Từ chối Nhật, láng giềng Việt Nam chọn công nghệ Trung Quốc xây đường sắt cao tốc đầu tiên 7,3 tỷ USD nhưng tuyến thứ 2 ‘quay xe’ chốt công nghệ Nhật

Minh Tiến |

Một nước Đông Nam Á chọn công nghệ Nhật Bản tiến hành xây tuyến đường sắt cao tốc thứ 2 đi qua thủ đô.

Sau nhiều lần trì hoãn, đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung dài khoảng 140 km nối thủ đô Jakarta với thủ phủ Bandung của tỉnh Tây Java Indonesia bắt đầu hoạt động thương mại vào đầu tháng 10/2023, đây là dịch vụ đầu tiên thuộc loại hình này ở Đông Nam Á.

Theo Nikkei Asia, ban đầu, Indonesia dự định áp dụng công nghệ đường sắt cao tốc shinkansen của Nhật Bản, nhưng vào năm 2015, Indonesia đã chuyển sang đề xuất do Trung Quốc đưa ra với lý do kế hoạch của Trung Quốc sẽ không đặt bất kỳ gánh nặng tài chính nào lên ngân sách nhà nước.

Phương tiện tân tiến của Indonesia có tốc độ vận hành tối đa là 350 km/h, thời gian di chuyển trên toàn bộ tuyến chỉ trong vòng 36 phút. Dự án này trị giá 7,3 tỷ USD, phần lớn do Trung Quốc tài trợ, được xây dựng bởi liên doanh PT Kereta Cepat Indonesia-Trung Quốc, hay còn gọi là PT KCIC, giữa một tập đoàn gồm bốn công ty nhà nước của Indonesia và Công ty TNHH Đường sắt Quốc tế Trung Quốc.

Mới đây, Chính phủ Nhật Bản ngày 13/5 thông báo sẽ cung cấp khoản vay khoảng 140,7 tỷ yen (900 triệu USD) để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc thứ 2 tại thủ đô Jakarta của Indonesia. Theo Đại sứ quán Nhật Bản tại Indonesia, việc xây dựng dự án tuyến đường sắt Đông - Tây dài 84,1 km gồm 2 giai đoạn với giai đoạn đầu trên tuyến đường dài 24,5 km dự kiến bắt đầu vào năm 2026 và sẽ hoàn tất trong năm 2031. Đáng chú ý, tuyến đường sắt mới sẽ được xây dựng bằng công nghệ Nhật Bản dành cho tàu và hệ thống báo hiệu.

Hiện nay, các nước trên thế giới liên tục thúc đẩy xây dựng đường sắt cao tốc. Trong khi đó, Trung Quốc, Nhật Bản là những quốc gia có công nghệ xây dựng đường sắt cao tốc hiện đại hàng đầu thế giới.

Trước đây, Trung Quốc dựa vào công nghệ tốc độ cao nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản để làm đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm trở lại đây, các công ty của Trung Quốc đã phát triển thành những công ty dẫn đầu thế giới về công nghệ và kỹ thuật tàu cao tốc. Hiện nay thiết kế tổng thể và công nghệ lõi của tàu cao tốc Phục Hưng được phát triển độc lập ở Trung Quốc.

Theo Li Pingzhuo - Quản lý dự án tại công ty Khảo sát và thiết kế đường sắt Trung Quốc Siyuan, một số công nghệ điển hình được trang bị cho các tuyến đường sắt cao tốc của Trung Quốc là Internet vạn vật, điện toán biên và hệ thống thông tin địa lý. Những công nghệ này giúp công trình cản gió và chống xói mòn, giúp tăng độ bền.

Cùng với đó, các kỹ sư đường sắt Trung Quốc đã tạo ra công nghệ xây dựng tự động, sử dụng nền tảng quản lý dữ liệu kỹ thuật số và hệ thống thông minh để lắp ráp, vận chuyển và xây dựng. Cảm biến tự động làm nhiệm vụ thu thập dữ liệu thời gian thực từ công trường.

Việc sử dụng robot tại công trường có thể sử dụng thuật toán nhận dạng hình ảnh và trích xuất dữ liệu để lập kế hoạch lắp ráp với độ chính xác cao hơn. Ngoài ra, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng cho phép robot hoạt động trong nhiều điều kiện thời tiết bất lợi khác nhau và linh hoạt di chuyển giữa các địa điểm tại công trường để tăng tính hiệu quả.

Còn với Nhật Bản, sử dụng công nghệ HSR (Shinkansen) cũng rất nổi tiếng trên toàn thế giới. Hệ thống tàu cao tốc của Nhật Bản được kết hợp bởi phần cứng và hệ thống phần mềm, bao gồm đường ray xe lửa tốc độ cao được thiết kế đặc biệt, hệ thống điều khiển tàu tự động (ATC) và quản lý lịch trình tàu tự động, để đảm bảo tàu chạy đúng giờ.

Sự kết hợp cẩn thận giữa phần cứng và phần mềm cho phép thiết bị này - kết hợp với các kỹ năng kỹ thuật tinh xảo của người vận hành - kiểm soát tàu đến từng giây và đảm bảo độ chính xác và độ tin cậy trong quá trình vận hành. Do đó, hệ thống này giúp tàu có thể chạy với khoảng cách rất hẹp, không bị chậm trễ theo lịch trình, trung bình thời gian chạy tàu chưa đến một phút.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại