Từ Crimea đến cao nguyên Golan: Nga nói Mỹ bất nhất

THIÊN ÂN |

Cả cao nguyên Golan và bán đảo Crimea đều được sáp nhập vì lý do chiến lược.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công nhận cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel và hiện có nhiều ý kiến nói đến sự liên quan giữa việc này và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Nhà báo Leonid Bershidsky, một cây viết bình luận của hãng tin Bloomberg (Mỹ), nhà sáng lập nhật báo kinh doanh Vedomosti (Nga) và trang web bình luận

Slon.ru (Nga), phân tích khá rõ về hai trường hợp cao nguyên Golan và bán đảo Crimea.

Giống, khác thế nào?

Nhìn bề ngoài, sự tương đồng giữa tình hình cao nguyên Golan và bán đảo Crimea khá rõ ràng. Cả hai cùng bị nước láng giềng sáp nhập: Trường hợp cao nguyên Golan là Israel sáp nhập từ Syria; trường hợp bán đảo Crimea là Nga sáp nhập từ Ukraine.

Cả hai đều bị sáp nhập vì các lý do chiến lược. Israel sáp nhập cao nguyên Golan từ cuộc chiến Sáu ngày năm 1967 nhằm tận dụng độ cao của vùng cao nguyên này ngăn chặn các nước Ả Rập. Ưu thế địa hình của cao nguyên Golan cho phép Israel với sức mạnh quốc phòng nhỏ bé có thể chống lại được các vụ tấn công của các nhóm thù địch lớn hơn. Như trong cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973 hay còn gọi là cuộc chiến Ả Rập-Israel lần thứ tư, chỉ 177 xe tăng của Israel vẫn có thể chống lại sự công kích dữ dội của 1.500 xe tăng của Syria.

Trong khi đó, giới quan sát cho rằng Tổng thống Nga Putin sáp nhập bán đảo Crimea vì lo ngại chính phủ mới của Ukraine sẽ đóng cửa các căn cứ quân sự của Nga ở bán đảo này. Ngoài ra, ông Putin còn lo ngại Ukraine cho phép Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thiết lập hiện diện quân sự kế bên các cảng của Nga ở biển Đen, phong tỏa đường tiếp cận biển của Nga.

Điểm khác nhau giữa cao nguyên Golan và bán đảo Crimea là gì? Trong cuộc chiến năm 1967 dẫn đến việc Israel chiếm cao nguyên Golan, Israel là nước bị Syria và các nước Ả Rập tấn công trước. Trong trường hợp Crimea, Nga là nước chủ động mở cửa sáp nhập Crimea.

Lợi thế chiến lược của Israel là hữu hình và cần thiết, điều này đã được chứng minh trong cuộc chiến năm 1973 khi Israel bị Syria tấn công. Trong khi đó đe dọa chiến lược từ Crimea với Nga là mơ hồ hơn: Sẽ phải cần một thời gian dài và rất nhiều điều kiện nữa để NATO di chuyển đến Crimea và thậm chí nếu có thế thì nguy hiểm với Nga cũng chỉ mới là lý thuyết.

Mặt khác, Crimea từng là một phần của Nga và ít nhất một phần lớn dân số Crimea nói tiếng Nga ủng hộ việc bán đảo này sáp nhập vào Nga trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2014. Israel sáp nhập cao nguyên Golan không có bất kỳ lý lẽ lịch sử nào và cũng không chứng minh được mong muốn của người dân vùng đất này.

Từ Crimea đến cao nguyên Golan: Nga nói Mỹ bất nhất - Ảnh 2.

Vùng đất thuộc cao nguyên Golan phía bên Syria. Ảnh: GETTY IMAGES

Nga không bỏ qua

Ngày 24-3, hai ngày sau khi ông Trump đề cập ý định công nhận cao nguyên Golan thuộc về Israel, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: “Điều tổng thống làm với cao nguyên Golan là công nhận thực tế và bối cảnh an ninh cần thiết để bảo vệ nhà nước Israel. Đơn giản thế thôi”.

Ở trường hợp này họ áp dụng bộ nguyên tắc này, ở trường hợp khác nguyên tắc lại khác. Đó là chính sách tiêu chuẩn kép, một truyền thống của Mỹ.

Nhà lập pháp Nga SERGEY TSEKOV,

chuyên hoạch định chính sách đối ngoại

Theo nhà báo Bershidsky, phát ngôn của ông Pompeo nhằm bác bỏ mối liên quan giữa cao nguyên Golan và bán đảo Crimea. Tuy nhiên, thực tế lời biện minh của ông Pompeo chỉ càng nhấn mạnh thêm sự so sánh quan điểm của Mỹ về Golan và Crimea. Theo đó, nếu Mỹ công nhận cao nguyên Golan thuộc về Israel thì cũng phải công nhận thực tế ở bán đảo Crimea cũng như các quyền lợi an ninh của Nga ở đây.

Cũng có ý kiến rằng nếu một sự sáp nhập chiến lược có thể được công nhận, như ông Trump công nhận cao nguyên Golan thuộc về Israel thì Mỹ cũng phải công nhận những trường hợp tương tự, vì nếu không làm vậy thì Mỹ sẽ bị xem là bất nhất trong quan điểm về chủ quyền của các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Và dĩ nhiên phía Nga đã nhanh chóng nhận ra điều này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết trên Facebook rằng việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea cũng hiển nhiên được công nhận (khi so sánh với cao nguyên Golan) theo lời ông Pompeo.

Tuy nhiên, Nga không ủng hộ Mỹ công nhận cao nguyên Golan là của Israel để được Mỹ ủng hộ Crimea là của mình. Theo Nga, việc Israel sáp nhập cao nguyên Golan không nên được công nhận vì điều này vi phạm luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao Nga dẫn ra nghị quyết năm 1981 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) tuyên bố việc Israel chiếm cao nguyên Golan là bất hợp pháp.

Và dĩ nhiên, HĐBA không có nghị quyết nào như thế về chuyện Nga sáp nhập Crimea - đơn giản vì Nga là một thành viên có quyền phủ quyết trong hội đồng. Dù thế đại hội đồng LHQ cũng có các nghị quyết tuyên bố việc chiếm Crimea là bất hợp pháp nhưng các nghị quyết này không mang tính ràng buộc về pháp lý.

Học thuyết Stimson do Mỹ đưa ra năm 1932 có nội dung không công nhận các lãnh thổ được thành lập từ các cuộc xâm lược bằng vũ lực. Có nghĩa Mỹ không nên công nhận các thay đổi biên giới các nước từ sự cưỡng ép. Từ quan điểm này, theo nhà báo Bershidsky, Mỹ cũng như mọi nước khác nên kiềm chế công nhận các trường hợp sáp nhập bằng vũ lực. Điều này chỉ khuyến khích thêm các cuộc chiến tranh lãnh thổ.

Từ năm 1944 cho đến năm 1967, cao nguyên Golan thuộc về Syria và bị Israel chiếm trong cuộc chiến tranh Sáu ngày năm 1967. Năm 1973, Israel trao trả một phần nhỏ cao nguyên Golan cho Syria. Năm 1981, Israel chính thức sáp nhập phần lớn lãnh thổ cao nguyên Golan còn lại. Hiện tại, cụm từ cao nguyên Golan được dùng để chỉ phần lãnh thổ mà Israel đã chiếm từ Syria. Cộng đồng quốc tế và HĐBA LHQ không chấp nhận hành động của Israel. Năm 2006, LHQ ra nghị quyết kêu gọi Israel chấm dứt chiếm đóng cao nguyên Golan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại