Asian Nikkei Review: "Đánh" Huawei, Mỹ chỉ mới chạm được "phần nổi của tảng băng chìm" mang tên Trung Quốc

Tất Đạt |

Tập đoàn Huawei chỉ là một trong số những trọng tâm trong kế hoạch chiến lược nhằm phát triển Trung Quốc của ông Tập Cận Bình.

Huawei chỉ là bước khởi đầu

Với vị trí là lãnh đạo tương lai của tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, người phụ nữ mỉm cười và giơ ngón cái khi tòa án Vancouver quyết định chấp nhận đơn bảo lãnh tại ngoại vào hôm 11/12.

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu - con gái của nhà sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi - đã làm chấn động dư luận thế giới.

Các nhà chức trách Canada đã bắt giữ bà Mạnh theo yêu cầu từ phía Mỹ - vào cùng thời điểm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thưởng thức bữa tối sang trọng tại cuộc gặp gỡ của các lãnh đạo G-20 ở Buenos Aires, Argentina.

Những hi vọng chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế của thế giới đã mau chóng vụt tắt sau khi căng thẳng bắt đầu gia tăng trở lại.

Asian Nikkei Review: Đánh Huawei, Mỹ chỉ mới chạm được phần nổi của tảng băng chìm mang tên Trung Quốc - Ảnh 1.

Bà Mạnh Vãn Chu được bảo lãnh tại ngoại ở Vancouver. Ảnh: The Canadian Press/AP

Bà Mạnh, hiện 46 tuổi, là Giám đốc Tài chính (CFO) của một công ty với mức doanh thu đạt gần 100 tỉ USD. Cha bà là ông Nhậm Chính Phi, 74 tuổi, một cựu quân nhân trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Bà Mạnh có nhiều hộ chiếu và sở hữu hai căn biệt thư triệu đô tại Vancouver.

Theo Asian Nikkei Review, mặc dù xuất thân từ quân đội của ông Nhậm đã khiến các đối tác nước ngoài đề phòng với Huawei, thì sự thật là ông Nhậm đã điều hành công ty rất khéo léo, tránh để cho chính quyền Bắc Kinh can thiệp quá nhiều vào kinh doanh và do đó công ty đã có mức tự chủ nhất định. Đây được cho là bí mật thành công của Huawei.

Nhưng đây không phải là điểm mấu chốt trong vụ bắt giữ bà Mạnh. Trọng tâm mà Mỹ nhắm vào Huawei là vì sự phát triển vượt bậc của cơ chế "hội nhập quân - dân sự" tại Trung Quốc.

Mục tiêu của ông Tập Cận Bình

Đây là chiến lược được thiết kế và áp dụng nhằm tăng cường sức mạnh quốc gia của Trung Quốc thông qua hình thức huy động và kết hợp mọi công nghệ tiên tiến của PLA, của chính phủ cũng như của những doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Là người chủ trương tiên phong, ông Tập Cận Bình còn kết hợp triển khai chiến lược này với việc cải cách sâu rộng tổ chức quân đội.

Bước ngoặt lớn của năm 2017 là khi ông Tập thành lập Ủy ban Trung ương về Phát triển Hợp nhất Quân sự và Dân sự - một cơ quan mới có nhiệm vụ thúc đẩy hội nhập quân-dân sự dưới sự giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tại Đại hội Đảng lần thứ 19 vào tháng 10/2017, ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ ngày càng "cải cách sâu rộng trong những ngành công nghiệp, công nghệ, khoa học liên quan tới quốc phòng" và "đạt được sự hội nhập quân-dân sự ở mức cao hơn".

Asian Nikkei Review: Đánh Huawei, Mỹ chỉ mới chạm được phần nổi của tảng băng chìm mang tên Trung Quốc - Ảnh 2.

Ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ ngày càng "cải cách sâu rộng trong những ngành công nghiệp, công nghệ, khoa học liên quan tới quốc phòng". Ảnh: Reuters

"Tại bất kì bước nào trong quy trình hiện đại hóa đất nước, chúng ta cũng sẽ hiện đại hóa quân đội. Chúng ta sẽ coi đó là nhiệm vụ mấu chốt để tới năm 2035, việc quân sự hóa quốc phòng và quân đội được cơ bản hoàn thành".

Mục tiêu được đặt ra là biến Trung Quốc thành một cường quốc quân sự trong vòng 17 năm. Tại Trung Quốc, ngay cả những công ty tư nhân cũng được yêu cầu đóng góp cho công cuộc hiện đại hóa quân đội giữa thời kì Bắc Kinh tăng cường nâng cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự.

Ý tưởng về hội nhập quân-dân sự đã xuất hiện từ thời Chiến Tranh Lạnh. Năm 1961, tổng thống Mỹ Dwight Eissenhower đã chỉ trích cái mà ông gọi là "tổ hợp công nghiệp - quân sự" trong bài phát biểu hết nhiệm kì.

Để đuổi kịp Mỹ, Trung Quốc đã mô phỏng theo mô hình công nghiệp của Mỹ từ thế kỉ 20 và điều chỉnh cho phù hợp với lời kêu gọi của ông Tập về những công ty nhà nước "mạnh mẽ và to lớn hơn". Đây được gọi là "tổ hợp công nghiệp - quân sự phong cách thế kỉ 21 với những đặc trưng của Trung Quốc".

Triển khai chiến lược chủ chốt

Sự quan tâm của ông Tập dành cho ý tưởng hội nhập dân sự - quân sự có thể được phản ánh qua những quyết định nhân sự, trong đó những cá nhân có liên quan tới nghiên cứu quân sự và công nghiệp quốc phòng đều được trao cho những trọng trách quan trọng trong Đảng và chính phủ.

Ví dụ, ông Mã Hưng Thụy - 59 tuổi, chủ tịch tỉnh Quảng Đông - là một ngôi sao đang lên và được xem là lãnh đạo tiềm năng cho thế hệ tiếp theo.

Ông Mã từng là kĩ sư hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu kĩ thuật vũ trụ, đặc biệt là tên lửa. Ông đã có thời gian đảm nhiệm những chức vụ quan trọng tại Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC).

Sau khoảng thời gian đảm nhận chức thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, ông đã nhanh chóng trở thành chủ tịch của một tỉnh phát triển và được mệnh danh là "công xưởng của thế giới".

Asian Nikkei Review: Đánh Huawei, Mỹ chỉ mới chạm được phần nổi của tảng băng chìm mang tên Trung Quốc - Ảnh 3.

Ông Mã Hưng Thụy (trái) và ông Trương Quốc Thanh (phải). Ảnh: Getty/Reuters

Trương Quốc Thanh - 54 tuổi, thị trường thành phố Thiên Tân - cũng là một nhân vật cấp cao khác trong bộ máy của ông Tập. Ông Trương được bổ nhiệm vào chức vụ nói trên sau khoảng thời gian làm giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (Norinco), một công ty quốc phòng lớn ở Trung Quốc.

Hội nhập quân-dân sự cũng được phổ biến tại thành phố Chu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông, nơi tổ chức triển lãm hàng không vào tháng 11 vừa qua. Đặc biệt trong năm nay, phòng triển lãm đẹp mắt tại Chu Hải đã tập trung chủ yếu về vấn đề hội nhập quân-dân sự.

Máy bay chiến đấu J-10B sản xuất nội địa được trưng bày với động cơ mà quân đội Trung Quốc gọi là "bước đột phá kĩ thuật quan trọng". Màn nhào lộn trên không được cho là điểm nhấn quan trọng nhất trong cuộc triển lãm năm nay.

Asian Nikkei Review: Đánh Huawei, Mỹ chỉ mới chạm được phần nổi của tảng băng chìm mang tên Trung Quốc - Ảnh 4.

Máy bay J-10B trình diễn tại triển lãm hàng không Chu Hải ngày 6/11. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, chính quyền của ông Trump đã kêu gọi "đẩy lùi" kế hoạch "Made in China 2025" của Trung Quốc. Để thực hiện chương trình này, Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp nội địa nhằm đạt được đột phá về công nghệ và tăng cường xuất khẩu. Trung Quốc cũng tăng cường mua lại các công ty nước ngoài sở hữu công nghệ tiên tiến.

Các công ty Trung Quốc có sản phẩm xuất hiện tại Chu Hải hiện đang là "tiền tuyến" trong cuộc chiến giành ngôi dẫn đầu trong công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tầm nhìn của Mỹ

Theo báo cáo từ tờ Wall Street Journal, áp lực của ông Trump dường như đã có hiệu quả. Đầu năm sau Bắc Kinh đang có dự định thay thế "Made in China 2025" bằng một kế hoạch mới, đặt ít trọng tâm lên hạng mục sản xuất chế tạo tại Trung Quốc và tăng cường cơ hội cho các công ty nước ngoài.

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, nhiều công ty Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng nhờ vào chiến lược hội nhập quân-dân sự của ông Tập. Trong số đó là hãng Viễn thông Hytera - một nhà sản xuất lớn các thiết bị thu phát vô tuyến và hệ thống vô tuyến cho cảnh sát có trụ sở tại Thâm Quyến.

"Nhờ vào 'Made in China 2025', Sáng kiến 'Vành đai Con đường' và chiến lược 'Trung Quốc Thời đại số', chúng tôi đã đạt được sự phát triển chưa từng thấy, đặc biệt ở nước ngoài," một đại diện của Hytera nói.

Asian Nikkei Review: Đánh Huawei, Mỹ chỉ mới chạm được phần nổi của tảng băng chìm mang tên Trung Quốc - Ảnh 5.

Thiết bị công nghệ cho công an được sản xuất bởi hãng Hytera. Ảnh: Nikkei Asian Review

Nước Mỹ của ông Trump quyết không để tình trạng này tiếp diễn. Washington đã cho Trung Quốc thời hạn tới cuối tháng 2 để giải quyết vấn đề thu thập thông tin tình báo bằng công nghệ.

Do những lo ngại về an ninh, Bộ Thương mại Mỹ đã vào cuộc. Hồi tháng 8, Mỹ đã thêm một số công ty Trung Quốc - bao gồm Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) - vào danh sách hạn chế nhập khẩu vì lo ngại cho an ninh quốc gia.

CETC là một công ty nhà nước khổng lồ dưới quyền điều hành trực tiếp của chính phủ Trung Quốc và được cho là có mối liên hệ mật thiết với các chương trình quân sự của nước này.

CETC cũng quản lí công ty Công nghệ Kỹ thuật số Hàng Châu Hikvision. Hikvision hiện tại là một trong những nhà sản xuất camera giám sát hàng đầu thế giới nếu xét về thị phần.

Vì lẽ đó, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2019 được thông qua hồi tháng 8 đã nhắm vào 5 công ty của Trung Quốc, bao gồm Huawei, Hikvision, Zhejiang, Hytera và Dahua.

Dahua là nhà sản xuất camera giám sát lớn thứ hai thế giới xét về thị phần. Cả Hikvision và Dahua đều có trụ sở tại Hàng Châu.

Theo đạo luật NDAA năm 2019, kể cả khi các công ty chỉ sử dụng thiết bị của 5 công ty Trung Quốc nói trên trong văn phòng, thì các công ty này cũng bị cấm giao dịch với các tổ chức chính phủ Mỹ bắt đầu từ tháng 8/2020.

Vì những nguyên do trên, Huawei đã trở thành mục tiêu then chốt của chính quyền ông Trump.

Hai tháng trước, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói "nửa đùa nửa thật" rằng: "Nếu ông Trump lo ngại rằng thiết bị của Apple có thể bị nghe trộm, thì ông ấy có thể sử dụng điện thoại của Huawei".

Nhưng dường như bầu không khí thoải mái khi ấy đã biến mất.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Canada và đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để phản đối kịch liệt về vụ bắt giữ CFO của Huawei Mạnh Vãn Chu.

Trong khi đó, các nhà phân tích lo ngại rằng nỗ lực của ông Tập trong việc khai thác tài nguyên của khu vực tư nhân cho phát triển quân sự có thể làm suy yếu 40 năm tự do kinh tế của Trung Quốc. Việc quản lí kinh tế không hiệu quả bởi nhà nước có thể khiến Trung Quốc "chịu chung số phận" như Liên Xô trước đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại