Từ chối Google, chàng trai về nước tìm cách chống gian lận thi cử

Nguyễn Trang |

“Khi tới nước Mỹ, em thấy đây đúng là thiên đường cho người trẻ, nhưng em quay về vì muốn Việt Nam cũng trở thành thiên đường như thế” - Lê Yên Thanh.

Lê Yên Thanh, chàng trai sinh năm 1994 vừa xuất sắc vượt qua hơn 400 tác giả khác để trở thành 1 trong 4 gương mặt trẻ tiêu biểu cả nước giành giải thưởng Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2018.

Yên Thanh gây ấn tượng với hội đồng ban giám khảo bởi phần mềm Hệ thống xác thực trình độ học vấn bằng công nghệ Blockchain.

Là một trong những sáng lập viên, đồng thời là Giám đốc kỹ thuật của một phòng lab nghiên cứu về blockchain, Lê Yên Thanh nhận thấy giáo dục là một trong những lĩnh vực “hot” hiện nay có thể ứng dụng blockchain.

“Một trong những tính chất của blockchain là tạo được niềm tin cho người dùng. Một trong những thứ cần niềm tin nhất trong giáo dục lại chính là việc tổ chức thi cử. Do đó, em đã bắt đầu nghiên cứu hướng áp dụng blockchain vào tổ chức thi cử”.

Thanh cho biết, cách đây 1 năm, nhóm đặt ra mục tiêu “đưa ra những logic của một kỳ thi lên blockchain” như quá trình nộp bài, chấm bài, công bố kết quả…

Tính ưu việt của hệ thống này là giúp tổ chức và lưu trữ các dữ liệu thi cử một cách có hệ thống và phân tán dựa trên tính chất của blockchain.

Qua đó, góp phần tối ưu hóa về vấn đề bảo mật và an ninh mạng cho những dữ liệu quan trọng trong thi cử. Bằng phương pháp này, mọi thông tin sẽ được minh bạch, rõ ràng và không bị tác động từ bên ngoài.

“Ví dụ, một thí sinh đã nộp bài thì không ai có quyền can thiệp vào bài thi đó, mọi hoạt động sau đó từ lưu trữ đến chấm bài đều được làm tự động, kể cả quản trị viên cũng không thể thay đổi được.

Những thông tin này minh bạch và tất cả mọi người có thể thấy. Bên cạnh đó, từ những dữ liệu này, các nhà tuyển dụng nếu muốn tra cứu lại kết quả thi của các ứng viên phục vụ cho việc tuyển nhân sự cũng được thực hiện.

Đơn cử như khi doanh nghiệp cần tìm những người đạt điểm cao, giỏi ngành marketing ở TP HCM, thì có thể tra cứu trên hệ thống và hệ thống sẽ trả về danh sách”, Thanh giải thích thêm.

Chàng trai sinh năm 1994 cho biết, hiện tại, ứng dụng này đang trong quá trình thử nghiệm, có khả năng phục vụ cho những kỳ thi có quy mô khoảng 10.000 người trở xuống, như các kỳ thi cấp trường, cấp tỉnh.

Nhóm nghiên cứu của Lê Yên Thanh hiện vẫn đang tiếp tục phát triển ứng dụng này, dự kiến vào cuối năm sau, sẽ có thể đáp ứng được những kỳ thi khoảng 1 triệu thí sinh.

Để đưa ứng dụng này vào kỳ thi THPT quốc gia, Thanh cho biết, trước hết cần phải đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất như đủ số máy tính cho toàn bộ học sinh trên cả nước thi cùng 1 lúc.

Theo khảo sát ban đầu của nhóm tại ĐH Kinh tế TP HCM, mỗi bài thi của 1 sinh viên sẽ có chi phí khoảng 5.000 đồng. Trong khi đó, chi phí hiện tại cho 1 bài thi của hệ thống này chỉ tốn khoảng 1.000 đồng. Trong tương lai, chi phí này còn giảm xuống từ 10-20 lần.

Từng từ chối nước Mỹ để trở về Việt Nam

Chia sẻ thêm, Lê Yên Thanh cho biết, sau khi tốt nghiệp ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) năm 2016, Yên bắt đầu thực tập tại Google (Mỹ).

Từ chối Google, chàng trai về nước tìm cách chống gian lận thi cử - Ảnh 2.

Chàng trai sinh năm 1994 từng từ chối nước Mỹ để trở về Việt Nam khởi nghiệp. (Ảnh: NVCC)


Tại đây, Thanh làm việc trong nhóm bảo mật của Google. Sau này, dù nhận được lời mời ở lại làm việc cho Google và nhiều công ty công nghệ khác, nhưng Thanh vẫn từ chối để về Việt Nam khởi nghiệp.

Chàng trai sinh năm 1994 chia sẻ: “Khi tới Google tại Mỹ, em như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác. Tại đây em đã được học rất nhiều thứ, quả là môi trường lý tưởng để phát triển.

Nói không quá thì đây đúng là thiên đường cho những người trẻ. Nhưng bản thân em quyết định quay về vì muốn Việt Nam cũng trở thành một thiên đường như thế”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại