Không thể làm giữa chừng
Sau gần một năm kể từ khi vụ gian lận thi bị phát hiện, đến nay vụ việc vẫn gây chú ý trong dư luận. Trước tiên, ông thấy sao về diễn biến, mức độ vi phạm trong vụ việc này?
Có thể nói vụ việc đã xảy ra từ khá lâu rồi, và từ đó đến nay luôn được dư luận đặc biệt quan tâm. Cũng có một bộ phận cho rằng, tình trạng này diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, mức độ thì rất nghiêm trọng và kéo dài.
Chính vì vậy, phía Ủy ban chúng tôi cũng rất quan tâm, theo dõi và luôn mong muốn đánh giá xem thực chất tình hình, mức độ ra làm sao.
Trong một thời gian dài, các cơ quan điều tra, Bộ GD&ĐT cũng đã vào cuộc khá tích cực và đã có được những kết quả nhất định, đáp ứng được phần nào kỳ vọng của người dân.
Còn với báo chí, từ khi vụ việc bị phát hiện đến giờ cũng đi theo đúng hướng, như vậy là rất tích cực.
Về vụ việc này, bản thân tôi cũng thấy sốc, thấy buồn vì số lượng vi phạm bị phát hiện như vậy là quá nhiều, và sai phạm lại quá trắng trợn, coi thường pháp luật.
Đặc biệt những vi phạm lại xảy ra ở chính những người được nhà nước, nhân dân, các bậc phụ huynh, ngành giáo dục tin tưởng, giao cho trọng trách, cuối cùng họ lại làm những việc không thể chấp nhận được như vậy.
Người ta phấn đấu, nỗ lực hết mình cũng chỉ cải thiện được một vài điểm, đằng này lại gian lận mỗi môn tới 5 - 7 điểm, tổng 3 môn tới 20 điểm như vậy, trong khi lại có những trường chỉ lấy hơn 10 điểm.
Sự trắng trợn này không chỉ gây bức xúc mà còn ảnh hưởng đến niềm tin, đến hình ảnh nhà giáo cũng như ngành giáo dục.
Vấn đề nóng nhất được dư luận quan tâm là việc có công bố danh tính các đối tượng liên quan không và công bố ở mức độ nào?
Quả đúng là như vậy. Đến nay đã có những người liên quan bị điều tra, truy tố và đã có công bố rồi. Cơ quan điều tra phải làm việc thật cặn kẽ với các đối tượng bị truy tố đó.
Điều quan trọng nhất là họ khai ra điều gì trước tiên? Phải bắt đầu từ chính những người đó để làm những bước tiếp theo, xem những ai liên quan, ai tác động, ai mua điểm, chạy điểm?
Tuy nhiên, ngoài điều tra làm rõ cũng cần phải công bố danh tính những người vi phạm.
Có trách nhiệm của hội đồng thi không, bộ phận chỉ đạo thi đó trách nhiệm đến đâu? Bước đầu có thể công bố, làm rõ ở các tỉnh có sai phạm, như vậy cũng phần nào đáp ứng được mong muốn của dư luận.
Còn với các thí sinh tùy vào tình hình cụ thể, xem các cháu có tham gia không, nếu có thì ở mức độ nào và có biết việc này không? Nếu các cháu không biết mà công bố cũng không được.
Công bố công khai để cùng giám sát
Vừa qua báo chí cũng đưa tin nhiều trường hợp vi phạm là con em của cán bộ trong ngành giáo dục, văn phòng tỉnh ủy, rồi cả những đại gia ở địa phương… Điều đó cho thấy có bàn tay quyền lực và đồng tiền chi phối, thưa ông?
Để tìm ra nguyên nhân vì sao, theo tôi đầu tiên phải nói từ nhận thức. Rõ ràng việc đánh giá vai trò, tầm quan trọng trong vấn đề thi cử ở địa phương đó chưa chuẩn, còn sự buông lỏng mới dẫn đến những vi phạm trắng trợn như vậy.
Cũng có thể người ta lợi dụng vào sự buông lỏng đó để trục lợi.
Người dân có quyền đặt nghi vấn việc dùng tiền và quyền lực để can thiệp vào việc này. Tuy nhiên để có kết luận rõ ràng phải phụ thuộc vào kết quả điều tra.
Nhưng điều quan trọng là phải công bố kết quả điều tra để cùng nhau giám sát, xem đã đúng bài bản chưa, có bỏ lọt tình tiết nào, đối tượng nào liên quan không?
Cũng có ý kiến lo ngại vì đối tượng vi phạm là những người có quyền, có tiền ở địa phương nên sẽ ảnh hưởng đến kết quả cũng như việc công bố danh tính của những người liên quan?
Tôi cho rằng, trách nhiệm này đã thuộc về Trung ương, Bộ Công an, cơ quan chủ trì chính về việc này. Đây là trách nhiệm trước Đảng, trước dân, trước nhà nước.
Còn địa phương có tác động hay không, tôi không dám khẳng định, nhưng nếu quyết tâm làm thì có muốn cũng chẳng tác động được. Bởi vụ việc đã trở thành điểm nóng của toàn xã hội chứ đâu phải của riêng địa phương nào.
Cảm ơn ông.
“Điều quan trọng là làm đến đâu chắc đến đó và phải điều tra bằng được chứ không thể làm giữa chừng. Không thể có chuyện một người không bị tác động, không có động cơ gì mà lại sửa điểm vài chục bài thi như vậy”, ông Phan Viết Lượng