Phiên live kéo dài hơn dự tính và Quyền Leo Daily đã khá "vật vã" để chạm mốc 100 tỷ vào... 3h sáng 6/5 chứ không phải mốc 12h đêm như họ đã đặt ra. Không dễ để lấy tiền từ túi người tiêu dùng - đó là sự thật! Song, chuyện dừng ở việc khó bán hàng dù quảng cáo sản phẩm giá "sập sàn", rất nhiều thị phi còn kéo đến với Quyền Leo Daily như kiểu: Hàng có chất lượng không mà giá rẻ 1/3 thị trường thế? Nâng giá lên để giảm giá xuống à? Sao sản phẩm này trên các sàn khác giá rẻ hơn sau khi sàn T. này đã giảm nhỉ?, Đơn ảo, "Lùa gà"....
Nói chung đủ chuyện!
Dưới góc độ của 1 chuyên gia nhưng đồng thời cũng là một nhà tiêu dùng, anh Phùng Hải Long (Giám đốc Make Believe Agency) đã thử trải nghiệm phiên live 5/5 và kết quả khá... sốc. Anh đã đặt hơn 2 triệu đồng tiền hàng. Tuy nhiên, sau 1 tiếng tĩnh tâm, anh giữ lại đơn 133k.
Và có lẽ không chỉ riêng anh Hải Long, nhiều khách hàng cũng đặt rồi huỷ nếu họ "khoan, dừng khoảng chừng là 2s" để nghĩ mình có thật sự cần đến món hàng ấy hay không?
Bàn luận vấn đề về tâm lý người tiêu dùng lẫn thấy gì từ tác động của phiên livestream 100 tỷ vừa diễn ra của Quyền Leo Daily, anh Hải Long đã có những chia sẻ vừa bao quát lại không bỏ qua chi tiết nhỏ, khiến người nghe cảm thấy đang được chia sẻ ở góc độ người mua hàng số đông.
Phùng Hải Long (Giám đốc Make Believe Agency)
100 tỷ/phiên livestream là tín hiệu đáng mừng nhưng đừng nghĩ là "dễ ăn"
Chào anh Hải Long,
Là người có kinh nghiệm trong ngành, anh Long nghĩ thế nào về con số kỷ lục livestream 100 tỷ mà Quyền Leo Daily vừa đạt được?
Theo hướng tích cực, tôi nghĩ đây là dấu mốc đáng mừng cho sự phát triển của TMĐT Việt Nam. Trong suốt những năm gần đây, TMĐT Việt Nam luôn có sự tăng trưởng 2 con số, năm 2023 là trên 25% so với năm trước. Đặc biệt là xu hướng shoppertainment mở ra những cách thức mới giúp doanh nghiệp tiếp cận và chinh phục thị trường dễ dàng và hiệu quả hơn. Qua phiên livestream 100 tỷ này và nhiều phiên livestream được tổ chức chuyên nghiệp, quy mô khác, có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của TMĐT và đã có những sự đầu tư rất mạnh tay để nhanh chóng tận dụng thời cơ và chiếm thế thượng phong.
Tiếp theo con số 100 tỷ kỷ lục này, chắc chắn sẽ là những cột mốc lớn khác được chinh phục sắp tới, và tôi dự đoán sẽ chạm mốc phiên live 10 triệu đô trong năm nay hoặc đầu năm 2025.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận 1 cách đúng đắn về con số 100 tỷ này, tránh những hiểu lầm và gây tâm lý FOMO cho cộng đồng nghĩ rằng việc livestream bán hàng là “dễ ăn” và có lời. Thực tế sự cạnh tranh là rất lớn, những phiên megalive này có rất nhiều đặc quyền hơn đa số, và không nên lấy đây làm “thước đo” để so sánh cho những nhà bán hàng thông thường.
Quyền Leo Daily vốn không phải là một celeb hay TikToker quá nổi tiếng đình đám trên MXH. Nhiều người không khỏi tò mò tại sao những deal trên phiên live của họ lại có giá.... thấp đến không tưởng như vậy. Chẳng lẽ celeb khác tại Việt Nam khi live không thể dễ có giá tốt với nhãn hàng giống như vậy hay sao?
Có thể họ không phải là một celeb hay TikToker quá nổi tiếng, nhưng chắc chắn, họ là 1 ekip rất chuyên nghiệp và có sự đầu tư nghiêm túc.
Việc đi kết nối và đàm phán với các nhãn hàng để có những deal tốt thì việc nổi tiếng thôi là không đủ. Hãy nhìn cách họ tổ chức các phiên livestream, chinh phục các cột mốc kỷ lục, và cách họ làm truyền thông và xây dựng thương hiệu bài bản đến thế nào. Từng đường đi nước bước đều được lên kế hoạch chi tiết và thực hiện nhịp nhàng với nhau, điều mà không phải celeb hay TikToker nào cũng có thể làm.
Vậy nên, đừng chỉ nhìn họ dưới góc nhìn 1 TikToker nổi tiếng, hãy nhìn họ dưới góc nhìn 1 doanh nghiệp có năng lực truyền thông và quảng bá mạnh mẽ. Và “doanh nghiệp livestream Quyền Leo Daily” đang nhanh chóng tận dụng thời cơ để trở thành doanh nghiệp livestream bán hàng hàng đầu tại Việt Nam.
Với doanh thu như vậy, thì theo anh số tiền mà Quyền Leo Daily thu về được có thể lên đến bao nhiêu?
Số tiền chính xác thì chỉ người trong cuộc và bên thuế mới biết thôi, nhưng họ có thể nhận được lợi ích từ nhiều nguồn như chi phí nhãn hàng phải trả để xuất hiện trên phiên livestream, hoa hồng từ doanh thu bán hàng.
Với mỗi nhãn hàng sẽ có những deal riêng, hoàn toàn không có 1 mức cố định nào cả. Riêng mức hoa hồng từ doanh thu bán hàng có thể dao động từ 5% tới 10% hoặc lớn hơn tuỳ sản phẩm. Chưa kể trong phiên livestream có thể có 1 số sản phẩm do chính họ đầu tư sản xuất, phân phối được chèn vào bên cạnh các nhãn hàng nổi tiếng. Và hơn hết cái lợi lớn nhất chính là Giá trị Thương hiệu của họ ngày càng được nâng cao, kéo theo đó rất nhiều lợi ích sẽ tới trong lâu dài.
Càng bị kích thích mua hàng sẽ nảy sinh tâm lý "chốt đơn tạm" kéo theo tỷ lệ huỷ đơn càng lớn?
Thông thường, tỷ lệ huỷ đơn ở một phiên live là bao nhiêu? Và ở trường hợp của Quyền Leo, anh nghĩ con số thực sẽ rơi vào tầm bao nhiêu?
Tỷ lệ huỷ đơn ở 1 phiên live khá cao. Có người nói là 30%, còn như trải nghiệm cá nhân của tôi có biết 1 số phiên live tỷ lệ huỷ đơn này lên tới 50%.
Lý do là đa số các mặt hàng có hình thức “Thanh toán khi nhận hàng COD” nên ngay thời điểm xem live, người mua cứ “chốt đơn tạm”, sau đó họ hoàn toàn có thể cân nhắc lại nhu cầu thật sự, so sánh đánh giá với các sàn khác để quyết định có huỷ đơn hay không. Còn riêng với phiên live 100 tỷ này tôi dự đoán cũng sẽ có tỷ lệ huỷ đơn khá cao do khối lượng sản phẩm được bán rất lớn, trên 100 sản phẩm thuộc nhiều ngành hàng và đặc biệt được dồn deal liên tục sẽ rất kích thích người xem chốt đơn ngay lập tức, còn cụ thể con số nào thì chỉ ekip nội bộ mới nắm được.
Với những phiên live đang diễn ra thu hút sự quan tâm lớn hiện nay như của Quyền Leo, anh nghĩ KOC cần gì thêm để giữ chân người mua hàng mà không chỉ nằm ở việc tung ra mức giá rẻ và voucher ưu đãi?
Đầu tiên phải đề cập đến sự thật khá trần trụi là yếu tố quan trọng để thu hút người mua chốt đơn trên livestream là giá và các ưu đãi như freeship, quà tặng kèm. Như đã nói người mua còn có xu hướng “chốt đơn tạm” và sau đó sẽ cân nhắc, so sánh giá với các sàn khác trước khi quyết định chính thức. Song, điều giữ chân họ ở lại với đơn hàng đó còn phụ thuộc vào 3 yếu tố khác không thể bỏ qua cho một phiên megalive thành công, đó là: Sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu tốt, và nhu cầu sử dụng cao.
Tổng hoà những điều đó sẽ khiến người mua dễ dàng chốt đơn trên livestream ngay khi thấy có giá tốt.
Thứ hai, một yếu tố cực kì quan trọng và bền vững hơn cho các KOC khi bán hàng, đó là xây dựng uy tín thương hiệu cá nhân và tệp fan trung thành. Ví dụ một người bình thường như tôi giờ lên live bán những mặt hàng đó với deal tương tự thì chắc chắn cũng không ai mua. Đặc biệt khi KOC có uy tín, họ sẽ dễ dàng hơn trong thuyết phục người mua với những sản phẩm mới, chưa có thương hiệu mạnh. Lúc này chính uy tín thương hiệu của KOC sẽ là bảo chứng cho thương hiệu sản phẩm mới.
Thứ ba, là khâu truyền thông quảng bá và tổ chức phiên live. Khi đã có sự chuẩn bị tốt về sản phẩm và KOC có uy tín thương hiệu, thì khâu truyền thông quảng bá chính là "ngòi nổ" giúp phiên live tiếp cận được hàng triệu người dùng. Đồng thời trong quá trình tổ chức phiên live, 1 ekip chuyên nghiệp sẽ thu hút và giữ chân người xem hơn, hãy nhớ từ khoá “shoppertainment” - mua sắm kết hợp giải trí.
Nếu con số chục tỷ, trăm tỷ là giả, nhãn hàng không ý kiến thì dân mạng cớ gì phải bận tâm, điều cần nhất là tránh FOMO
Nhiều người đặt ra vấn đề số ảo trên live và con số doanh thu cuối cùng có thể không có thật mà chỉ là thành tích để KOC tự “bơm giá” mình cho những lần live tiếp theo. Theo anh, có nên bỏ việc đo đếm thành tích live bằng con số chốt đơn mà quay sang những thước đo khác?
Những con số như doanh thu, mắt xem, hay tương tác đều chỉ là những con số tham khảo 1 cách tương đối và nó là những chỉ số cần thiết để xem xét đánh giá các hoạt động này. Còn những chỉ số khác như tỷ lệ hoàn huỷ đơn, doanh thu net, hay lợi nhuận đôi khi lại là những “bí mật kinh doanh” mà ít ai muốn tiết lộ.
Nói chung việc số ảo hay thật thì chỉ có ekip nội bộ mới nắm rõ nhất. Đặc biệt phía nhãn hàng khi tham gia các phiên live nếu họ hài lòng với các kết quả nhận được thì không cớ gì cộng đồng mạng phải bận tâm. Còn dưới góc độ người mua, rõ ràng là chúng ta được lợi nhất khi mua được nhiều sản phẩm tốt giá rẻ. Tuy nhiên, người mua cũng cần lưu ý chỉ nên mua những sản phẩm mình thật sự cần, tránh rơi vào bẫy tâm lý ham mua rẻ xong về lại không sử dụng thì lại là lãng phí.
Đối với các nhãn hàng, liệu họ có cảm thấy thất vọng khi KOC hô lên số thì nhiều mà sau đó hàng bán thì ít? Hay họ chỉ cần tên tuổi được tiếp cận nhiều người nhất trong 1 phiên live đã là cách làm hình ảnh về lâu dài?
Cái này tuỳ mục đích và thoả thuận của nhãn hàng với KOC đó trước khi lên live, tuy nhiên theo thực tế tôi thấy đa phần nhãn hàng khi tham gia các phiên live này đều không đặt nặng vấn đề doanh thu, mà cái họ quan tâm nhất là mức độ lan tỏa thương hiệu và sản phẩm đến được tay khách hàng tiềm năng.
Có vài con số nhãn hàng cần quan tâm như phiên live sẽ tiếp cận được bao nhiêu người, có bao nhiêu người nhìn thấy và bấm vào xem sản phẩm, có bao nhiêu người mua hàng, … và cuối cùng mới là doanh số thu được thực tế. Vì rõ ràng mức giá các sản phẩm trên các phiên live đều giảm khá sâu, sau khi trừ đi hết các chi phí có lẽ nhãn hàng chấp nhận “hòa là thắng”.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!