Từ hiệu ứng U23 đến “cơn sốt” V.League hạ nhiệt

Đình Thảo |

Số lượng khán giả ở vòng 7 NutiCafe V.League 2018 giảm một cách rõ rệt, khi chỉ còn trung bình khoảng 6.000 khán giả tới sân so với con số hơn 10.000 ở những vòng đấu trước đó.

Và tiêu điểm của vòng 7 là sai lầm của trọng tài, phản ứng và cãi vã qua lại chứ không phải cái hay, cái đẹp hay các vấn đề chuyên môn sân cỏ. Thật buồn khi V.League quay lại với những câu chuyện "biết rồi, khổ lắm...".

"Hiệu ứng U23" nhạt dần...

Giai đoạn khởi đầu của mùa giải 2018, hiệu ứng U23 Việt Nam chính là "cứu cánh" cho V.League 2018, khi kéo về cho giải đấu lượng khán giả tăng đột biến. 

Tuy nhiên, "cơn sốt mang tên U23 Việt Nam" cũng tạm thời lắng xuống để rồi bóng đá nội lại quay về những vấn đề cũ. Minh chứng rõ ràng nhất chính là việc khán giả không còn quá mặn mà với các trận đấu, số lượng khán giả tới sân giảm đi trông thấy.

Vòng 7 V.League 2018 chỉ có 42.000 khán giả tới sân theo thống kê từ BTC, trung bình chỉ khoảng 6.000 người cho một trận đấu. 

Con số này giảm đi rất nhiều so với số lượng bình quân trên 10.000 khán giả mỗi trận ở những vòng đấu trước đó. Khi mà lứa U23 Việt Nam chưa thể hiện được nhiều trên sân, chưa đáp ứng được kỳ vọng và chờ đợi thì lại vướng vào quá nhiều chuyện bên ngoài sân cỏ.

Những thần tượng của giới trẻ có phần đánh mất đi phong độ lẫn cách chơi so với lúc khoác áo U23 hay không đủ sức để cạnh tranh suất đá chính thì dễ hiểu sức hút của họ cũng từ đó mà mờ nhạt dần. Cộng thêm những ầm ỹ tạo ra cái nhìn cùng ác cảm tiêu cực về bóng đá, thế nên kết quả là số lượng khán giả đến sân cũng từ đó mà giảm đi.

Điểm sáng đến thời điểm này chính là Hà Nội và cả HAGL, đội bóng vẫn đang duy trì được số lượng khán giả ổn định, dù cho họ thi đấu ở sân nhà hay sân khách. Những trận đấu của đội HAGL luôn có trên 10.000 khán giả, mới đây nhất chuyến làm khách của HAGL tới sân của S. Khánh Hòa BVN ở vòng 7 đón nhận con số khán giải kỉ lục của sân 19/8 lên đến 15.000 người.

Các sân còn lại không đông khán giả, cá biệt như sân Vinh, Cần Thơ, Bình Dương chỉ có từ 2.500 đến 3.000 khán giả mỗi trận. Cứ vòng sau lại vắng hơn - một thực tế rất đáng buồn - cần nhìn nhận thẳng thắn.

Mất niềm tin từ những "tiếng còi oan trái"

Pha thổi phạt đền tưởng tượng của trọng tài Nguyễn Văn Kiên ở trận đấu giữa S. Khánh Hòa BVN và HAGL ở vòng 7 là một đòn mạnh với V.League 2018. Ở thời điểm mà V.League vẫn đang có ghi điểm trong mắt NHM với những trận đấu hấp dẫn, chất lượng chuyên môn tốt thì một sự cố, với "tiếng còi oan trái" lại cướp đi niềm tin một cách dễ dàng.

Bầu Đức của HAGL từng chua chát cho rằng, nếu không làm tốt công tác trọng tài thì đừng mơ mà có được niềm tin của NHM vào bóng đá. "Trọng tài - nó chỉ là một phần thôi nhưng lại quyết định đến yếu tố thành bại của giải đấu. 

Vậy cần có những quyết định công tâm, chính xác của những người cầm cân nảy mực thì may ra mới tạo dựng được niềm tin nơi NHM để họ tiếp tục ủng hộ giải đấu.

Như quyết định của trọng tài Nguyễn Văn Kiên ở vòng đấu vừa rồi, nó khiến công sức của HAGL đổ sông đổ bể. Nói không phải tự hào chứ một đội bóng hút được khán giả như HAGL mà bị đối xử như vậy, thử hỏi còn ai muốn đến sân để xem bóng đá nữa chứ? Điều này chẳng khác nào coi thường NHM...", bầu Đức chua chát phát biểu.

Từ nhận xét của bầu Đức, đúng là phải giật mình và báo động khi sau những vòng đấu đầu tiên đầy khởi sắc thì gần đây, công tác trọng tài liên tục có mắc vấn đề. Những sai sót mang tính hệ thống của công tác trọng tài khiến không ít ông Vua áo đen đã bị xử lí và trực tiếp tác động đến niềm tin của chính người trong cuộc cũng như của khán giả vào cuộc chơi.

Khi niềm tin đã bị đánh cắp, việc NHM chán nản với việc phải ngồi trên khán đài để theo dõi những trận đấu "méo mó" sau những tiếng còi của trọng tài là điều hiển nhiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại