Mỹ chưa bao giờ là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, cho dù không ít các nhà lãnh đạo hai nước đã đặt ra kỳ vọng như vậy sau một chặng đường Việt Nam – Mỹ đẩy mạnh hợp tác suốt hơn 20 năm qua.
Cũng thật tiếc, khi Mỹ luôn là một nước rót vốn đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất trên thế giới.
Trong khi đó, Việt Nam đang ngày càng được đánh giá là địa chỉ đầu tư hấp dẫn của khu vực, là thị trường mới nổi có mức tăng trưởng ấn tượng, để thu hút dòng vốn FDI từ nước ngoài.
Đặc biệt, với xu hướng nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn hàng đầu thế giới đang có kế hoạch chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước lân cận, Việt Nam được lựa chọn là một trong những điểm đến cho các nhà đầu tư này.
Thế nhưng, đến nay mục tiêu Mỹ là nhà đầu tư số 1, vẫn chưa đạt được.
Mỏ vàng hàng trăm tỷ USD, Việt Nam chỉ nắm được số lẻ
Một chuyên gia trong ngành đã nhận định rằng, Mỹ luôn là nhà đầu tư tiềm năng, quan hệ giữa Việt Nam – Mỹ cũng ngày càng có những nền tảng tốt đẹp.
Song từ những cơ hội trong hợp tác đầu tư giữa hai nước, đến những dự án tỷ đô được rót vào Việt Nam, lại là cả một chặng đường gian nan.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho biết đã có không ít các nhà đầu tư Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam, song họ chưa tìm hiểu được nhiều thông tin, cũng như gặp không ít rào cản ngay khi tiếp xúc các thủ tục, quy định về đầu tư tại Việt Nam.
Trong khi đó, người Mỹ quyết rất nhanh với các kế hoạch đầu tư của mình, nên chỉ cần những rào cản hay vướng mắc họ gặp phải ngay khi tiếp xúc cơ hội đầu tư, họ có thể từ bỏ ngay việc đầu tư vào thị trường.
Ngược lại, nếu quá trình tiếp xúc cơ hội đầu tư thấy có nhiều thuận lợi, có tiềm năng và hiệu quả để rót vốn, nhà đầu tư Mỹ quyết rất nhanh.
Dẫn chứng từ câu chuyện đầu tư mới đây, là một trong những dấu ấn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đó là việc ông Johnathan Hạnh Nguyễn - ông chủ Tập đoàn IPP đã cùng ba người bạn là những ông chủ của các tập đoàn hàng đầu nước Mỹ, quyết định rót vốn đầu tư vào TPHCM, với tổng quy mô vốn lên tới 4 tỷ USD.
Nếu như ông Hạnh Nguyễn góp vào 250 triệu USD thì số vốn còn lại được ba tập đoàn Mỹ bao gồm Steelman Partners, Cantor Fitzgerald và Weidner Resorts.
Đây đều là những doanh nghiệp lớn, đầu tư trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng…
Những nhà đầu tư này kỳ vọng, đây sẽ là dự án có quy mô lớn, biến Sài Gòn thành một trung tâm tài chính – chứng khoán mới của khu vực.
Tổng thống Obama và TPP: Cú hích cho FDI cất cánh
Không dễ gì để các nhà đầu tư có thể dễ dàng quyết từ vài trăm triệu đô lên tới hàng tỷ đô, nếu như không có đủ niềm tin, đủ “yên tâm” khi bỏ đồng vốn của mình vào Việt Nam.
Sự thay đổi của thành phố, những nỗ lực của người đứng đầu thành phố cùng sự quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ… là điểm tựa, là nền tảng cho các nhà đầu tư rót vốn.
Và chắc chắn, để Việt Nam có thể thu hút được nhiều hơn nữa vốn FDI từ các nhà đầu tư Mỹ, thì việc xây dựng niềm tin, tạo nên sự tin tưởng lẫn nhau giữa nhà đầu tư và chính quyền, trên cơ sở cam kết về môi trường kinh doanh, sự thuận lợi trong đầu tư… như những gì mà TPHCM đã và đang làm, là rất cần thiết.
Nền tảng này sẽ càng được củng cố hơn, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có mặt tại Việt Nam, đến thăm hai trung tâm kinh tế lớn nhất là Hà Nội và TPHCM.
Trong chuyến thăm này, một trong những nội dung quan trọng là hai bên sẽ thảo luận về TPP để thực thi hiệu định này có hiệu quả và có lợi nhất cho Việt Nam.
Theo ông Toàn, những nút thắt trong thương mại và đầu tư đã được hai bên tháo gỡ và cam kết trong TPP đó là sở hữu trí tuệ, đầu tư, tính minh bạch, thuận lợi hóa thương mại, quan hệ lao động, công đoàn, DNNN…
Và cùng với chuyến thăm của ông Obama, thì đây sẽ là những yếu tố cơ bản giúp cho các nhà đầu tư Mỹ rộng đường hơn khi vào Việt Nam trong thời gian tới.