Thú thực khi nhìn những con thiên nga lạ lẫm được đem về Hồ Gươm tôi đã có ý định phản đối. Điều này có lẽ cũng là tâm lý thông thường khi bấy lâu trong tâm thức, Hồ Gươm vẫn là nơi linh thiêng, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm; nơi rùa thiêng đã là biểu tượng.
Nay tự nhiên xuất hiện những con chim nước to lớn (nhìn giống ngỗng) bơi lòng vòng rỉa lông rỉa cánh dưới hồ, bên Tháp Rùa uy nghi trầm mặc, sự lạ lẫm đó ban đầu như phá vỡ không gian vốn rất đỗi quen thuộc, một không gian vắng bóng chim thú, thiên nhiên.
Nhưng sự hồ hởi, ngạc nhiên, háo hức của lũ trẻ nhà tôi với những con thiên nga to lớn đang có mặt tại Hà Nội khiến tôi giật mình nhận ra, từ lâu quá, nhiều người trong chúng ta không hề quen với sự xuất hiện của muông thú, chim chóc... trong thành phố.
Những đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn... hầu như chỉ có toàn người, xe với sự xô bồ, ồn ã. Chúng ta dường như đã quen sống chỉ có duy nhất con người với nhau mà quên cách làm bạn với thiên nhiên, chung sống với thiên nhiên.
Tôi đã nhiều lần đưa con gái mình đến vườn thú Thủ Lệ của Hà Nội, ở đó có một số loại chim thú nhưng tất nhiên chúng được nhốt chặt trong lồng sắt.
Có dạo, 2 con voi tại vườn thú này còn bị xích chân vào cột. Chúng quẩn quanh trong không gian chật hẹp, tù đày và sẵn sàng tấn công ai đó lại gần. Mỗi lần tới vườn thú thăm quan, tôi rất khó để giải thích với con gái, tại sao những con thú tội nghiệp đó bị giam giữ lâu đến vậy; chúng đã phạm lỗi gì để bị nhốt ở đây, bao giờ voi hay hà mã được về nhà...
Thủ Lệ có lẽ là một trong số những vườn thú hiếm hoi trên thế giới còn giữ lại mô hình nuôi nhốt thú vật trong lồng sắt để tham quan, trưng bày. Tình cảnh của những con thú tại đây là một sự mâu thuẫn rất lớn với những thứ lý thuyết về thiên nhiên, môi trường bọn trẻ đang được dạy.
Vì sao dạy trẻ con phải yêu muông thú, thiên nhiên mà người lớn lại nhốt chặt những con ngựa vằn, khỉ, công, le le, hổ, voi... trong lồng kín. Bọn trẻ sẽ không bao giờ có thể hiểu được ý nghĩa đích thực của thiên nhiên nếu chúng được đem đến những vườn thú như vậy.
Nhưng ở trong những chiếc lồng sắt, những con thú tội nghiệp cũng chưa hẳn được yên thân. Tại công viên người ta còn cắt đất cho thuê để cho vô số những nhà hàng, quán xá mọc lên.
Nếu ai đã từng vào vườn thú Thủ Lệ sẽ thấy, chim thú cũng phải làm quen với tiếng nhạc đinh tai nhức óc thường xuyên được bật từ sáng đến đêm. Thiên nhiên đang hiện hữu bên cạnh chúng ta thật tội nghiệp, đáng thương.
Hiện, những con thiên nga từ Hồ Gươm đã được đưa sang hồ Thiền Quang. Nhưng những con chim được thả tự do ở đây liệu có được thoải mái tự do hơn những con chim tại Thủ Lệ? Không, chúng không được phép bơi vào bờ vì rất có thể chúng sẽ bị câu trộm, nếu đen đủi hơn những con thiên nga ngáo ngơ này hoàn toàn có thể bị cắt tiết, đưa lên đĩa.
Thiên nhiên, chim thú dường như có rất ít cơ hội để làm bạn và ở cạnh con người.
Ở Việt Nam, Hưng Yên hiện là đô thị duy nhất có sự xuất hiện của những quần thể chim chóc có số lượng lên tới hàng ngàn cá thể. Ngay trong công viên giữa lòng thành phố này, một đảo chim được người dân chung tay giữ gìn, bảo vệ. Thi thoảng xung quanh công viên cũng xuất hiện những kẻ săn trộm nhưng khi chim chóc đã
quá quen thuộc với con người, rất ít kẻ săn bắn trộm có cơ hội thành công. Đến nay, đảo chim này vẫn là chốn an cư tin cậy của hàng ngàn cá thể chim muông.
Hưng Yên là một thành phố nhỏ nhưng họ vẫn giữ lại một khoảng nhỏ để chim thú tự do về làm bạn với con người. Nhưng Những đô thị khác thì không ở đâu còn nữa.
Hà Nội trước đây cũng có mùa chim làm tổ, ở Hồ Tây là những bầy sâm cầm, le le, mòng, két... nhưng bây giờ, nếu muốn nhìn ngắm những sinh vật này, chắc chúng ta chỉ có thể lên youtube tìm kiếm.
Hà Nội là thành phố vì hoà bình, nhưng một số người dân và một số nhà khoa học lại không chấp nhận được thiên nga xuất hiện tại Hồ Gươm. Bây giờ chúng đang phải thấp thỏm ở hồ Thuyền Quang và chẳng biết số phận sẽ ra sao.
Với những gì đã diễn ra với 12 con thiên nga tại Hà Nội, không quá để nói rằng, tôi cũng như một số người trong chúng ta dường như đã rất thiếu tình yêu với thiên nhiên. Chúng ta không coi trọng sinh vật đang hiện hữu nhưng lại cố giữ lấy hình bóng xưa cũ phần nhiều là truyền thuyết, tương truyền.
Vì sự thủ cựu, chúng ta không giang tay để đón chào chim chóc về với thành phố làm bạn với con người. Không mở lòng với thiên nhiên, không thể hiền hòa với chim thú, sao chúng ta có thể sống hồn nhiên, vui vẻ với nhau!