Mới đây, chuyện một chàng trai làm nghề dựng phim đột ngột qua đời vì làm việc liên tục 40 giờ đồng hồ đã làm dân mạng một phen bàng hoàng, xôn xao dậy sóng. Cái chết của cậu không những khiến cho bao người giật mình xoay quanh chủ đề “sự đánh đổi giữa sức khỏe và công việc” mà còn giúp nhiều cá nhân hiểu rõ hơn về ngành truyền thông.
Truyền thông - một lĩnh vực cực kỳ hot tại Việt Nam nhiều năm gần đây hay bị mọi người hiểu lầm và thường xuyên ghép đôi với các cụm từ cảm thán như “sướng lắm”, “hào nhoáng lắm”. Sự thật mà nói, cái mà mọi người nhìn thấy chỉ là một phần chóp của cả một tảng băng trôi khổng lồ. Vui có, buồn có, sướng có, khổ có và đánh đổi cũng có.
Về sướng vui, nói thẳng ra thì làm nghề truyền thông không phải lao động chân tay nhiều như các nghề khác, cũng không dãi nắng dầm mưa quá bi ai khổ ải mà trái lại còn được ngồi điều hòa nhiều, được tạo dựng mối quan hệ với những nhân vật nổi tiếng trong làng doanh nhân hay giới showbiz,... Riêng lương thưởng của nghề truyền thông có thể tạm gọi là ổn (ổn chứ không quá dư dả để nói là giàu).
Tuy nhiên, về mặt tiêu cực, có mấy ai biết rằng những người làm việc trong môi trường truyền thông trông thì sướng nhưng thực chất lại gánh chịu áp lực, stress đến mức kinh hoàng. Từ việc khách hàng ẩm ương, sếp thúc giục cho đến những ngày thức đêm thức hôm đến 4-5 giờ sáng chạy deadline suốt 1 tuần liên tục (thậm chí là một tháng trời).
Giờ giấc của ngành truyền thông không cố định, đang nghỉ ngơi chợp mắt xíu mà có việc gấp cần giải quyết thì lại lao vào làm, hẹn đi chơi xả stress với bạn mà vẫn phải ôm cái máy tính khư khư, hàng tháng trời không có bữa cơm tử tế với gia đình.
Chưa kể, người xa quê lên thành phố làm việc dấn thân vào ngành này, cả năm có khi chẳng rảnh để về thăm nhà, bố mẹ gọi điện hỏi thăm mà xót hết ruột gan.
Những lúc cao điểm việc chất cao hơn núi, đầu óc căng như dây đàn, hết tâm bệnh rồi đến thân bệnh cứ kéo đến ghé thăm thường xuyên, nằm viện truyền dịch bao nhiêu lần không sao kể hết…
Thôi thì luyên thuyên vẫn không bằng những câu chuyện người thật việc thật. Dưới đây chính là các phần trích thuộc những bài viết vừa được đăng tải cách đây ít giờ trên MXH nói về sự qua đời đột ngột của chàng trai làm nghề dựng phim, cũng như là trải lòng về nghề truyền thông nói chung. Chủ nhân của các bài viết này hoặc là đồng nghiệp trực tiếp hoặc là đồng nghiệp cùng ngành của người đã khuất.
"...Với dân làm film, mọi người hay "đùa" - một cách có cơ sở - với nhau là "chắc 40 tuổi em chết". Bởi một sự thật là khi làm nghề này, nhất là trong lúc chạy dự án, chạy deadline cho khách hàng, chuyện thức trắng 1-2 đêm, ngủ bờ ngủ bụi 1 tiếng đồng hồ ở chỗ nào đó, thức dậy uống thật nhiều cafe, nước tăng lực để tim đập thật nhanh, rồi đốt thuốc liên tục cho tỉnh táo để còn làm tiếp là chuyện quá bình thường...
Bản thân chính mình cũng đã trải qua những lần đi quay film mấy chục tiếng không ngủ, đôi lúc cảm giác muốn ngất đi trên set, nên trưa hôm nay nghe tin shock ấy, mình không ngạc nhiên. Chỉ quá buồn vì nó đến với một người gần gũi với mình…
Đôi khi chúng ta chỉ ước là có thể quay lại thời gian 1-2 ngày trước, để nói với nhau rằng "Em chăm sóc lấy bản thân nhé, đừng vì công việc mà quá sức. Về sớm đi, ngủ chút đi!" và như vậy câu chuyện buồn hôm nay đã không xảy ra.
Tạm biệt em nhé D. Mong rằng em sẽ hạnh phúc ở một đời sống mới và biết rằng đã có rất nhiều người đã yêu quý em ở đời sống này"
"...Chúng tôi đã lựa chọn một công việc thực sự vất vả dù không ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Dự án gần đây của tôi là làm việc trên hiện trường 40 tiếng liên tục. Tới những tiếng cuối cùng, cơ thể nghĩ gì, làm gì cũng chậm chậm.
Chúng tôi đùa nhau: não chết mẹ nó rồi, chẳng nghĩ gì được cả, chẳng điều khiển nổi tay chân nữa. Sau ngày quay đó, chúng tôi có tiếp tục công việc này hay không? Có. Bởi đấy là nghề của chúng tôi, nghiệp của chúng tôi.
Công việc tạo nên những sản phẩm đôi khi rất đáng tự hào. Không phải chỉ tự hào vì nó đẹp, nó thú vị, nó hay ho, nó độc nhất mà còn vì nó là thành quả của rất nhiều con người cùng cố gắng, thậm chí là sát cánh chiến đấu cùng nhau. Tôi thường nói với sinh viên của mình: khi tôi làm nghề, tôi đã hiểu được một phần của nghĩa đồng đội vào sinh ra tử…".
"Bán mạng để được gì? Những người chưa giàu đã gục ngã!
Lại thêm một trường hợp đột tử vì làm việc quá sức, 40 tiếng liên tục. Cũng từng làm agency, từng thức đêm liên tục, ngủ vật vã ở công ty nên thấm lắm. Bạn mình, sinh năm 93 thành công rồi, bây giờ đòi bán công ty không muốn làm nữa vì quá mệt. Đi khám 2 cục u. Bạn mình, mua được 2 cái nhà ở Hà Nội thì bác sĩ bảo không còn sống được bao lâu...
Vì sao phải vật mặt ra làm ư, không làm, áp lực nó bủa vây tứ phía. Sếp ở trên giục xuống, bố mẹ sốt ruột, hàng xóm bóng gió, họ hàng hỏi han, bạn bè xung quanh thành công cả...
Nhưng tiền kiếm ra là để tiêu cho sướng, nên làm nhiều cũng phải dành lấy thời gian mà hưởng thụ. Làm 3, 4 tiếng dành lấy 1 tiếng mà chơi. Làm 5 ngày thì nghỉ 1 ngày. Không phải lười đâu mà đó là biết tôn trọng mình. Đến lúc có chuyện mới thấy sức khỏe quý như thế nào…".
"...Cái chuyện làm ngành này bào sức khỏe khủng khiếp chúng mình vẫn tự biết mỗi ngày nhưng ít khi nào nhắc nhau. Bởi deadline là quan trọng nhất, bởi tin hot cần lên luôn, bởi media đã book khách hàng cần gấp.
Bạn mình làm phóng viên mang laptop gõ bài giữa bar. Mình đi nghe nhạc cũng kè kè điện thoại air bài. Trả lời khách lúc 11-12h đêm. 3 năm trước từng phát khóc vì làm những cái campaign hạnh phúc gia đình mà bản thân không về ăn cơm với bố mẹ nổi một bữa.
Chúng mình làm cái ngành mọi người nhìn vào thấy thời thượng, thú vị, đẹp đẽ. Và ừ thì chúng mình cũng yêu nghề. Nhưng bạn ạ nó vất vả độc hại không kém bất kỳ ngành nào khác. Thực lòng khâm phục những anh chị đi lâu được trong nghề, họ là những người vững vàng không chỉ về tinh thần mà còn về sức khỏe nữa.
Mình chắc cũng vẫn tiếp tục sống thế nếu như không có một trận ốm đánh cho tỉnh người ra. Để bớt yêu nghề và biết yêu bản thân mình hơn một chút. Chết rồi thì có gì quan trọng nữa đâu".