3 năm trước, 1 học giả nổi tiếng từng tuyên bố rằng nền kinh tế Đài Loan "đang cận kề cái chết". Mặc dù từ ngữ mà ông sử dụng có phần gay gắt, đây hoàn toàn không phải là lời nói quá. Đài Loan lúc đó đang đối mặt với một loạt vấn đề tưởng chừng như không thể giải quyết. Nhiều công ty ồ ạt chuyển sang đại lục, tăng trưởng tiền lương trì trệ, tốc độ tăng trưởng GDP suy giảm và dân số thì già hóa nhanh chóng. Những ngày huy hoàng được ví như "con hổ châu Á" đã trở thành dĩ vãng.
Thế nhưng đến nay, năm 2020, Đài Loan đang khiến cả thế giới phải ngạc nhiên khi trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Mặc dù GDP chỉ được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 2% trong năm nay, Đài Loan vẫn là một trong số hiếm hoi các nền kinh tế tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế thế giới bị thiệt hại nặng nề vì Covid-19. Giờ đây câu hỏi là liệu sức sống mới của kinh tế Đài Loan đánh dấu 1 thời kỳ huy hoàng mới hay đó chỉ là nhất thời.
Có 2 yếu tố gắn liền với đại dịch giúp Đài Loan có 1 năm 2020 thành công. Đầu tiên, đó là nền kinh tế duy nhất trên thế giới có thể dập dịch mà không cần phải đóng cửa trường học, công ty và các cửa hàng trên diện rộng. Nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch từ cuối năm ngoái, Đài Loan đã bắt đầu rà soát các du khách đến từ Vũ Hán ngay sau khi xuất nhiện những báo cáo đầu tiên về hàng loạt ca bệnh viêm phổi lạ bí ẩn.
Nhờ truy vết kỹ lưỡng và toàn dân đeo khẩu trang nghiêm túc, Đài Loan đã sớm chiến thắng dịch bệnh và quay trở lại cuộc sống bình thường. Từ tháng 7 doanh thu của các nhà bán lẻ và các cửa hàng đã ở mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ hai, các nhà sản xuất Đài Loan đang ở vị trí rất tốt để chăm sóc người tiêu dùng toàn cầu. Từ các công ty chip bỏ bé cho đến những ông lớn về máy chủ, hàng điện tử đóng góp tới 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan. Khi mà gần như cả thế giới đột nhiên bị buộc phải ở trong nhà và làm việc, học tập từ xa, doanh số bán ra các sản phẩm như máy tính bảng và tai nghe đã tăng rất mạnh. Vì thế mặc dù thương mại toàn cầu sẽ giảm khoảng 10% trong năm nay, xuất khẩu của Đài Loan vẫn tăng trưởng gần 5%.
Cả hai yếu tố này có thể biến mất hoặc yếu đi rất nhiều khi dịch bệnh qua đi. Tuy nhiên Đài Loan cũng là bên hưởng lợi khi mối quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng. Các công ty Đài Loan trước đây đầu tư mở nhà máy ở đại lục đã chuyển dần hoạt động về quê nhà để tránh thuế khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Có thể kể đến những cái tên như Giant (công ty sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới), công ty giấy Long Chen và công ty máy tính Compal. Năm ngoái lượng vốn đầu tư vào các nhà máy và các tài sản cố định khác ở Đài Loan đã đạt hơn 140 tỷ USD, mức cao nhất mọi thời đại và được dự báo sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm nay.
Đến thăm công viên công nghệ Hwa Ya ở Đào Viên, 1 thành phố lớn ở phía Bắc Đài Loan, bạn sẽ nhìn thấy những bằng chứng rõ ràng nhất về cú bùng nổ xây dựng ở đây. Quanta Computer, một trong công ty điện tử lớn nhất thế giới, đang trong quá trình phát triển nhà máy sản xuất các hệ thống máy chủ phức tạp mà trước đây chỉ có thể được sản xuất ở Trung Quốc.
Một số người ở Đài Loan lo ngại rằng đà tăng trưởng hiện nay – vốn được thúc đẩy nhờ chính sách thương mại của ông Trump – sẽ sớm biến mất khi ông Biden bước vào Nhà Trắng. Mặc dù ông Biden đã cam kết tiếp tục duy trì thái độ cứng rắn với Trung Quốc, có thể ông sẽ sẵn sàng rút lại thuế quan. Tuy nhiên Gordon Sun, chuyên gia của Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan, nhận định các công ty Đài Loan vẫn sẽ tiếp tục rời khỏi đại lục. "Họ không thể mạo hiểm để bản thân mắc kẹt trong 1 cuộc chiến tranh thương mại khác, kể cả khi xác suất xảy ra khá thấp", ông nói.
Nếu xu hướng trở về Đài Loan là bền vững, điều đó sẽ giúp giải quyết một trong những vấn đề đã đeo bám Đài Loan từ rất lâu và đe dọa cả tương lai của hòn đảo này: các công ty tốt và việc làm tốt bị chuyển hết sang Trung Quốc. Hiện có khoảng 400.000 người Đài Loan (tương đương 2% dân số) sống ở đại lục. Các doanh nghiệp Đài Loan luôn lo ngại về "chuỗi cung ứng đỏ" đang nổi lên ở Trung Quốc mà sẽ sớm thách thức những công ty như Foxconn. Chính sự cạnh tranh từ đại lục cũng là nguyên nhân khiến tiền lương ở Đài Loan không thể vượt lên. Sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát, tiền lương ở đây gần như đi ngang kể từ năm 2000 đến nay, với mức trung bình năm chưa đến 20.000 USD.
Tất nhiên làn sóng đầu tư gia tăng ở Đài Loan cũng có những hạn chế nhất định. Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn thường nhắc đến 5 thứ mà Đài Loan thiếu: đất, nước, quyền lực, nhân công và nhân tài. Điều này cũng dễ hiểu khi đây chỉ là 1 hòn đảo có diện tích không lớn có tỷ lệ sinh thuộc loại thấp nhất thế giới. Dân số Đài Loan được dự báo sẽ bắt đầu suy giảm từ năm nay, và sẽ giảm từ mức 24 triệu hiện nay xuống chỉ còn 16 triệu vào năm 2070.
Và không thể phủ nhận thực tế Đài Loan phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Gần 40% kim ngạch xuất khẩu là đến thị trường đại lục và Hồng Kông. Câu chuyện không phải dơn giản là Đài Loan đột ngột cắt đứt mối liên hệ với kinh tế đại lục và ngay lập tức tìm được động lực tăng trưởng mới.
Điều an ủi cho Đài Loan là Trung Quốc cũng cần đến các sản phẩm của Đài Loan nhiều như các công ty Đài Loan cần đến thị trường Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc chưa thể đạt được tầm cỡ như TSMC, công ty Đài Loan đang sản xuất ra những con chip tiên tiến nhất trên thế giới.
Đối với Liang Kuo-yuan, chuyên gia của Viện nghiên cứu Yuanta-Polaris, đơn thuốc cho Đài Loan rất đơn giản: hòn đảo này cần phát triển mạnh các ngành như thiết bị y tế và pin, bên cạnh đó duy trì thế mạnh trong mảng chip. Những thị trường ngách có giá trị gia tăng cao này sẽ giúp bảo vệ Đài Loan trước các áp lực từ đại lục, đồng thời rất phù hợp với nguồn lực hạn chế và dân số đang già hóa của Đài Loan.
1 năm đơn lẻ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sẽ không khiến Đài Loan tiến gần hơn đến mục tiêu này. Liang thừa nhận đại lục đang làm tốt hơn Đài Loan trong việc vạch ra các kế hoạch dài hạn. Tuy nhiên, chí ít là thăng hoa trong 1 năm đầy khó khăn như 2020 cũng mang đến cho Đài Loan sự tự tin lớn sau nhiều năm u ám.
Đối diện công viên công nghệ Hwa Ya là nhà hàng của Chris Liang. Anh nhận thấy các thực khách của mình – mà chủ yếu đang làm việc tại các công ty công nghệ - rất hồ hởi. "Việc kiểm soát được đại dịch đã làm thay đổi thái độ của người dân về nền kinh tế, mọi người lạc quan hơn rất nhiều", anh nhận xét.