Từ Chancay đến Thượng Hải: Sáng kiến hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc ngày càng mở rộng ở "sân sau" của Mỹ

Lưu Bình |

Cảng Chancay do Trung Quốc xây dựng ở Peru đang được xem là dấu hiệu của một kỷ nguyên mới tại khu vực Mỹ Latin - nơi Bắc Kinh dần giữ vai trò quan trọng không kém gì Washington.

Theo tạp chí Eurasia Review (Mỹ), đây là kết quả của nhiều năm vận động địa chính trị từ phía Trung Quốc nhằm thu hút các quốc gia trước đây từng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ.
 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) và Tổng thống Peru Dina Boluarte tham dự lễ khánh thành trực tuyến "siêu cảng" Chancay ở thị trấn Chancay, cách thủ đô Lima của Peru 78 km về phía bắc, tại Dinh tổng thống ở Lima vào ngày 14/11/2024. Ảnh: AFP

 
Và thời điểm này đặc biệt quan trọng: trong khi Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng tại Mỹ Latin thì Mỹ lại tạo khoảng cách với khu vực vốn được coi là "sân sau" của nước này bằng cách đe dọa áp thuế và siết chặt vấn đề nhập cư bất hợp pháp, khiến cơ hội hợp tác kinh tế mới trở nên hạn chế. Vẫn chưa rõ liệu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có sẵn sàng gạt bỏ những bất đồng trong quan hệ với Mỹ Latin để tập trung vào các sáng kiến kinh tế hay không.
 
Do đó, việc Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào Mỹ Latin và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu được các chính phủ trong khu vực coi là cơ hội đáng hoan nghênh. 
 
Cảng Chancay là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, gia nhập danh sách dài các dự án BRI trong khu vực, bao gồm: đường bộ xuyên rừng Costa Rica; đường sắt tại Bolivia và Argentina; các khu công nghiệp và một cảng container ở Trinidad và Tobago; nhà máy thủy điện lớn nhất Ecuador; và tuyến cáp quang xuyên đại dương đầu tiên kết nối trực tiếp châu Á với Nam Mỹ, kéo dài từ Trung Quốc đến Chile...
 
22 quốc gia tại Mỹ Latin và Caribe hiện đã tham gia BRI, và Colombia có thể sớm gia nhập danh sách này.
 

"Từ Chancay đến Thượng Hải”

 
Eurasia Review cho biết, Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Nam Mỹ hơn một thập kỷ qua. Cảng Chancay có lẽ là một trong những dự án BRI thành công nhất của Trung Quốc, có thể đưa thương mại Nam Mỹ - Trung Quốc lên một tầm cao mới. Câu nói "từ Chancay đến Thượng Hải” đã trở nên quen thuộc ở Peru, như một biểu tượng kết nối khoảng cách khổng lồ từ bờ Thái Bình Dương của Mỹ Latin đến các trung tâm kinh tế tại Trung Quốc.
 
Nhìn bề ngoài, cảng Chancay rất ấn tượng: một thị trấn nhỏ yên tĩnh ven biển cách Lima gần 80 km đã biến thành một trong những cảng lớn nhất Nam Mỹ nhờ khoản đầu tư 1,3 tỷ USD từ Tập đoàn Cosco Shipping của Trung Quốc trong giai đoạn đầu. Cảng này dự kiến sẽ đem lại 4,5 tỷ USD doanh thu hàng năm, tạo ra hơn 8.000 việc làm, đồng thời giảm 20% chi phí thương mại giữa Peru và Trung Quốc.
 
Cảng Chancay là một cảng hiện đại, được thiết kế để chịu được động đất lên đến 8,5 độ Richter, và gần như hoàn toàn tự động với các phương tiện không người lái dùng điện để vận chuyển container, cần cẩu tự động để bốc dỡ hàng hóa, hệ thống nhận diện khuôn mặt để đảm bảo an ninh, hệ thống tần số vô tuyến để theo dõi hàng hóa và mạng 5G bao phủ toàn cảng. Hầu hết hệ thống và cơ sở hạ tầng của cảng này đều được nhập khẩu từ Trung Quốc, với các xe bán tải của BYD và tháp thu phát sóng 5G của Huawei.
 
Cảng này do Tập đoàn Cosco Shipping của Trung Quốc kiểm soát với 60% cổ phần, trong khi công ty khai thác mỏ Volcan của Peru nắm giữ 40% còn lại.
 
Theo Eurasia Review, cảng Chancay sẽ góp phần rút ngắn thời gian hành trình từ Peru đến Trung Quốc từ 35 ngày xuống còn 23 ngày. Có khả năng một số hàng hóa từ các cảng Thái Bình Dương khác của Mỹ Latin sẽ được chuyển qua Chancay rồi đến châu Á qua tuyến thương mại mới này.
 

Cảng Chancay ở Peru. Ảnh: China COSCO Shipping

Tham vọng vươn xa

Mặc dù Cảng Chancay và Peru đang trở thành tâm điểm chú ý, tham vọng của Trung Quốc với dự án này còn vượt xa khỏi phạm vi Peru.
 
Theo Giám đốc Phòng Thương mại Chancay của Peru, “động lực chính của Trung Quốc trong việc phát triển siêu cảng này là để tiếp cận Brazil, nơi một tuyến đường sắt mới được lên kế hoạch để vận chuyển hàng xuất khẩu của Brazil như đậu nành và quặng sắt đến cảng”. Tuyến đường sắt mới này giữa Brazil và Peru có thể tốn tới 3,5 tỷ USD, nhưng hiện chưa có những mốc thời gian tiến triển cụ thể.
 
Bộ trưởng Giao thông Peru Raul Perez Reyes cho biết, mục tiêu của đất nước ông là “trở thành Singapore của Mỹ Latin, để hàng hóa cảng biển khi xuất khẩu sang châu Á đều đi qua đây. Khi ai đó từ Brazil, Venezuela, Bolivia, Paraguay và Argentina muốn đến châu Á, họ sẽ nghĩ đến Peru như một điểm khởi hành.”
 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại