Ảnh minh họa
Kể từ Thế chiến II, Mỹ đã phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng đến từ Liên Xô và sau đó là sức mạnh không quân ngày càng lớn mạnh của Nga. Trung Quốc cũng có thể sẽ sớm vượt mặt Nga để giành vị trí đó. Và nếu công nghệ tác chiến của Nga-Trung được kết hợp lại, nó có thể đẩy liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu vào mối nguy hiểm lớn hơn.
Một nghiên cứu mới từ Viện Royal United Services (RUSI) – tổ chức tư vấn an ninh và quốc phòng lâu đời trên thế giới – đã cảnh báo rằng, lần đầu tiên kể từ năm 1945, những mối đe dọa lớn nhất trên không đối với năng lực không quân của phương Tây đang gia tăng.
Bản nghiên cứu đồng thời nhấn mạnh rằng, Trung Quốc đã phát triển được ngành công nghiệp vũ khí, cảm biến, máy bay chiến đấu nội địa tiên tiến và đang vượt xa Nga.
"Trong bối cảnh các hệ thống vũ khí và năng lực sản xuất khung máy bay của Trung Quốc tỏ ra vượt trội so với Nga, và điều này ngày càng trở nên hiển nhiên, thì những quốc gia bị ràng buộc về chính trị và ngân sách sẽ có xu hướng tìm tới Bắc Kinh, thay vì Moscow để mua sắm trang bị, nhất là khi các hệ thống từ thời Liên Xô của họ đang dần lạc hậu" – Bản nghiên cứu cho hay.
Tiêm kích Su-30 của Nga. Ảnh: EurAsian Times
Các chuyên gia chỉ ra rằng, nhiều mẫu máy bay chiến đấu của Trung Quốc thực chất là phiên bản sao chép vũ khí Nga. Năm ngoái, công ty quốc phòng nhà nước Rostec của Nga đã cáo buộc Trung Quốc sao chép trái phép vũ khí của họ thông qua kỹ thuật đảo ngược.
"Sao chép không phép trang thiết bị của chúng tôi ở nước ngoài là một vấn đề rất lớn. Có khoảng 500 trường hợp sao chép như vậy trong vòng 17 năm qua" – Ông Yevgeny Livadny, người đứng đầu các dự án sở hữu trí tuệ của Rostec cho hay.
"Riêng Trung Quốc đã sao chép động cơ máy bay, các mẫu chiến đấu cơ Sukhoi, tiêm kích hạm, hệ thống phòng không, tên lửa phòng không vác vai, và cho ra đời bản sao của hệ thống pháo/tên lửa đất-đối-không tầm trung Pantsir" – Ông Livadny nói thêm chi tiết.
Một số chuyên gia từng báo động về hành vi sao chép trắng trợn của Trung Quốc trong những năm 1990. Theo đó, sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã bán cho Trung Quốc các tiêm kích Su-27, Su-30 cùng hệ thống phòng không S-300.
Quân đội Trung Quốc (PLA) sau đó đã sử dụng chúng như bản mẫu thiết kế để cho ra đời các dòng chiến đấu cơ nội địa J-11, J-15 và J-16. Nước này cũng dùng nguyên mẫu của Nga để phát triển hệ thống phòng không nội địa gọi là HQ-9.
Tiêm kích J-10 do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: EurAsian Times
Theo ông Justin Bronk - một nhà nghiên cứu chuyên về công nghệ và sức mạnh chiến đấu trên không tại RUSI, đồng thời là tác giả của nghiên cứu trên – Nga và Trung Quốc hiện đang phụ thuộc vào dòng máy bay chiến đấu Su-27/30 Flanker cùng các biến thể của nó.
"Họ vừa trang bị thêm các chiến đấu cơ tàng hình, vừa tăng cường năng lực tác chiến đa nhiệm cho lực lượng máy bay hiện có. Tuy nhiên, Trung Quốc đang tỏ ra vượt trội so với Nga trong hầu hết các khía cạnh kỹ thuật liên quan đến công tác phát triển máy bay chiến đấu" – Ông Bronk viết.
Nhà nghiên cứu đồng thời cho biết thêm rằng, việc tích hợp các loại radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA), hệ thống liên kết dữ liệu mới, hệ thống tác chiến điện tử cải tiến cùng tăng cường sử dụng vật liệu composite đã mang lại cho các tiêm kích J-11 và J-16 của Trung Quốc ưu thế chiến đấu so với Su-35 Nga.
Nhằm đáp ứng mục tiêu "quân đội hàng đầu thế giới" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ra vào năm 2049, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc hiện nay đang gấp 4 lần mức chi của Nga.
Theo thống kê của Statista, tính riêng trong năm ngoái, Bắc Kinh đã chi 260 tỷ USD cho quốc phòng, trong khi con số này ở Nga là 65,1 tỷ USD. Điều này mang lại lợi thế cho ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
Tác giả cho rằng nếu công nghệ chiến đấu của Nga và Trung Quốc kết hợp thì nó có thể gây ra tổn hại rất lớn đối với liên minh NATO.
Trong khi đó, cây viết Sebastien Roblin của tạp chí Forbes lại cho rằng quân đội Trung Quốc chưa thể vượt trội quân đội Nga do lực lượng của Moscow nắm giữ nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn, thông qua các chiến dịch ở Syria.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chưa có được các mẫu máy bay tương tự như tiêm kích đánh chặn MiG-31, hay máy bay ném bom siêu âm Tu-160 và Tu-22M.