vậy, việc ngừng xuất khẩu xăng dầu mới ban hành sẽ kéo dài hơn cả lệnh cấm tương tự đã được Nga thực thi trong khoảng tháng 9-11/2023 - vốn đã gây ra chấn động lớn cho thị trường toàn cầu.

Hãng thông tấn Anh Reuters đưa tin rằng lệnh cấm này đầu tiên được nhóm Truyền thông Tư vấn Doanh nghiệp Nga báo cáo và đã được người phát ngôn của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak xác nhận.

Các thành viên khác của Liên minh Kinh tế Á-Âu (Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan), Mông Cổ, Uzbekistan và các khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia từ Gruzia không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm mới.

Phó Thủ tướng Novak hôm 28/2 (giờ địa phương) tuyên bố rằng Nga có thể dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu bất cứ lúc nào nếu thị trường bão hòa.

Ngày 27/2, kênh truyền hình Russia Today đã trích dẫn lời Igor Yushkov - chuyên gia phân tích chính của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga và là chuyên gia tại Đại học Tài chính và Kinh tế của Chính phủ Nga - nói rằng mục đích của động thái của Nga là để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt xăng dầu trên thị trường, ngăn chặn việc tăng giá nhiên liệu mạnh mẽ trong nước.

Ông Yushkov nhận định trong giai đoạn giữa đến cuối mùa xuân, tiêu thụ nhiên liệu ở Nga sẽ tiếp tục tăng lên do các yếu tố như việc canh tác đồng áng và bắt đầu kỳ nghỉ lễ. Đồng thời, các nhà máy lọc dầu thường tiến hành bảo trì định kỳ, khiến nguồn cung nhiên liệu giảm. Kết quả là, có thể xuất hiện tình trạng thiếu hụt xăng dầu trên thị trường nội địa, đẩy giá xăng dầu lên cao.

Bằng cách hạn chế xuất khẩu trước, chính phủ Nga có thể dự trữ lượng xăng dầu dư thừa để khi nhu cầu bắt đầu tăng lên, sẽ có đủ năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu và tránh tăng giá bán lẻ - chuyên gia Yushkov nêu.

Từ hôm nay, lệnh cấm

Quang cảnh nhà máy lọc dầu của công ty Lukoil ở Volgograd, Nga, tháng 4/2022 (Ảnh: Reuters)

"Tôi nghĩ đây là một giải pháp tốt cho thị trường và người tiêu dùng, đặc biệt vào mùa hè khi khủng hoảng Biển Đỏ có thể dẫn đến việc tăng giá xăng dầu ở Châu Âu và Châu Phi," Phó Giám đốc Khoa Kinh tế Viện Nghiên cứu Năng lượng và Tài chính Nga Sergei Kondratyev phân tích với tờ Độc lập của Nga.

Natalia Peryeva, nhà phân tích tại Công ty Môi giới Kỹ thuật số của Nga, cho biết lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu của Nga sẽ không ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu và các biện pháp mới chủ yếu nhằm duy trì sự ổn định của thị trường nhiên liệu trong nước.

Ukraine nhắm vào hạ tầng dầu khí của Nga

Reuters chỉ ra, giá xăng dầu nội địa rất nhạy cảm đối với người lái xe và nông dân ở Nga - quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới - trong thời điểm trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 15-17/3 tới, giữa bối cảnh một số nhà máy lọc dầu của Nga đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine trong những tháng gần đây.

Giá nhiên liệu bán buôn ở Nga đã tăng kể từ đầu năm. Theo giá ngày 26/2 trên sàn giao dịch thương mại quốc tế St Petersburg (SPIMEX), giá xăng 92 đã tăng 22% kể từ ngày 1/1, trong khi xăng 95 tăng giá 32%. Kể từ khi có lệnh cấm xuất khẩu, giá xăng 92 đã giảm 3,3%.

Giá xăng 95 ở Nga là khoảng 0,62 USD/lít (khoảng hơn 15.000 VNĐ), so với hơn 2,05 USD/lít ở Tây Âu.

Nga và Ukraine đã nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau trong nỗ lực làm gián đoạn các đường dây cung cấp và hậu cần và làm suy giảm tinh thần của đối thủ khi họ tìm kiếm lợi thế trong cuộc xung đột đã kéo dài sang năm thứ ba.

Tờ Ukrainska Pravda (Ukraine) hôm 25/2 trích lời Trung tướng Vasyl Maliuk - lãnh đạo Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) - tuyên bố rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của nước này vào các cơ sở lọc dầu Nga đã làm sụt giảm 1/3 sản lượng xuất khẩu dầu của Nga.

Từ hôm nay, lệnh cấm

Người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine Vasyl Maliuk (Ảnh: SBU)

"Nếu nhìn vào chỉ hai tháng gần nhất và số lượng cơ sở lọc dầu của đối thủ đã bị trúng đòn thì trên thực tế, chúng ta đã làm sụt giảm 1/3 sản lượng dầu của Nga. Có đến 55% ngân sách quân sự của họ đến từ nguồn thu ngoại tệ nhờ xuất khẩu các sản phẩm từ dầu. Và đó là những mục tiêu hợp pháp của chúng ta," ông Maliuk nói.

Ukraine tuyên bố các máy bay không người lái của SBU hôm 9/2 đã tấn công hai cơ sở lọc dầu ở Krasnodar Krai. Trước đó, nhà máy lọc dầu lớn ở tỉnh Volgograd của Nga bốc cháy vào hôm 3/2 sau khi trúng đòn tập kích của UAV Ukraine, song không có thương vong.

Xuất khẩu dầu thô, sản phẩm dầu mỏ và khí đốt là nguồn xuất khẩu lớn nhất của Nga, mang lại nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la của Nga, và đảm bảo cho vị thế của Moscow trên các bàn đàm phán năng lượng toàn cầu.

Điện Kremlin đã làm việc với nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới Ả Rập Saudi để giữ giá cả ở mức cao, trong khuôn khổ hoạt động của của nhóm OPEC+.

Nga đã tự nguyện cắt giảm xuất khẩu dầu và nhiên liệu 500.000 thùng/ngày trong quý 1/2024 như một phần nỗ lực của OPEC+ để hỗ trợ giá cả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại