Cách đây không lâu trên mạng xã hội có chia sẻ chuyện người đàn ông bị tai nạn, xây xát nhẹ nhưng không còn khả năng điều khiển xe vì say rượu và hư xe đành chịu trận trong cơn mưa lớn, giữa lúc ấy mọi người đi qua đều ngoái đầu nhìn lại rồi bỏ đi luôn.
Cuối cùng thì cũng có một người đàn ông chạy xe SH dừng lại giúp người này, đưa xe hỏng đến chỗ người thân an toàn với sự tiếp sức của người bán trà sữa ven đường và xe ba gác chở thuê.
Câu chuyện gây nên cuộc tranh luận bất phân thắng bại trên mạng xã hội về cách ứng xử, đặt ra những tình huống giả định và cũng có điểm chung là nhiều khi cũng muốn cứu giúp người nhưng sợ bị lừa, bị dính vào những rắc rối, thậm chí nguy hiểm không đáng có.
Người đàn ông đi SH đã dừng lại giúp đỡ một người lạ mặt giữa tối Sài Gòn mưa lớn.
Cuộc sống luôn vội vả và đầy rắc rối, chính vì thế sự "phòng thủ" thường trực trước mọi việc là không thể tránh khỏi.
Việc cứu cấp người bị tai nạn và đưa họ vào bệnh viện chắc chắn sẽ làm cho ta gặp nhiều rắc rối, ta sẽ trở thành người làm chứng, người có liên quan đến vụ án, bị mời gọi nhiều lần, thậm chí có thể trở thành bị cáo hoặc tù tội vì biến thành người gây tai nạn như vụ án Phạm Việt Nam Hòa Bình ở TP HCM trước đây.
Phạm Việt Nam Hòa Bình là người lái xe lam thường chở rau cải từ ngoại thành vào các chợ trung tâm, hôm đó trên quốc lộ, sáng sớm anh thấy người bị tai nạn giao thông nằm trên đường nên quay xe lại đưa vào bệnh viện rồi hoàn tất các thủ tục và thanh thản đi giao rau tiếp.
Mấy ngày sau Hòa Bình bị bắt vì có 2 nhân chứng thu hoạch hoa màu trên cánh đồng rau ven đường nói chính mắt trông thấy xe lam của Hòa Bình đâm đụng, gây tai nạn cho người đi xe gắn máy gây chết người.
Vài tháng sau, vụ án đưa ra xét xử và bị trả hồ sơ điều tra lại, cuối cùng những vị thẩm phán đầy công tâm của TAND TP HCM đã cho dựng lại hiện trường và kết luận Phạm Việt Nam Hòa Bình không phải là thủ phạm đâm đụng xe gây chết người vì đây là cú đâm đụng trực diện, đầu chiếc xe máy bể nát còn xe lam của Hòa Bình không chút trần xước.
Hòa Bình về nhà, xe lam đã cũ nát nên phải bỏ nghề chạy xe mà đi làm thuê làm mướn nuôi thân. Câu chuyện có thật cho thấy sự thử thách nghiệt ngã với người tốt và sự tử tế của cộng đồng.
Nhưng sẽ thật là thiếu sót với những người tốt nếu tôi không kể tiếp đoạn cuối. Bị ám ảnh bởi nhân vật Phạm Việt Nam Hòa Bình sau khi xem hồ sơ tôi đã đi tìm và gặp Hòa Bình. Ngôi nhà tạm bợ, trên khu đất tạm bợ cạnh nghĩa trang ở Quận 12 (xưa là Hóc Môn).
- Hòa Bình có ân hận khi mình vì cứu người mà bị tù tội không?
- Dạ không, những ai làm nghề chạy xe, bán mạng cho đường quốc lộ như em đều biết đây là nghề tai nạn luôn rình rập nên mình phải sống cho tốt và sẵn sàng cứu giúp người bị tai nạn.
Nghe thật đơn giản nhưng quá khó phải không?
Lý do thứ hai để chống chế cho việc làm việc nghĩa, việc tử tế là chúng ta còn phải lo cơm áo gạo tiền, khi nào giàu thì lúc đó làm việc tốt cũng không muộn, chẳng phải ông bà đã nói "Phú quý sinh lễ nghĩa" đó sao?
Đạo diễn Trần Văn Thủy, người nổi tiếng với bộ phim Chuyện tử tế lay động lòng người suốt 30 năm qua từng chia sẻ rằng lịch sử phát triển của con người thật ra là nỗ lực đi đến sự tử tế.
"Năm 1992, Nhật Bản mời tôi hợp tác làm một bộ phim. Tôi về làng gốm Phù Lãng (Quế Võ, Hà Bắc nay là Bắc Ninh) sao con người với người tử tế thế, đến con chó cũng hiền lành, anh thương em, vợ thương chồng, dì ghẻ nuôi con chồng, tình làng nghĩa xóm rất đẹp...
Bộ phim của tôi đơn giản là miêu tả đời sống của những người bình dân, sống ở cái mức khó khăn nhưng tình người đầy ắp.
Khi mang sang Nhật, các nhà báo gọi đó là chuyện cổ tích của đời nay. Họ bảo ngày xưa người Nhật đã nghèo như thế, thậm chí có thời còn nghèo hơn thế và thời đó người Nhật ăn ở với nhau rất là tử tế, nhưng đến bây giờ giàu có văn minh, nhà cao cửa rộng rồi nhưng con người với con người lại chia cắt.
Như vậy thì cái khát vọng của con người đâu có phải là tiền bạc, họ tìm kiếm một đời sống tử tế hơn".
Đó là một nghịch lý hợp lý vì rằng ai cũng có thể sống tử tế với nhau, việc tử tế của người nghèo thường là hành động trực tiếp dễ nhận ra còn người giàu thường có xu hướng làm việc thiện cách kín đáo, có nghĩa ai cũng có thể sống tử tế, vấn đề là ta có muốn như vậy không.
Người tử tế là người cẩn thận trong từng việc nhỏ để không làm tổn hại đến người khác, đến muông thú vật nuôi và môi trường, đồng thời sẵng sàng giúp đỡ người khác trong điều kiện của mình.
Xã hội chúng ta là xã hội khuyến thiện, ươm mầm cho những điều tốt, mỗi việc tử tế dù nhỏ bé điều được cộng đồng ghi nhận, trân trọng.
Việc tử tế trong chúng ta cũng không thiếu, những bếp ăn cho người nghèo, những tủ quần áo "Dư cho, thiếu nhận về", những tủ bánh mì miễn phí, những bình nước miễn phí…làm cho những người cơ nhỡ, kém may mắn trong cuộc sống cảm nhận rằng có những bàn tay ấm áp đưa ra cùng chia sẻ cơn bỉ cực.
Tinh thần tử tế cộng đồng này hình thành "Trách nhiệm doanh nghiệp" khi mà những nhà doanh nghiệp thực hiện việc đóng góp tiền của cho những chương trình từ thiện, dài hơi, quy mô.
Tôi thật sự ấn tượng khi biết rất nhiều trường hợp, nhiều anh chị, không bỏ tiền ra làm thiện nguyện, mà dùng chính thời gian và công sức của mình để đến với những trung tâm nuôi dưỡng người già, trò chuyện cùng họ, cắt móng tay móng chân, gội đầu… cho họ.
Nhiều bạn trẻ khác âm thầm đến những trại trẻ mồ côi, tắm rửa xức phấn thay tã đút sữa cho các bé. Thật là dễ thương và đáng kính phục.
Nhưng nếu cuộc sống quá bận rộn vì cơm áo, vì gia đình, thậm chí không có cả thời gian cho sự riêng tư của chính mình thì sao?
Không sao cả, cứ "ủ mưu" lòng tốt của mình, lúc nào đó chúng ta sẽ có dịp để hòa vào tha nhân.
Khoan đã, điều muốn nói vẫn là cho dù cuộc sống luôn vội vả , hãy tử tế trước hết với người thân và gia đình mình bạn nhé.