Mỹ và Trung Quốc đã có hành động "ăn miếng trả miếng" về thuế quan lần lượt vào ngày 10/5 và 13/5. Sau khi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước phát sinh biến số thì chủ đề đối đầu mang tính kết cấu giữa hai nước, thậm chí cuộc canh tranh ảnh hưởng trên toàn cầu giữa hai nước cũng bùng nổ. Giới quan sát cho rằng, ngoài cuộc chiến thương mại, cạnh tranh quân sự giữa hai nước cũng đã bắt đầu.
Báo tiếng Hoa Đa chiều cho rằng, Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa vũ khí quốc phòng và điều này xuất phát từ nguyên nhân sâu xa của Bắc Kinh.
"Nguyên nhân phía sau quá trình tăng tốc này là những thất bại và thách thức liên tiếp trên con đường phát triển của Trung Quốc. Có quan điểm cho rằng, đối diện sự yếu kém tích lũy trong 100 năm qua của lịch sử, các đời lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình đã hạ quyết tâm xây dựng quân đội vững mạnh để rửa "nỗi nhục trăm năm", cũng là bước đầu tiên đưa Trung Quốc tới mục tiêu phục hưng dân tộc", tờ này viết.
Kế hoạch xây dựng quân đội vững mạnh đã được các lãnh đạo Trung Quốc đặt ra. Ảnh: Reuters
Tăng tốc chóng mặt
Từ những năm 1970, quân đội Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng một lực lượng hải quân ở vùng biển xa. Do đó, từ đầu năm 1970 đến khi tàu sân bay Liêu Ninh ra mắt vào năm 2012, quân đội Trung Quốc đã trải qua 42 năm lịch sử.
Tuy nhiên, kể từ khi tàu Liêu Ninh được đưa vào biên chế hải quân thì tốc độ chế tạo, cải thiện tàu chiến, bao gồm cả tàu sân bay của Trung Quốc đột nhiên tăng tốc vượt qua dự đoán của giới quan sát.
Hơn hai năm sau khi tàu Liêu Ninh ra mắt, vào ngày 31/12/2015, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc lần đầu tiên xác nhận tại một cuộc họp báo thường ngày rằng, Trung Quốc đang chế tạo thêm một tàu sân bay nội địa, có lượng giãn nước khoảng 50.000 tấn, được trang bị máy bay J-15 và các loại máy bay vận tải khác.
Trên thực tế, trước đó 2 năm, vào tháng 11/2013, tàu sân bay lớp 001A bắt đầu được chế tạo tại Đại Liên và hạ thủy vào ngày 26/4/2017. Trong thời gian diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc ngày 23/4/2019, truyền thông nước này đưa tin, tàu sân bay lớp 001A đang được hoàn thiện những công đoạn cuối cùng nên có dự đoán cho rằng nó sẽ được đưa vào biên chế trong năm nay hoặc muộn nhất vào năm 2020.
Do đó, kể từ sau khi tàu sân bay thứ nhất được đưa vào biến chế, Trung Quốc chỉ mất thêm 7-8 năm cho tàu sân bay thứ hai. Trong khi đó, tàu sân bay nội địa thứ hai chỉ mất 6-7 năm từ chế tạo đến biên chế.
Muốn hiểu tốc độ sản xuất tàu sân bay của Trung Quốc nhanh đến mức nào, chúng ta có thể đối chiếu với Ấn Độ.
Thực tế, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên ở châu Á sở hữu tàu sân bay. Ngay từ những năm 1950, Ấn Độ đã mua một tàu sân bay Hercules của Anh và cải tạo thành tàu sân bay mới với tên gọi INS Vikrant. Sau đó, Ấn Độ mua thêm một tàu sân bay khác của Anh và một tàu sân bay của Nga. Đến năm 2008, Ấn Độ bắt đầu tự đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Ngày nay khi sức nóng về tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc vẫn chưa giảm nhiệt thì lại rộ lên thông tin về tàu sân bay thứ ba.
Theo Dự án sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ cho biết trong một báo cáo nghiên cứu vào ngày 7/5 rằng, Trung Quốc đang chế tạo một tàu sân bay và dự định hạ thủy vào năm 2022.
Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc sẽ không chỉ trở thành tàu sân bay "lớn nhất châu Á", được trang bị máy bay cảnh báo sớm cánh cố định mà rất có thể sử dụng hệ thống phóng điện từ để khởi động máy bay.
Không chỉ riêng tàu sân bay, trong những năm gần đây, tốc độ đóng tàu của Trung Quốc cũng rất đáng gờm với sự xuất hiện của hơn 50 tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp 056, 29 tàu khu trục tên lửa lớp 054A, 10 tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp 052D v.v... Tốc độ và số lượng tàu chiến được chế tạo đủ khiến Mỹ và các đồng minh cảnh giác và "ghen tỵ", Đa chiều bình luận.
Đau đáu vì "nỗi nhục trăm năm"
Vào ngày 23/4/2019, hải quân Trung Quốc đã tổ chức một lễ duyệt binh trên biển nhân kỷ niệm 70 năm thành lập. Đáng chú ý, cho dù đó là kỷ niệm 60 năm hay kỷ niệm 70 năm thì cả hai ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình đều lựa chọn địa điểm duyệt binh ở Thanh Đảo gần vùng biển Hoàng Hải. Điều này mang rất nhiều ý nghĩa đối với Bắc Kinh.
Xây dựng hải quân lớn mạnh được coi là bước đầu để Trung Quốc gột rửa "nỗi nhục trăm năm". Ảnh: Tân Hoa Xã
Vào năm 1894 - 125 năm về trước, chiến trường chính của hải chiến Trung-Nhật cách Thanh Đảo khoảng 200 km - đảo Lưu Công (Liugong Island) và cuộc chiến này đã xóa sổ toàn bộ Hạm đội Bắc Dương - hạm đội lớn thứ hai của nhà Thanh. Từ đó về sau, hải chiến Hoàng Hải được coi là bắt nguồn của "nỗi nhục hải quân", là nguồn gốc suy yếu của một quốc gia hùng mạnh trong quá khứ.
"Từ quan điểm lịch sử, nếu Trung Quốc muốn trỗi dậy, thì phải gột rửa nỗi nhục hải chiến Hoàng Hải, đó cũng có thể là nhận thức của Tập Cận Bình", Đa chiều viết.
Khi gặp lãnh đạo Quốc dân đảng Liên Chiến vào tháng 2/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Sự suy yếu của dân tộc Trung Hoa thời kỳ năm Giáp Ngọ - 120 năm về trước đã dẫn đến việc Đài Loan bị chiếm đóng. Đây là một trang sử vô cùng đau đớn trong lịch sử của Trung Quốc". Ông Tập cũng lặp đi lặp lại cụm từ "nỗi đau đứt ruột đứt gan, nỗi đau giày xéo tâm can" để mô tả về lịch sử Trung Quốc thời kỳ đó.
Vào chiều ngày 12/6/2018, sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tổ chức tại Thanh Đảo, ông Tập đã rời Thanh Đảo đến đảo Lưu Công. Chuyến đi này của ông Tập không được truyền thông nhà nước Trung Quốc tiết lộ nhiều. Chỉ có một vài bức ảnh và câu nói: "Tôi luôn muốn đến đây để cảm nhận và để học hỏi. Cần duy trì cảnh giác, ghi nhớ bài học lịch sử. Hơn 1,3 tỷ người Trung Quốc cần phấn đấu và nỗ lực không ngừng".
Hình thái chiến tranh thay đổi
Trước khi tới khảo sát đảo Lưu Công, ông Tập đã phát biểu tại Phòng thực nghiệm quốc gia về thí điểm kỹ thuật và khoa học hải dương Thanh Đảo rằng: "Tôi luôn có niềm tin vào việc xây dựng một cường quốc hải dương".
Trước đó, vào ngày 12/4/2018, ông Tập đã đến thăm Viện Biển sâu Tam Á và kêu gọi thúc đẩy sự phát triển toàn diện của khoa học và công nghệ biển của Trung Quốc.
Tại sao ông Tập Cận Bình lại tới thị sát hai viện nghiên cứu khoa học biển hai lần trong hai tháng? Câu trả lời có thể có được từ tuyên bố cuả đại hội khoa học công trình Trung Quốc được tổ chức vào ngày 28/5/2018: "Tình hình, thách thức và nhiệm vụ đang rất cấp bách".
Theo Đa chiều, cảm giác cấp bách này xuất hiện từ 28 năm trước khi Chiến tranh vùng Vịnh 1991 nổ ra đã cho thấy khoảng cách sức mạnh giữa quân đội Trung Quốc và quân đội Mỹ.
Vào lúc 2 giờ sáng ngày 17/1/1991 (giờ địa phương), một quả bom dẫn đường bằng laser "xé toạc" bầu trời đêm ở Iraq. Chiến tranh vùng Vịnh mở ra. Lần đầu tiên, quân đội Mỹ sử dụng tác chiến tranh điện tử, ném bom chính xác phá vỡ hệ thống radar phòng không mặt đất và các phương tiện cảnh báo sớm khác của Iraq. Chiến tranh kết thúc sau 40 ngày nhưng thiệt hại về người và của nghiêng hẳn về phía Iraq.
Trung Quốc đang tăng cường mạnh mẽ sức mạnh của hải quân. Ảnh: Tân Hoa Xã
Đồng thời, sau Chiến tranh Lạnh, khoảng cách giữa quân đội Trung Quốc và quân đội Mỹ cũng lộ rõ. Tại thời điểm đó, Trung Quốc vẫn lấy lục quân là đội quân chủ lực, sức mạnh hải-không quân rất hạn chế. Không quân phụ thuộc rất nhiều vào chỉ huy mặt đất và hải quân chỉ có khả năng tác chiến biển gần, chưa thể vượt qua chuỗi đảo thứ nhất.
Vào tháng 1/1993, sau Chiến tranh vùng Vịnh, hội nghị mở rộng của Quân ủy trung ương ĐCSTQ đã xác lập "phương châm chiến lược quân sự phòng thủ tích cực trong kỷ nguyên mới".
Trên thực tế, nhận thức về Chiến tranh vùng Vịnh đã thúc đẩy hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Sau khi Chiến tranh vùng Vịnh kết thúc, hàng trăm hội thảo đã được tổ chức ở nhiều cấp độ khác nhau trong quân đội Trung Quốc. Chỉ có một kết luận được đưa ra: Cải cách.
Ông Tập Cận Bình từng nhắc đến sứ mệnh của mỗi thế hệ và việc xây dựng lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới rõ ràng được ông Tập Cận Bình coi là nhiệm vụ của thế hệ lãnh đạo đương nhiệm.
Yêu cầu của hiện tại và tương lai
Kể từ đầu thế kỷ 21, tầm quan trọng của nền kinh tế biển đã thúc đẩy vị thế của hải quân mỗi quốc gia.
Sau hơn 40 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc đang nổi lên là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đi kèm với nhiều áp lực và rủi ro, bao gồm chiến tranh thương mại Trung-Mỹ hay một loạt vấn đề trong quá trình thực hiện chiến lược Vành đai và Con đường.
Đa chiều cho rằng, để trở nên giàu có và hùng mạnh, Trung Quốc phải được trang bị một lực lượng hải quân hùng mạnh. điều này được cho quan trọng hơn đối với Trung Quốc cả hiện tại và trong tương lai.
Bởi trước hết, với việc triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường tại hơn 60 quốc gia và khu vực trên thế giới giúp nhiều công ty và người dân Trung Quốc ra hiện diện ở nước ngoài. Dữ liệu cho thấy từ năm 2014 đến 2017, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các quốc gia dọc theo Vành đai và Đường đai có tổng trị giá 64,64 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 6,9%. Và điều này được cho gắn liền với sự trỗi dậy của sức mạnh hải quân Trung Quốc.
Thứ hai, nếu nền kinh tế Trung Quốc muốn hướng tới toàn cầu, nó phải phá vỡ "chiến lược chuỗi đảo" mà Mỹ và Nhật Bản đề ra. Phá vỡ chuỗi đảo đã trở thành nhiệm vụ của hải quân Trung Quốc.
Dư luận Trung Quốc đã "vỡ òa" vào tháng 12/2016, khi biên đội tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - Liêu Ninh đã vượt qua chuỗi đảo thứ nhất đi tới vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Thứ ba, Trung Quốc đang muốn tiếp cận các cảng biển quan trọng trên thế giới nhằm hỗ trợ cho tàu chở hàng và tàu chiến của nước này. Đây cũng là một phần mục đích Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự tại Djibouti vào năm 2017.
Thứ tư, toàn cầu hóa kinh tế và hiện diện tại các cảng trên toàn thế giới đã khiến Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các tuyến vận chuyển đường biển. Ví dụ, hàng hóa Trung Quốc đi qua tuyến Ấn Độ Dương mỗi năm đạt khoảng hơn 1 nghìn tỷ NDT nên vì việc bảo đảm an toàn hàng hải cần sự hỗ trợ của hải quân.
"Nhiệm vụ xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh chưa bao giờ cấp bách như ngày nay", ông Tập Cận Bình đã tuyên bố hồi năm 2018.