Trái Đất từng rất xinh đẹp của chúng ta vừa quay những vòng quay cuối cùng khép lại năm 2019 chuyển sang năm 2020 trong một trạng thái bất ổn ngày càng gia tăng. Hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan và thảm họa tự nhiên, biểu hiện rõ nét của biến đổi khí hậu, đã xảy ra trong năm 2019 và xác lập nhiều kỷ lục chưa từng có.
Nói một cách hình ảnh, Trái Đất giống như một cơ thể Tứ Đại. Tứ Đại là 4 nguyên tố Nước, Khí, Đất, Lửa hình thành nên Trái Đất, tạo nên vạn vật - theo một số quan niệm của cả triết học cổ đại phương Đông và phương Tây. Trong cơ thể đó, Nước là nhựa sống chảy trong cơ thể sinh vật; Nhờ Khí, sinh vật hô hấp để duy trì sự sống; Còn Đất là vật chất, là hình hài tự nhiên; Phải cần đến Lửa để sinh vật xây dựng, duy trì và lan truyền năng lượng.
Và cơ thể Tứ Đại của Trái Đất đang lâm bệnh, với rất nhiều vết thương lớn.
Nửa đầu năm 2019, Amazon - rừng mưa nhiệt đới lớn nhất hành tinh - phải hứng chịu hơn 40.000 trận cháy dữ dội; Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa con số báo động: Tất cả các loài côn trùng trên hành tinh đang sụt giảm 2,5% mỗi năm. Nếu cứ đà này, Trái Đất có thể không có bất kỳ loài côn trùng nào vào năm 2119; Tháng 9/2019, siêu bão Dorian tấn công Quần đảo Bahamas và Mỹ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 70 người, khiến hơn 200 người mất tích, gây thiệt hại kinh tế lên đến gần 5 tỷ USD.
165 năm trước, thủ lĩnh bộ lạc da đỏ Suwamish đã thấu cảm vấn đề mà Trái Đất đang đối mặt ngày nay. Trong bức tâm thư gửi Tổng thống Mỹ Franklin Pierce, ông nói: "Trái Đất là Mẹ thiêng liêng. Và điều gì xảy đến với Trái Đất, sớm muộn cũng sẽ xảy đến với con người..."
Một cuộc đại tuyệt chủng chỉ trong vài trăm năm nữa - dù chỉ đang nằm trên các số liệu - cũng là điều khiến nhiều vị lãnh đạo các quốc gia, tổ chức lớn bậc nhất trên toàn cầu không thể thờ ơ được nữa.
Vì thế, bài viết này cũng không nằm ngoài mục đích tổng kết lại những nguy cơ, thảm họa mà con người đã trải qua, sẽ phải đối mặt trong cả tương lai gần lẫn tương lai xa. Biết, để chúng ta có động lực hơn nữa mà hành động mạnh mẽ hơn nữa, đoàn kết hơn nữa trên phạm vi toàn cầu, vì Đất Mẹ thiêng liêng.
Độc giả click vào từng ô để xem nội dung
National Geographic có bài phân tích về thực trạng nước biển dâng như sau: Khi con người tiếp tục phát thải khí nhà kính ra bầu khí quyển thì đại dương phải gánh chịu hậu quả. Các vùng biển trên thế giới đã hấp thụ hơn 90% nhiệt lượng từ các loại khí này. Minh chứng không đâu xa khi 2018 đã lập kỷ lục là năm đại dương nóng nhất.
Đó là kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý Khí quyển (IAP) tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Cụ thể, 2018 là năm đại dương giữ kỷ lục nóng nhất trong lịch sử 70 năm trở lại đây. IAP chỉ rõ, phần trên cùng của đại dương thế giới đã hấp thụ lượng nhiệt gấp 150 triệu quả bom nguyên tử "Little Boy" của Mỹ (bằng 19,67 x 1022 Joules).
Nguyên nhân là vì, sự nóng lên toàn cầu được thúc đẩy bởi "sự mất cân bằng năng lượng" của Trái Đất do có nhiều khí nhà kính trong không khí, nên có đến hơn 90% nhiệt lượng nóng lên toàn cầu được lắng đọng trong các đại dương trên thế giới.
Đại dương hoạt động như khối bọt biển nhiệt khổng lồ, che chở các lục địa và con người sống trên hành tinh. Đại dương gần mặt nước chỉ mất vài thập kỷ để ấm lên, nhưng đại dương sâu thẳm phải mất hàng thế kỷ để làm gia tăng mực nước biển. Đại dương ấm lên nhanh có thể làm tăng khả năng tàn phá của thời tiết khắc nghiệt, như lốc xoáy và bão lớn. Trên thực tế, ảnh hưởng nước biển ấm hơn đã lan rộng rất nhanh trong những thập niên gần đây, theo TS. Lê Thành Ý - Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam nhận định trên GreenIDVietnam.
Theo tổ chức Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU), năm 2018 là năm thứ 4 nhiệt độ toàn cầu nóng nhất kể từ thế kỷ 19. Hệ quả là nhiệt độ đại dương liên tục gia tăng trong 3 thập kỷ gần đây, và sẽ tiếp tục nóng lên do lượng khí nhà kính tích tụ trong khí quyển ngày một lớn.
Trong một thế giới càng ngày càng nóng thì băng tan khiến nước biển dâng là một trong những hệ quả của biến đổi khí hậu. Mực nước biển trung bình đã tăng hơn 23 cm kể từ năm 1880. Mỗi năm, nước biển lại dâng cao với tốc độ 3 mm/năm.
Nguyên nhân khiến nước biển dâng đến từ (1) sự giãn nở nhiệt; (2) băng tan; và (3) sự biến mất của các dải băng ở Greenland và Nam Cực.
Hệ quả là gì? Khi mực nước biển tăng nhanh như vậy, thậm chí một mức tăng nhỏ cũng có thể gây ra tác động tàn phá đối với môi trường sống ven biển, xa hơn là trong đất liền. Nó có thể gây xói mòn, lũ lụt, ngập nước mặn và nhiễm bẩn đất nông nghiệp và làm mất môi trường sống cho cá, chim, và thực vật.
Không chỉ dừng ở đó, nước biển dâng cao có liên quan đến các cơn bão/siêu bão nguy hiểm hơn, di chuyển chậm hơn và trút lượng nước mưa nhiều hơn. Báo cáo của Phó giám đốc Trung tâm Bão quốc gia (Mỹ) Ed Rappaport năm 2014 cho thấy, từ năm 1963 đến 2012, gần một nửa tổng số người chết vì bão Đại Tây Dương là do nước biển dâng cao, khiến con người thiệt mạng vì lũ lụt, sóng lớn.
Điều đáng nói là, các nhà khoa học liên tục cảnh báo về viễn cảnh nước biển không ngừng dâng cao trong tương lai.
Báo cáo đặc biệt gần đây nhất (tháng 2/2019) của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) cho biết, mực nước biển đại dương sẽ tăng từ 26 đến 77 cm vào năm 2100 khi nhiệt độ toàn cầu chạm ngưỡng 1,5 độ C. Điều đó đủ để gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều thành phố dọc theo Bờ Đông nước Mỹ.
Một phân tích khác dựa trên dữ liệu của NASA và châu Âu dự đoán mức tăng đến 65 cm vào cuối thế kỷ này nếu chúng ta cứ tiếp tục phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính ồ ạt như hiện nay.
Nếu tất cả các tảng băng hiện đang tồn tại trên Trái Đất trong các sông băng và các dải băng bị tan chảy, nó sẽ khiến mực nước biển tăng lên 66 mét!
Viễn cảnh đáng lo ngại này có thể sẽ mất rất nhiều thế kỷ để thành hiện thực nhưng nếu thế giới cứ tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch bừa bãi như hiện nay thì 'ác mộng' này sẽ nhanh chóng thành hiện thực. Khi đó, toàn bộ các bang của Mỹ và nhiều quốc gia, đảo, quốc đảo (tính từ bang Florida (Mỹ) đến Bangladesh) sẽ biến mất hoàn toàn dưới dòng nước mặn, National Geographic kết luận.
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cung cấp những thông tin báo động:
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) xem rác thải nhựa và khả năng chúng chứa các chất có hại là một trong những vấn đề chính ảnh hưởng đến môi trường toàn cầu và sức khỏe con người.
IUCN cho biết, nhựa vô định hình đã được xác định có trong nước máy, bia, muối và có mặt trong tất cả các mẫu nước được thu thập trong các đại dương trên thế giới, bao gồm cả Bắc Cực. Một số hóa chất được sử dụng trong sản xuất vật liệu nhựa được biết là gây ung thư và có khả năng can thiệp vào hệ thống nội tiết cơ thể, gây ra rối loạn phát triển, sinh sản, thần kinh và miễn dịch ở cả người và động vật hoang dã.
Khủng hoảng nước sạch là một cuộc khủng hoảng sức khỏe.
Trên thế giới hiện nay:
Năm 2019, thế giới chứng kiến rất nhiều trận siêu bão Cấp 5 (cấp mạnh nhất trên thang bão phương Tây Saffir-Simpson dành cho lưu vực Đại Tây Dương, tương đương với sức gió mạnh hơn 250 km/giờ).
Riêng tại lưu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Biển Đông), mùa bão 2019 đã sản sinh ra những siêu bão Cấp 5 dữ dội, gồm: Siêu bão cuồng phong cấp 5 Wutip (tháng 2); Siêu bão cuồng phong cấp 5 Hagibis (tháng 10); Siêu bão cuồng phong cấp 5 Hạ Long (tháng 11) - mạnh nhất mùa bão 2019 tại "ổ bão" dữ dội nhất hành tinh này.
Không chỉ xuất hiện siêu bão dữ dội, các trận bão còn có các đặc điểm dị thường, lập rất nhiều kỷ lục khác như đường đi khó đoán (điển hình là trận bão số 5 và số 6 đổ bộ Nam Trung Bộ nước ta hồi tháng 10, 11); tăng cấp nhanh (siêu bão Hagibis); mang theo lượng mưa như trút (siêu bão Hạ Long)...
Cơ quan Đánh giá Khí hậu Quốc gia Mỹ (NCA) nhận định, các cơn bão trong tương lai còn có thể dữ dội hơn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn trong bối cảnh khí hậu ấm hơn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, bầu không khí nóng hơn có thể làm cho gió chậm hơn, từ đó khiến bão di chuyển chậm hơn và ẩm ướt hơn.
Sức nóng của đại dương (do nóng lên toàn cầu) ảnh hưởng đến việc bão hút hơi nước ấm, ẩm hơn vào hệ thống của nó, trong khi gió trong bầu khí quyển sẽ quyết định tốc độ của bão di chuyển trên đại dương nhanh hay chậm. Những cơn bão hút được nhiều hơi nước ấm hơn sẽ gây mưa nhiều hơn.
Ô nhiễm không khí được đo bằng Chỉ số chất lượng không khí (AQI). AQI càng thấp, không khí càng sạch. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc với không khí có chỉ số AQI trên mức 100, thì nó cũng giống như việc chúng ta hít thở khí thải từ một chiếc xe hơi cả ngày.
Năm 2019, chất lượng không khí tại hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có khác thường so với các năm trước, ô nhiễm cục bộ tăng lên, theo nhận định của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra tháng 10/2019.
Theo phân tích của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội do: Phát thải từ hoạt động giao thông, phát triển bùng nổ về xây dựng, thói quen sử dụng than tổ ong... Đặc biệt, trong tháng 9/2019, ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tăng cao còn do có ít mưa nhất trong vòng 6 năm qua.
Trong tháng 9/2019, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, bụi lơ lửng, không thoát được lên cao (trong điều kiện bình thường, không khí thoát lên cao để phát thải). Bên cạnh đó, thời điểm này vào vụ thu hoạch lúa, tình trạng đốt rơm rạ đã ảnh hưởng đến không khí nội đô.
Ô nhiễm không khí đang là vấn đề báo động của nhiều thành phố, quốc gia trên quy mô toàn cầu.
Riêng bụi mịn (bụi siêu vi) PM2.5 là loại bụi gây nguy cơ tử vong cao nhất trong số các loại hạt gây ô nhiễm không khí. PM2.5 là yếu tố gây nguy cơ tử vong cao thứ 6 trên toàn thế giới, cướp đi 4 triệu sinh mạng mỗi năm trên toàn thế giới.
"PM2.5 chịu trách nhiệm cho các ca tử vong trên thế giới nhiều hơn các yếu tố gây nguy cơ tử vong cao khác như hút thuốc lá, béo phì, cholesterol cao, sử dụng rượu bia nhiều..." - Viện nghiên cứu ảnh hưởng sức khỏe phi lợi nhuận (Boston, Mỹ) và Viện đánh giá sức khỏe thuộc Đại học Washington (Seattle, Mỹ) nhận định.
Sóng nhiệt là một giai đoạn thời tiết nóng một cách quá mức, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, kinh tế của con người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2030 đến 2050, từ các yếu tố như suy dinh dưỡng, sóng nhiệt và sốt rét. Ngân hàng Thế giới (WB) nói thêm rằng, những biến đổi về khí hậu và thời tiết cũng có thể buộc hơn 100 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2030.
Năm 2019 chứng kiến đợt sóng nhiệt kỷ lục (kỷ lục về cường độ và thời gian) diễn ra tại Tây Âu hồi tháng 7. Mức nhiệt hơn 40 độ C kéo dài trong suốt 4 ngày đã hoành hành tại nhiều quốc gia như Bỉ, Hà Lan - nơi nhiệt độ trên 40 độ C được ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử các nước này.
Ở Mỹ, sóng nhiệt diễn ra ngắn hơn (1-2 ngày), tuy nhiên mức nhiệt mới đã phá vỡ kỷ lục của mức nhiệt từng được thiết lập trong đợt nắng nóng nguy hiểm hồi tháng 8/2003.
Sóng nhiệt xảy ra trong mùa Hè gây nguy cơ đáng kể đối với sức khỏe con người và có khả năng gây tử vong. Nguy cơ này trở nên trầm trọng hơn do không chỉ biến đổi khí hậu, mà còn bởi các yếu tố khác như dân số già, đô thị hóa, thay đổi cấu trúc xã hội.
Theo dữ liệu năm 2018 của Trung tâm Dự báo Khí hậu, thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) Mỹ thì tốc độ biến đổi khí hậu hiện nay sẽ kéo dài thời tiết khắc nghiệt và thiên tai, làm tăng số người chết do thời tiết cực đoan trung bình lên 50% từ nay đến năm 2100.
Thế nhưng!
Trải qua hàng thiên niên kỷ, con người mặc sức khai thác tài nguyên đất một cách không giới hạn, trong khi tài nguyên này là hữu hạn. Đó là lý do, ngày nay, đất đai đang đối mặt với rất nhiều vấn đề.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) nhận định, nhu cầu sử dụng/khai thác đất đai ngày một gia tăng đã gây áp lực lên đất đai, khiến đất suy giảm chất lượng và không gian.
Nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ không gian sống cho các thế hệ tương lai, bảo tồn đất đai làm nền tảng cho hệ sinh thái toàn cầu.
Cuộc sống của con người phụ thuộc vào đất đai nhiều như đại dương mang lại nguồn dưỡng khí và sinh kế cho chúng ta. Thực vật cung cấp 80% lương thực, thực phẩm cho con người. Rừng xanh bao phủ 30% bề mặt Trái Đất, mang đến môi sinh quan trọng cho hàng triệu triệu loài sinh vật, cung cấp nguồn nước và không khí tươi mát, góp phần chống lại biến đổi khí hậu.
Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) thống kê những con số cho thấy tầm quan trọng của đất đai đối với sự sống và đời sống con người:
UNDP thống kê, mỗi năm hành tinh của chúng ta mất đi 13 triệu ha rừng. Trong khi đó, sự suy thoái dai dẳng của vùng đất khô cằn đã dẫn đến sự sa mạc hóa 3,6 tỷ ha đất mỗi năm.
Dù 15% đất đai trên Trái Đất được bảo vệ nghiêm ngặt, đa dạng sinh học vẫn có nguy cơ ảnh hưởng. Gần 7.000 loài động vật và thực vật đã bị buôn bán bất hợp pháp. Buôn bán động vật hoang dã không chỉ làm xói mòn đa dạng sinh học, mà còn tạo ra sự bất an, xung đột nhiên liệu và nuôi dưỡng tham nhũng.
Hành động khẩn cấp phải được thực hiện để giảm mất môi trường sống tự nhiên và đa dạng sinh học, là một phần của di sản chung của chúng tôi và hỗ trợ an ninh lương thực và nước toàn cầu, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng hòa bình và an ninh.
Viện Khoa học Quốc gia Mỹ (NAS) nhận định: Nếu chúng ta hành động bất cẩn với tài nguyên đất đai của chúng ta, chúng ta có thể làm hỏng hoặc thậm chí mất nó.
Gần như mọi quá trình trên bề mặt Trái Đất đã bị thay đổi bởi các hoạt động của con người. Trong vòng 3 thiên niên kỷ qua, con người đã loại bỏ và thay thế lớp vỏ Trái Đất, đẩy nhanh sự xói mòn của đất. Việc ngăn chặn các dòng sông trên toàn thế giới đã làm giảm đáng kể việc vận chuyển trầm tích đến bờ biển và đồng bằng châu thổ.
Mặc dù các đập mang lại lợi ích xã hội đáng kể, bao gồm giảm lũ lụt, thủy điện và tưới tiêu, nhưng tác động của chúng đối với vận chuyển trầm tích đã gây ra sự sụp đổ của hệ sinh thái sông, khiến bờ biển không được bồi tụ, dẫn đến sụt lún đồng bằng, mất nước và ngập nước diện rộng.
Lửa tồn tại trước chúng ta hàng trăm triệu năm. Lửa được sử dụng để sưởi ấm, xua đuổi thú hoang và làm chín thức ăn, tạo bước ngoặt thay đổi cuộc sống con người. Có thể nói, lửa là cuộc cách mạng đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Cùng với các công cụ bằng đá, việc sử dụng lửa có kiểm soát là mắt xích quan trọng nhất trong quá trình tiến hóa của loài người.
Cùng với nhu cầu sử dụng lửa của con người trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp... là sự tăng trưởng dân số, làm bùng phát các nhu cầu như sưởi ấm, đốt rác thải, đốt rừng. đốt nhiên liệu hóa thạch...
Hệ quả của việc sử dụng lửa không kiểm soát là ô nhiễm không khí (từ hoạt động sưởi ấm, đốt rừng...), hỏa hoạn gây chết người và động-thực vật.
Trong quá trình cháy rừng, tốc độ phát thải khí CO2 ra bầu khí quyển Trái Đất đạt mức cao nhất trong lịch sử. Lượng khí thải carbon từ các đám cháy rừng khổng lồ khắp thế giới này chiếm từ 13% đến 40% lượng phát thải trung bình hàng năm trên toàn cầu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch (ví dụ dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá...). Năm 2002, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuyên bố rằng gần 80% năng lượng của thế giới đến từ các nguồn này.
Chưa rừng ở đó, ảnh hưởng của các vụ cháy rừng lớn này đối với đa dạng sinh học và các tài nguyên thiên nhiên khác tiếp tục là vấn đề nhức nhối khiến các nhà sinh học lo lắng.
Vụ hỏa hoạn lớn năm 1988 tại Công viên quốc gia Yellowstone (Mỹ) đã đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử hỏa hoạn gần đây. Vụ cháy kéo dài hơn 3 tháng và tiêu tốn hơn 1.400.000 ha rừng. Bất chấp mọi nỗ lực dập tắt các đám cháy, vụ hỏa hoạn ở Công viên quốc gia Yellowstone chỉ dừng khi tuyết bắt đầu rơi vào giữa tháng 9.
Năm 2019, thế giới chứng kiến phần diện tích rừng Amazon ở Brazil cháy khốc liệt. Dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì thứ còn lại sau biển lửa hung tàn ấy là nỗi mất mát khó có thể bù đắp của các loài sinh vật và cả con người sống dựa vào rừng hàng trăm năm qua.
Chỉ riêng Amazon, trong 50 năm qua, 17% diện tích của khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới đã vĩnh viễn biến mất.
Thật khó tưởng tượng ở một thế giới không có lửa, khi đó, Trái Đất sẽ như một tinh cầu lạnh giá, dù cho có Mặt Trời sưởi ấm ban ngày.
Trong suốt chiều dài của lịch sử Trái Đất, lửa là yếu tố không thể thiếu đổi với sự tiến hóa của hệ thực vật và động vật. Nhưng ở thời ngày nay, dưới sự xuất hiện của con người, chúng ta đang sử dụng lửa quá mức cho phép, khiến hành tinh ngày một ô nhiễm, mất đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có của nó.
Độc giả click vào từng ô để xem nội dung
Một năm sau khi Mỹ triển khai Thương vụ Gadsden mua lại 76.800 km2 lãnh thổ Mexico với giá 10 triệu USD (khu vực ngày nay là miền nam bang Arizona và tây nam bang New Mexico), năm 1854, Tổng thống thứ 14 của Mỹ Franklin Pierce (1804-1869) tiếp tục ngỏ ý muốn mua phần lãnh thổ của bộ lạc người da đỏ Suwamish thuộc địa phận bang Washington ngày nay.
Nổi tiếng là một nhà lãnh đạo ưu tiên thực thi chính sách bành trướng lãnh thổ và ủng hộ chế độ nô lệ, vị tổng thống Mỹ trẻ tuổi nhất thời bấy giờ về sau đã thành công trong việc mua lại vùng đất khổng lồ ở miền Tây nước Mỹ nhằm phục vụ cho kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa dọc theo tuyến đường phía nam, tuyến đường sắt Nam Thái Bình Dương.
Ngay sau khi nhận được bức thư của Tổng thống Franklin Pierce, thủ lĩnh da đỏ Noah Seattle (1786-1866) phản hồi không chậm trễ. Ông đã có bài phát biểu trước Thống đốc lãnh thổ Isaac I. Stevens (1818-1862). Bài phát biểu đó được biết đến ngày nay là Bức thư của thủ lĩnh da đỏ Noah Seattle.
Vào những năm 1970, bức thư trở thành 'tuyên ngôn' của phong trào bảo vệ môi trường với thông điệp nhấn mạnh mối quan hệ không thể tách rời giữa Thiên nhiên và Con người, cùng lời cảnh tỉnh sâu sắc về 'trái đắng' mà con người phải nhận lấy nếu không biết cách trân trọng tự nhiên.
Tâm thư chứa đầy cảm xúc thiêng liêng của người con dành cho Đất Mẹ từ thủ lĩnh bộ lạc da đỏ Noah Seattle cách đây 165 năm vẫn văng vẳng đâu đây. Bài học "Con Người không thể tách rời Thiên Nhiên" dường như luôn đúng ở mọi thời đại, mọi giai đoạn lịch sử.
Tổng thống Mỹ gửi lời: Ông ấy muốn mua đất của chúng ta!
Đôi lời thể hiện thiện chí và chúc phúc tốt đẹp cho mối giao hảo này là phép lịch sự phải có từ một người đứng đầu nước Mỹ. Mục đích chính của ông ấy là có được vùng đất của chúng ta bằng mọi giá.
Nhưng!
Sao ông có thể bàn chuyện mua bán với bầu trời xanh và mặt đất vàng này? Chuyện này quá đỗi lạ lùng với đồng bào tôi. Bởi, nếu không thể nắm trong tay luồng khí trời mát lành, không thể nắm trong tay dòng nước long lanh thì ông lấy quyền gì đổi chác chúng?
Mọi thứ thuộc về Trái Đất này đều rất thiêng liêng với đồng bào tôi. Từ ngọn thông xanh óng ánh hạt sương mai đến những bản tình ca trong đêm của muôn loài động vật... tất thảy đều chảy trong huyết mạch, lưu truyền trong ký ức của chúng tôi.
Chúng tôi cảm nhận được những dòng nhựa sống trong từng rừng cây, từng ngọn cỏ rõ như dòng máu nóng chảy trong huyết mạch của chính mình. Chúng tôi là một phần của Đất Mẹ và Đất Mẹ cũng là một phần máu thịt của chúng tôi. Những bông hoa đang tỏa ngát hương thơm ấy là chị em của chúng tôi. Anh em ruột thịt của chúng tôi là gấu, là nai, là đại bàng vĩ đại. Từng mỏm đá, từng giọt sương đọng trên ngọn cỏ đến những sinh linh bé nhỏ và cả con người nữa, tất thảy đều là anh em chung một Mẹ.
Với chúng tôi, vạn vật đều có linh hồn. Dòng nước lấp lánh mải miết chảy không ngừng kia đâu chỉ đơn thuần là nước, nó là dòng máu nóng của tổ tiên chúng tôi ngàn đời qua.
Nếu một ngày chúng tôi buộc phải nộp đất cho ông, thì hãy nhớ rằng, chúng tôi đang mất đi phần máu mủ ruột thịt linh thiêng của mình.
Từng tia sáng lấp lánh phản chiếu trên mặt hồ kia vẫn đang kể những câu chuyện đời và hành trình ký ức của chúng tôi. Dòng nước ấy vẫn ngày đêm róc rách tiếng thì thầm của cha ông. Dòng sông đây là anh em, họ hàng của chúng tôi, giúp chúng tôi nguôi đi cơn khát, đưa thuyền chúng tôi ra xa và nuôi lớn biết bao thế hệ đã qua. Bởi thế, các ông phải nhớ đối xử tử tế với dòng sông đó như chính người thân ruột thịt của mình.
Nếu một ngày chúng tôi buộc phải nộp đất cho ông, hãy tạc dạ mà nhớ rằng các ông phải biết trân quý bầu không khí vẫn luôn thổi hồn vào vạn vật mà nó kề bên giống như cái cách mà nó đã kề bên cha ông chúng tôi từ khoảnh khắc cất tiếng khóc chào đời đến giây phút trút đi hơi thở cuối cùng.
Nếu buộc phải lìa xa mảnh đất linh thiêng này, mong ông hãy gìn giữ nó như Đất Mẹ thiêng liêng nơi con người về sau vẫn có được diễm phúc tận hưởng dư vị ngọt ngào và ngát hương của từng bông hoa, từng ngọn cỏ.
Các ông có dạy lũ trẻ của mình (điều mà chúng tôi đã dạy những đứa trẻ của chúng tôi) rằng Trái Đất là Mẹ thiêng liêng? Và điều gì xảy đến với Trái Đất, sớm muộn cũng sẽ xảy đến với con người hay không?
Hãy luôn ghi lòng tạc dạ rằng: Trái Đất không thuộc về con người, con người mới thuộc về Trái Đất. Vạn vật kết nối tất yếu với nhau trong cùng một khối tựa dòng máu nóng chảy trong huyết quản mang đến cho ta nhịp thở. Con người không kiến tạo nên chiếc tổ sống này, con người chỉ là sợi tơ trong đó mà thôi. Một khi chúng ta gây tác động xấu lên chiếc tổ ấy, chúng ta sẽ phải nhận lại trái đắng.
Dẫu định mệnh của các ông vẫn là một bí ẩn với chúng tôi.
Nhưng...
Điều gì sẽ xảy ra khi từng đàn trâu cứ thế bị tàn sát? Từng đàn ngựa hoang kiêu hãnh bị thuần hóa? Điều gì sẽ xảy ra khi những góc rừng vốn yên ắng bỗng nặng mùi con người? Hay những gò đồi chín vàng thơ mộng bị vấy bẩn bởi đường dây vô tuyến? Những cánh rừng sẽ ra sao? Biến mất! Cánh chim đại bàng sẽ nơi nao? Biến mất! Tất cả rồi sẽ biến mất!
Còn lại gì sau những chuyện tồi tệ xảy ra với những sinh linh bé nhỏ ấy? Chẳng còn gì ngoại trừ việc chúng ta kết thúc những ngày "sống" đáng quý và bắt đầu chuỗi ngày "sinh tồn" cực khổ.
Nếu có một ngày, đồng bào da đỏ cuối cùng của tôi biến mất cùng Đất Mẹ linh thiêng và dòng ký ức của anh ấy chỉ tựa như bóng mây chực chờ tan biến, thì bờ biển trải cát vàng và cánh rừng xanh màu lá có còn tồn tại hay không? Vạn vật lưu giữ linh hồn của đồng bào tôi có còn hay không?
Ông biết không? Chúng tôi yêu Đất Mẹ mãnh liệt như đứa trẻ thơ yêu nhịp tim của người đã "tạc" nên sinh linh bé nhỏ đó.
Bởi thế, nếu buộc phải nộp đất cho các ông, thì xin hãy yêu, hãy trân quý và bảo vệ vùng đất này như cách chúng tôi đã làm ngàn đời qua.
Đồng bào tôi là một phần của Đất Mẹ và các ông cũng vậy. Trái Đất này là vô giá với chúng tôi và cũng vô giá với các ông vậy.
Một điều cuối mong ông tạc dạ: Con người chỉ có một đấng linh thiêng duy nhất. Bất kể là da trắng hay da đỏ, chúng ta đều là anh em.
Kính thư,
Noah Seattle, Thủ lĩnh bộ lạc da đỏ Suwamish.
Tháng 11/2019, Từ điển tiếng Anh Oxford (Oxford English Dictionary) đã lựa chọn cụm từ "Climate emergency" là 'Từ của Năm 2019'. Oxford định nghĩa "Climate emergency - Khẩn cấp khí hậu" là một tình huống trong đó cần phải có hành động khẩn cấp để giảm hoặc ngăn chặn biến đổi khí hậu và tránh các thiệt hại tiềm ẩn từ môi trường.
Cũng trong năm 2019, Oxford English Dictionary cho biết, từ 'khí hậu' đã trở thành từ phổ biến nhất liên quan đến tình trạng khẩn cấp, khủng hoảng. Nó phổ biến gấp 3 lần so với cụm từ 'khẩn cấp sức khỏe' do người dùng tìm hiểu.
Vậy các thuật ngữ 'biến đổi khí hậu', 'nóng lên toàn cầu', ' khủng hoảng khí hậu', 'hủy diệt sinh học/sóng thần tuyệt chủng' tuy khác nhau nhưng có mối liên hệ với nhau như thế nào trong bối cảnh khi mất đa dạng sinh học là một trong những vấn đề môi trường toàn cầu nghiêm trọng nhất do con người gây ra? Hàng trăm, hàng triệu loài và vô số quần thể đang bị tuyệt chủng và có nguy cơ tuyệt chủng hàng năm.
Dưới góc nhìn của niên đại địa chất, quần thể sinh học đa dạng nhất, giàu có nhất Trái Đất đang rơi vào cuộc tuyệt chủng lần thứ 6...
Trước khi hiểu rõ biến đổi khí hậu là gì, cần làm rõ hai khái niệm 'khí hậu' và 'thời tiết'. Nếu như thời tiết là tập hợp các yếu tố khí tượng như nhiệt độ, độ ẩm, áp suất khí quyển tại một khu vực cụ thể trong một khoảng thời điểm ngắn hạn cụ thể (vài giờ, vài ngày) - thì khí hậu phản ánh thời tiết trung bình lâu dài (mỗi 10 năm hoặc nhiều hơn) tại một khu vực.
Khái niệm biến đổi khí hậu mang tầm vĩ mô hơn. Biến đổi khí hậu Trái Đất là sự thay đổi dài hạn của hệ thống khí hậu hành tinh (gồm khí quyển, sinh quyển, thủy quyển và băng quyển) trong thời gian từ thập kỷ, thế kỷ đến thiên niên kỷ.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) định nghĩa: Nóng lên toàn cầu là sự gia tăng nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái Đất, gồm bầu không khí, mặt đất và đại dương.
Khí hậu Trái Đất có nhiều biến động trong suốt chiều dài lịch sử. Chỉ trong 650.000 năm qua, đã có 7 chu kỳ xuất hiện và kết thúc băng hà. Với sự kết thúc đột ngột của kỷ băng hà gần đây nhất cách đây 7.000 năm trước đã đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên khí hậu hiện đại cùng nền văn minh tiên tiến của nhân loại.
Xu hướng nóng lên toàn cầu hiện nay có ý nghĩa đặc biệt vì 95% nguyên nhân của nó là hệ quả từ các hoạt động của con người từ giữa thế kỷ 20 đến nay, với tốc độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.
Từ những bằng chứng cổ xưa tìm thấy trong các vòng cây, trầm tích đại dương, rạn san hô và các lớp đá trầm tích, các nhà khoa học nhận định: Sự nóng lên toàn cầu hiện tại đang diễn ra nhanh gấp 10 lần so với tốc độ trung bình của sự nóng lên trong thời kỳ băng hà.
Sự nóng lên toàn cầu thời hiện đại diễn ra ở việc nhiệt độ tại mặt đất, đại dương và khí quyển đều tăng với các biểu hiện:
Nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái Đất đã tăng khoảng 0,9 độ C kể từ cuối thế kỷ 19 do lượng khí CO2 và khí thải nhân tạo khác ngày càng nhiều trong bầu khí quyển. Sự nóng lên toàn cầu rõ rệt nhất diễn ra trong khoảng 35 năm vừa qua.
Theo dữ liệu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), 5 trong số những năm ấm kỷ lục trong lịch sử đã xảy ra kể từ năm 2010 đến nay, trong đó, năm 2019 được giới khoa học dự báo là năm nóng nhất trong lịch sử.
Cùng với sự nóng lên toàn cầu, đại dương cũng bị hấp thụ lượng nhiệt khổng lồ. Năm 2018 ghi nhận là năm đại dương hấp thụ mức nhiệt lớn nhất trong lịch sử.
Các nhà khoa học đo được lượng nhiệt ở 700 mét so với mặt nước biển đã tăng lên âm 17,5 độ C tính từ năm 1969.
Các dải băng ở Greenland (Đan Mạch) và Nam Cực đã giảm về khối lượng. Dữ liệu của NASA cho thấy Greenland đã mất trung bình 286 tỷ tấn băng mỗi năm từ năm 1993 đến năm 2016, trong khi Nam Cực mất khoảng 127 tỷ tấn băng mỗi năm trong cùng khoảng thời gian. Tỷ lệ mất khối lượng băng ở Nam Cực đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua.
Băng tại Bắc Cực cũng đang suy giảm nhanh chóng về cả phạm vi và độ dày của băng trong vài thập kỷ qua.
Không những thế, các sông băng cũng đang hẹp dần ở khắp mọi nơi trên thế giới, ở các dãy núi Alps, Himalaya, Andes, Rocky, Alaska và ở châu Phi.
Quan sát vệ tinh NASA cho thấy lượng tuyết phủ mùa Xuân ở Bắc bán cầu đã giảm trong 5 thập kỷ qua và tuyết đang tan sớm hơn so với các năm trước.
Mực nước biển toàn cầu tăng khoảng 20 cm trong thế kỷ trước. Tuy nhiên, tốc độ nước biển dâng trong 2 thập kỷ qua đã gấp 2 lần so với thế kỷ 20. Đặc biệt, xu hướng này vẫn không giảm trong các năm tới.
Bão mạnh, siêu bão, sóng nhiệt kỷ lục, chênh lệch nhiệt độ (nóng-lạnh) ở các khu vực trên thế giới... ngày một rõ rệt với tần suất nhiều hơn.
Trước sự nóng lên nhanh chóng của khí quyển xảy ra từ đầu thế kỷ 21, một sự kiện El Nino mạnh từ năm 1997 đến năm 1998 đã cướp đi 24.000 sinh mạng trên toàn cầu, gây thiệt hại kinh tế lên đến 34 tỷ USD, gây quá tải cho các tổ chức viện trợ quốc tế trong việc ứng phó với hạn hán, lũ lụt và hỏa hoạn ở Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) thông tin.
Kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp hồi thế kỷ 18, nồng độ axit của bề mặt đại dương đã tăng khoảng 30%. Sự gia tăng này là hệ quả từ việc con người thải ra nhiều CO2 vào khí quyển, khiến đại dương hấp thụ nhiều hơn. Khi đó, các phản ứng hóa học xảy ra làm giảm pH nước biển. Lượng CO2 được hấp thụ bởi bề mặt nước đại dương đang tăng khoảng 2 tỷ tấn mỗi năm.
Dự báo, vào cuối thế kỷ này, nước bề mặt của đại dương có thể có mức độ axit cao hơn gần 150%, dẫn đến độ pH cao chưa từng có trong hơn 20 triệu năm qua.
Để chỉ ra sự khác biệt giữa biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu, NOAA cung cấp các đặc điểm:
Sự nóng lên toàn cầu chỉ liên quan đến sự gia tăng của nhiệt độ bề mặt Trái Đất, trong khi biến đổi khí hậu bao hàm cả sự nóng lên toàn cầu và hệ quả của việc nóng lên toàn cầu đó, gồm sông băng tan chảy, mưa bão dữ dội hơn, hạn hán thường xuyên hơn... Nói cách khác, nóng lên toàn cầu là một trong những triệu chứng của biến đổi khí hậu (biến đổi nhiệt độ).
Một điểm khác biệt nữa giữa hai thuật ngữ này là: Nguyên nhân của sự nóng lên toàn cầu chủ yếu gây ra bởi các hoạt động của con người, như việc gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính (CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC...) từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Còn nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu bao gồm cả nhân tạo và tự nhiên. Các yếu tố tự nhiên dẫn đến biến đổi khí hậu bao gồm: Kiến tạo mảng, hoạt động núi lửa, dạo động ở đại dương, độ lệch quỹ đạo Trái Đất, biến đổu bức xạ Mặt Trời. Trong khi đó, biến đổi khí hậu nhân tạo đến từ các hoạt động sống, sản xuất công nghiệp, giao thông của con người. Việc gia tăng khí nhà kính ra bầu khí quyển từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, đốt rừng, gia súc... tạo ra nhiều hơn 100-300 lần số lượng khí CO2 phát ra từ núi lửa, USGS cho biết.
Sự nóng lên toàn cầu hiện nay cũng khác với sự nóng lên trong quá khứ. Sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện nay đang xảy ra nhanh hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khi nền văn minh và nông nghiệp hiện đại phát triển trong 11.000 năm qua. Thậm chí, nó còn diễn biến nhanh hơn so với bất kỳ giai đoạn gian băng nào trong hàng triệu năm qua.
Gian băng là một thời kỳ nhiệt độ trung bình của Trái Đất ấm hơn làm tan băng ở các vùng cực. Gian băng xen kẽ với các thời kỳ băng hà trong một kỷ băng hà.
Ngày 9/1/2019, Quốc hội Mỹ khóa 116 thành lập ủy ban đặc biệt về khủng hoảng khí hậu có tên House Select Committee on the Climate Crisis, gồm các chuyên gia về môi trường, lũ lụt ven biển, phát triển năng lượng sạch để thực hiện nhiệm vụ đưa ra các khuyến nghị chính sách cho Quốc hội Mỹ nhằm giảm thiểu đáng kể và lâu dài mức độ ô nhiễm cũng như các hoạt động góp phần gây khủng hoảng khí hậu.
Thuật ngữ 'khủng hoảng khí hậu' xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1980 do cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore (dưới thời Tổng thống Bill Clinton) sử dụng, sau đó được sử dụng chính thức hóa bởi Liên minh Khủng hoảng Khí hậu (CCC) năm 2004.
Vào cuối năm 2010, cụm từ 'khủng hoảng khí hậu' nổi lên như một thuật ngữ được đông đảo các cá nhân, tổ chức, tờ báo nổi tiếng như Green New Deal (Mỹ), tờ The Guardian (Anh), nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển Greta Thunberg và thành viên của Đảng Dân chủ Mỹ Kamala Harris...
Giữa năm 2019, tổ chức phi lợi nhuận Climate Reality Project do ông Al Gore thành lập đã kiến nghị các tổ chức thông tấn sử dụng thuật ngữ 'khủng hoảng khí hậu' thay cho 'biến đổi khí hậu' hoặc 'nóng lên toàn cầu'.
Tháng 6/2019, 70 nhà hoạt động khí hậu Mỹ đã tập trung bên ngoài tòa soạn của tờ The New York Times nhằm kêu gọi tờ báo này sử dụng cụm từ "Climate emergency - Khẩn cấp khí hậu" hoặc "Climate crisis - Khủng khoảng khí hậu".
Tháng 9/2019, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cũng sử dụng thuật ngữ này khi nói về mối đe dọa hiện sinh trực tiếp. Giáo sư, nhà khoa học khí hậu người Đức Hans Joachim Schellnhuber, nguyên cố vấn của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng sử dụng thuật ngữ 'khủng hoảng khí hậu' để nói về những vấn đề nghiêm trọng mà con người phải đối mặt, The Guardian thông tin.
Hiểu đơn giản, khủng hoảng khí hậu được dùng để mô tả mối đe dọa của nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu đối với hành tinh Trái Đất; đồng thời đặt ra yêu cầu các quốc gia phải có hành động khẩn cấp để giảm hoặc ngăn chặn biến đổi khí hậu và hệ quả của nó.
Nhiều nhà hoạt động môi trường tin rằng, việc sử dụng thuật ngữ 'khủng hoảng khí hậu' có tác động mạnh mẽ hơn 'biến đổi khí hậu'.
Hủy diệt sinh học (Biological annihilation) hay Sóng thần tuyệt chủng (Extinction tsunami) là những cụm từ xuất hiện trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ để nhấn mạnh đến vấn đề nghiêm trọng của nhân loại khi phải đối mặt với sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu đang diễn ra trước sự sụt giảm nghiêm trọng của loài.
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết, số lượng các loài trên Trái Đất đang bước vào giai đoạn sụt giảm khổng lồ. Sự tuyệt chủng này sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực đối với hoạt động của hệ sinh thái và các thành tố quan trọng duy trì nền văn minh. Giới khoa học gọi sự kiện này là Hủy diệt sinh học hay Sóng thần tuyệt chủng để nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của sự kiện tuyệt chủng lần thứ 6 đang diễn ra.
Minh chứng là: Trong 177 loài động vật có vú thì 30% đã tuyệt chủng, hơn 40% đang suy giảm số lượng nghiêm trọng; Gần 200 loài động vật có xương sống đã tuyệt chủng chỉ trong 100 năm qua (trung bình cứ 1 năm có 2 loài tuyệt chủng); 42% trong số 3.623 loài động vật không xương sống trên cạn và 25% trong số 1.306 loài động vật không xương sống biển hiện nay đang nằm trong Sách Đỏ của IUCN, xếp vào nhóm bị đe dọa tuyệt chủng.
Khoảng 40% các loài côn trùng trên thế giới đang suy giảm. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy tổng khối lượng của tất cả các loài côn trùng trên hành tinh đang giảm 2,5% mỗi năm. Nếu xu hướng đó tiếp tục gia tăng, Trái Đất có thể không có bất kỳ loài côn trùng nào vào năm 2119.
Từ những con số đáng báo động đó, giới nghiên cứu nhận định, tốc độ tuyệt chủng hiện nay nhanh gấp 4.000 lần so với thời kỳ khủng long!
Gần đây nhất, vào đầu tháng 5/2019, Liên Hợp Quốc công bố bản báo cáo dày 1.800 trang do IPBES thực hiện, đưa ra thực trạng đa dạng sinh học hành tinh. [IPBES là Diễn đàn Khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái, do Liên Hợp Quốc thành lập].
IPBES đưa ra thực trạng nghiêm trọng: Thiên nhiên đang suy giảm trên toàn cầu với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người - và tốc độ tuyệt chủng loài đang gia tăng, với những tác động nghiêm trọng đến con người trên khắp thế giới hiện nay.
"Sức khỏe của các hệ sinh thái mà chúng ta và tất cả các loài khác phụ thuộc đang xấu đi nhanh hơn bao giờ hết. Chúng ta đang làm xói mòn nền tảng của nền kinh tế, sinh kế, an ninh lương thực, sức khỏe và chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới." - Chủ tịch IPBES Sir Robert Watson nói.
IPBES liệt kê những con số khổng lồ:
Xu hướng tiêu cực trong tự nhiên sẽ tiếp tục đến năm 2050 và hơn thế nữa trong tất cả các kịch bản chính sách được đưa ra trong báo cáo của IPBES. Các hệ sinh thái, các loài, quần thể hoang dã, các giống và loài động-thực vật được thuần hóa đang bị thu hẹp và biến mất. Mạng lưới sự sống thiết yếu trên Trái Đất đang ngày càng nhỏ hơn. Mất mát này là hệ quả trực tiếp từ hoạt động của con người, gây nên mối đe dọa trực tiếp đến hạnh phúc của nhân loại ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Báo cáo IPBES xếp hạng 5 thủ phạm (theo thứ tự giảm dần) gây tác động toàn cầu cho quá trình hủy diệt sinh học lớn nhất từ trước đến nay, gồm: (1) Con người xâm lấn đất và biển; (2) Khai thác trực tiếp sinh vật; (3) Biến đổi khí hậu; (4) Ô nhiễm; (5) Các loài ngoại lai xâm lấn.
Các yếu tố gián tiếp chính gây hủy diệt sinh học quy mô toàn cầu bao gồm: Tăng dân số và tiêu dùng bình quân đầu người; đổi mới công nghệ; khai thác và sản xuất tài nguyên quá mức.
Báo cáo cũng cho chúng ta biết rằng vẫn chưa quá muộn để tạo ra sự khác biệt, nhưng chỉ khi chúng ta bắt đầu ngay bây giờ ở mọi cấp độ từ địa phương đến toàn cầu. Qua đó, thiên nhiên vẫn có thể được bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững - đây cũng là chìa khóa để đáp ứng hầu hết các mục tiêu toàn cầu khác.
Bản báo cáo liên chính phủ đầu tiên về đa dạng sinh học của IPBES là kết quả lao động miệt mài từ 145 tác giả chuyên gia từ 50 quốc gia trong 3 năm. Báo cáo dài 1.800 trang tổng hợp nghiên cứu từ hơn 15.000 bài báo học thuật và các ấn phẩm nghiên cứu, đánh giá những thay đổi trong 5 thập kỷ qua, cung cấp bức tranh toàn diện về mối quan hệ giữa con đường phát triển kinh tế và tác động của chúng đối với tự nhiên. Báo cáo cũng cung cấp một loạt các kịch bản có thể trong những thập kỷ tới.
Một lần nữa, biến đổi khí hậu nhân tạo, nóng lên toàn cầu đang khiến sinh vật mất cân bằng sinh thái, con người chịu nhiều tang thương hơn vì thiên tai, thảm họa tự nhiên. Đại dương nóng, phá rừng và biến đổi khí hậu đang tấn công hệ động-thực vật trên toàn cầu khiến số lượng loài giảm xuống ở quy mô chưa từng có.
Nếu không có những hành động khẩn cấp, chính con người sẽ phải hứng chịu những thảm họa to lớn từ việc Trái Đất và sinh vật của nó bị tổn thương.
"Còn lại gì sau những chuyện tồi tệ xảy ra với những sinh linh bé nhỏ ấy? Chẳng còn gì ngoại trừ việc chúng ta kết thúc những ngày "sống" đáng quý và bắt đầu chuỗi ngày "sinh tồn" cực khổ"...