Năm 2017, Malaysia chính thức khởi công xây dựng Dự án đường sắt East Coast Rail Link (ECRL). ECRL dài 668km kết nối các khu vực ít phát triển như Kelantan, Terengganu, Pahang với các khu vực kinh tế trọng điểm như Selangor và Kuala Lumpur. Tuyến đường sắt này sẽ giúp các khu vực chậm phát triển hơn tiếp cận tốt hơn với các cơ hội thương mại và công nghiệp, từ đó thúc đẩy sự phát triển đồng đều hơn trên toàn quốc.
Trước đó, Malaysia đã nhiều lần công nhận và đánh giá cao công nghệ đường sắt của Nhật Bản và Đức, đặc biệt trong việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị và các dự án hạ tầng giao thông công cộng. Cụ thể, Nhật Bản đã hỗ trợ Malaysia trong việc phát triển hệ thống tàu điện ngầm MRT tại Kuala Lumpur. Sự hợp tác này không chỉ mang lại công nghệ tiên tiến mà còn các tiêu chuẩn vận hành cao, giúp tăng cường năng lực giao thông đô thị.
Hay Đức được biết đến với công nghệ đường sắt bền vững và kỹ thuật chính xác, đặc biệt là trong các hệ thống tàu điện nhẹ (Light Rail Transit - LRT). Malaysia đã sử dụng công nghệ từ các công ty Đức trong một số dự án đường sắt đô thị và đánh giá cao độ tin cậy và sự bền vững của các giải pháp này.
Tuy nhiên, ECRL lại được giao hoàn toàn cho Trung Quốc. Thực tế, dự án này là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường Trung Quốc, ECRL giúp Malaysia tăng cường kết nối với các tuyến giao thương quốc tế. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lớn mà còn củng cố vị thế của Malaysia trong mạng lưới giao thông khu vực và toàn cầu. Dự án do Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) phụ trách xây dựng.
Ban đầu, việc hoàn thành dự án đường sắt lớn này ước tính sẽ mất tới 16 tỷ USD. Sau khi xây dựng được 1 năm, dự án đã ngừng thi công vào tháng 7/2018 để đám phán lại về vốn. Theo Reuters, sau nhiều tháng đàm phán giữa hai bên, Malaysia và Trung Quốc đã nhất trí cắt giảm chi phí dự án từ 16 tỷ USD trong kế hoạch ban đầu xuống còn 10,7 tỷ USD. Sau khi thống nhất lại tổng vốn đầu tư, dự án đã được nối lại thi công vào giữa năm 2019 .
Về công nghệ xây dựng, ECRL sẽ sử dụng công nghệ tín hiệu thông minh, giúp tăng cường an toàn và hiệu quả trong việc quản lý giao thông. Hệ thống này cho phép giám sát và điều khiển các đoàn tàu một cách chính xác, giảm thiểu rủi ro tai nạn.
Cùng với đó, tự động hóa quy trình vận hành sẽ được áp dụng để giảm thiểu sự can thiệp của con người và nâng cao hiệu quả. Các hệ thống tự động có thể giám sát tình trạng tàu và đường ray, thông báo các sự cố ngay lập tức để kịp thời xử lý.
ECRL sẽ tích hợp công nghệ IoT (Internet of Things) để thu thập và phân tích dữ liệu về hoạt động của tàu, tình trạng đường ray và hành khách. Hệ thống này sẽ cung cấp thông tin thời gian thực, giúp các nhà quản lý có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả.
Công nghệ quản lý hành khách hiện đại sẽ được áp dụng, bao gồm việc cung cấp thông tin chuyến đi qua các ứng dụng di động và bảng điện tử tại ga. Hành khách sẽ có thể theo dõi lịch trình, tình trạng chuyến tàu và đặt vé trực tuyến dễ dàng.
Không chỉ vậy, nhà thầu Trung Quốc sẽ áp dụng công nghệ bảo trì dự đoán, sử dụng dữ liệu thu thập từ các cảm biến để dự đoán các vấn đề kỹ thuật trước khi chúng xảy ra. Điều này giúp tiết kiệm chi phí và thời gian bảo trì, đồng thời đảm bảo hệ thống luôn hoạt động trơn tru.
Dự án được kỳ vọng tạo ra sự phát triển vượt trội cho Malaysia khi hoàn thành. Ngoài ra, mới đây, Trung Quốc bày tỏ mong muốn kết nối tuyến đường sắt ECRL ở Malaysia với các dự án đường sắt ở Lào, Thái Lan mà Bắc Kinh hỗ trợ xây dựng.
Theo đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia cho biết Bộ của ông đang xem xét khả năng mở rộng tuyến đường sắt để nối với mạng lưới đường sắt của Thái Lan, "mở đường cho ECRL trở thành một phần của mạng lưới đường sắt xuyên Á có thể nối Malaysia với Trung Quốc, hiện thực hóa tầm nhìn của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI)".