Từ chức hay luận tội: Bãi nhiệm Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye kiểu nào cũng khó

Thủy Thu |

Vụ bê bối liên quan tới "bà đồng" Choi Soon Sil sẽ trở thành "gót chân Asin" trong suốt thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.

Tổng thống Park Geun Hye mới đây do dính líu tới vụ bê bối để "bà đồng" Choi Soon Sil can thiệp hoạt động của chính quyền nên đang đối mặt với áp lực kêu gọi từ chức từ các đảng phái đối lập cũng như dư luận trong nước.

Nhưng theo ông Khê Ứng Hồng - Nghiên cứu sinh chính trị thuộc Đại học Nam Kinh, Trung Quốc cho biết, bà Park không dễ từ nhiệm bởi các thủ tục liên quan vô cùng phức tạp.

Theo Khê, có hai phương án khiến Tổng thống Park từ nhiệm gồm luận tội và tự nguyện từ chức, nhưng cả hai hướng đi đều rất rắc rối.

Luận tội Tổng thống

Theo hiến pháp Hàn Quốc, tiến hành luận tội Tổng thống cần thông qua qua ba bước.

Thứ nhất, các thành viên Quốc hội cần tiến hành bỏ phiếu biểu quyết đề xuất tiến hành phiên luận tội Tổng thống. Nếu số phiếu biểu quyết quá bán thì phiên luận tội mới được đệ trình.

Thứ hai, đề xuất luận tội được trình lên sau 24 giờ, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết lần hai. Lần này, đề xuất chỉ được thông qua nếu nhận được 2/3 số phiếu biểu quyết.

Cuối cùng chính là việc biểu quyết của Tòa án hiến pháp tối cao. Trong số 9 thẩm phán tham gia bỏ phiếu, phải ít nhất có 6 phiếu ủng hộ, đề xuất mới được thông qua. Như vậy, thủ tục luận tội Tổng thống mới được hoàn thành.

Trong lịch sử Hàn Quốc không phải chưa có tiền lệ luận tội Tổng thống. Năm 2002, cố Tổng thống Roh Moo Hyun từng bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng và đã bị đảng đối lập đệ trình luận tội.

Tại phiên đề xuất luận tội, 193 nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ việc phế truất tổng thống, nhiều hơn mức 2/3 cần thiết. Tổng thống Roh khi đó đã bị đình chỉ chức vụ nhằm phục vụ điều tra. Chức vụ Tổng thống khi đó do Thủ tướng Goh Kun tạm quyền.

Tuy nhiên, sau đó Quốc hội có sự thay đổi, đề xuất luận tội ông Roh Moo Hyun thất bại. Ông Roh được phục chức, kết thúc 63 ngày khủng hoảng chính trị trong lịch sử Hàn Quốc.

So với Roh Moo Hyun, số ghế của đảng Saenuri (Thế giới mới) - đảng của bà Park Geun Hye trong Quốc hội không nhiều những vẫn có thể kiểm soát được lần bỏ phiếu biểu quyết thứ hai của Quốc hội.

Và dù Quốc hội có thông qua thì việc luận tội Tổng thống vẫn cần đến quyết định cuối cùng của Tòa án hiến pháp tối cao.

Theo quy định, 9 thẩm phán của Tòa án đều do Tổng thống bổ nhiệm, trong đó có 6 người do Quốc hội đề cử, 3 người khác do Chánh án Tòa án tối cao đề cử.

Việc sắp xếp này trên danh nghĩa nhằm giám sát, kiểm soát lẫn nhau nhưng thực tế là để gia tăng khó khăn cho những lần bỏ phiếu thông qua của Tòa án hiến pháp.

Từ chức hay luận tội: Bãi nhiệm Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye kiểu nào cũng khó - Ảnh 1.

Người Hàn Quốc xuống đường biểu tình kêu gọi Tổng thống Park Geun Hye từ chức. (Ảnh: Jun Michael Park/Korea Exposé)

Tự nguyện từ chức?

Trước đây, cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak từng gặp sóng gió ngay trong 100 ngày đầu nhậm chức.

Năm 2008, thỏa thuận nhập khẩu thịt bò Mỹ do ông Lee ký đã vấp phải những chỉ trích nặng nề, làm dấy lên những cuộc biểu tình phản đối trong nước do lo ngại về tính an toàn của loại thịt sản xuất ở quốc gia Bắc Mỹ.

Tỷ lệ ủng hộ cựu Tổng thống giảm xuống đến 20% nhưng Lee Myung Bak đã kịp thời gỡ thế bí bằng cách chấp thuận đơn xin từ chức của hàng loạt cố vấn cấp cao, sau đó tiến hành cải tổ nội các.

Theo đánh giá, tình hình hiện tại của bà Park giống hệt ông Lee, tức bà có thể tiếp nhận đề nghị từ chức của các cố vấn thân cận, sau đó dựa theo tình hình phát triển, tiến hành cải tổ nội các.

Trước đó, ngày 30/10, bà Park đã chấp thuận đơn xin từ chức của hàng loạt cố vấn cấp cao, trong đó có Chánh văn phòng Phủ tổng thống.

Khả năng duy nhất khiến bà Park Geun Huye phải từ chức chính là kết quả điều tra cuối cùng cho thấy bản thân bà thực sự liên quan đến tham nhũng nhưng việc này rất mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, dù luận tội hay từ chức cũng cần xét một yếu tố quan trọng đó chính là nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ của bà Park sẽ kết thúc vào tháng 2/2018 - tức chỉ còn thời gian hơn một năm.

Chính điều này khiến một số luồng ý kiến cho rằng, dù sao năm sau cũng sẽ tiến hành bầu cử tân Tổng thống nên cũng không nhất thiết phải "lật đổ" Tổng thống đương nhiệm trong thời gian này.

Do đó, dù bị kêu gọi từ chức nhưng khả năng rời khỏi Nhà Xanh của bà Park trong năm nay không cao. Nói cách khác, có khả năng bà sẽ tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước cho đến hết nhiệm kỳ.

Đáng chú ý, dù không bị lật đổ nhưng vụ bê bối liên quan tới "bà đồng" Choi Soon Sil sẽ trở thành "gót chân Asin" trong suốt nhiệm kỳ còn lại của Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh hưởng chính trị sẽ bị thu hẹp và bà sẽ khó có thể đưa ra những quyết định quan trọng.

Đặc biệt, vấn đề triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc có thể sẽ không đạt được thêm tiến triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại