Với cuộc cách mạng 4.0 đang thay đổi thế giới nhanh như vũ bão, những người ăn xin Trung Quốc đã tìm ra một cách mới để tích trữ tiền xin được, chỉ với một tờ giấy có mã QR trên đó. Họ tập trung gần các địa điểm du lịch và ga tàu điện ngầm.
"Mọi người thường nói với chúng tôi: "Xin lỗi, tôi không có tiền lẻ", giờ thì chẳng sao, tôi trả lời họ: Tôi có Alipay" – ông Li, một người hành khất ngồi bên vệ đường nói. Trông ông không có vẻ gì mệt mỏi vì hôm nay, ông đã xin đủ tiền để có thể ăn no. Những người ăn xin ở đây đã thích nghi với các phương thức thanh toán hiện đại rất nhanh chóng.
Một người ăn xin thường nhận được khoảng 1,5 đến 3 CNY với mỗi lần người đi đường cho tiền bằng QR Code. Bằng cách này, một người ăn xin có thể kiếm được hơn 4.500 CNY trong 1 tuần. Xinhua cho biết, mặc dù nó không phải là một số tiền lớn, nhưng nó có thể ngang ngửa với mức lương tối thiểu ở Trung Quốc.
Ai có thể ủng hộ người hành khất ở Trung Quốc? Bất cứ ai có Alipay, WeChat Pay (hai ví điện tử lớn nhất ở Trung Quốc) hoặc một số ứng dụng thanh toán di động khác có thể quét mã.
Trung Quốc là quốc gia đang tiến gần nhất tới nền kinh tế không tiền mặt. Sự thâm nhập và thống trị của điện thoại thông minh, của các ứng dụng thanh toán kỹ thuật số, như Alipay và WeChat Pay, đã hỗ trợ cho điều đó. Ở Việt Nam, tương lai không tiền mặt sẽ không còn xa, với sự có mặt của hàng loạt ví điện tử, và tới đây là mobile money.
Tương lai không tiền mặt ở Việt Nam không còn xa
Hơn 2 năm trở lại đây, thị trường thanh toán mobile tại Việt Nam phát triển rất mạnh. Hiện tại, chỉ với một chiếc điện thoại trong tay, người dùng có thể đi hầu khắp mọi nơi, mà không cần tiền mặt, hay thậm chí là thẻ cứng ngân hàng. Nhiều loại ví điện tử đã trở nên phổ biến với người tiêu dùng. Tuy nhiên các loại ví điện tử này chưa thực sự ưu việt để phổ cập cho mọi người, đặc biệt là người nghèo. Hai lý do là, nhiều người không có đủ tiền để mua smartphone, và không có tài khoản ngân hàng.
Nếu thanh toán điện tử chỉ có thể diễn ra trên smartphone thì sẽ có một bộ phận không nhỏ người dân bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, rất nhiều người ở thành thị cũng chưa sử dụng tài khoản ngân hàng chứ chưa nói đến vùng nông thôn nhưng ai cũng có điện thoại di động với ít nhất một tài khoản viễn thông. Đây chính là "hạ tầng sẵn có" của Mobile Money.
Hôm qua (9/3/2021), Thủ tướng đã ký quyết định cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và có hiệu lực từ ngày ký. Với hạn mức giao dịch chỉ 10 triệu đồng/tháng, Mobile Money sẽ giúp người dùng kiểm soát tốt chi phí của mình với tài khoản trên điện thoại.
Quyết định này sẽ giúp dịch vụ thanh toán điện tử đến 100% thuê bao di động của Việt Nam một cách cực kỳ nhanh chóng. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hóa nông nghiệp, nhất là vùng xa, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy các công ty fintech, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế.
"Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%", Bộ Thông tin và Truyền thống nhấn mạnh.
Trước đó, các nhà mạng ở Việt Nam đều đã ráo riết chuẩn bị để cung ứng dịch vụ Mobile Money sớm nhất. Ông Phạm Trung Kiên, CEO Viettel Digital Services cho biết, Viettel đã sẵn sàng hạ tầng: cả về hệ thống công nghệ và mạng lưới các điểm hỗ trợ người dùng nạp/ rút tiền trên cả nước.
"Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị về nguồn nhân lực: Đội ngũ kỹ thuật vận hành sản phẩm, đội ngũ quản trị rủi ro và kiểm soát chất lượng… Quá trình chuẩn bị này không phải đến bây giờ mới bắt đầu. Ngay từ năm 2018, khi ra mắt sản phẩm ViettelPay, chúng tôi xác định đây là bước tiền đề để thúc đẩy phát triển các sản phẩm thanh toán không tiền mặt nói chung" – ông Kiên cho biết thêm.
Hiện tại, Viettel là nhà mạng duy nhất có dịch vụ thanh toán số giúp người dân không cần sử dụng smartphone, không cần sóng 3G/4G chỉ cần điện thoại "cục gạch" với sóng 2G là có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng số. Khi chính thức được triển khai được triển khai Mobile Money (trong vòng 2 tháng tới), tính năng này vẫn được tiếp tục với dịch vụ của Viettel. Vì thế, Viettel đang là nhà mạng duy nhất có khả năng phổ cập ngay lập tức Mobile Money tới mọi người dân mà không bị phụ thuộc vào thiết bị đầu cuối hay vị trí địa lý (do vùng phủ sóng và hệ thống phân phối đã đến khắp các thôn bản ở Việt Nam).
Nói cách khác, Mobile money chính là cách để Viettel tiếp tục "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong thế giới không tiền mặt, như cách nhà mạng này từng phổ cập mạng di động đến vùng nông thôn Việt Nam hơn 15 năm trước đây.
Với các nhà mạng khác như MobiFone và VinaPhone, việc cung cấp sau 2 tháng nữa cũng có thể được thực hiện nhưng sẽ không thể phủ khắp Việt Nam như Viettel và còn cần thêm thời gian chuẩn bị.
Nguồn tin từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, VinaPhone đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc cung cấp Mobile Money nhưng việc đào tạo cho các điểm nhận/rút tiền thì cần có thêm thời gian.
Trong khi đó, MobiFone vừa mới được nhận giấy phép trung gian thanh toán vào đúng ngày 9/3 – cùng ngày Thủ tướng ký quyết định cho phép thử nghiệm Mobile Money. Cũng vì thế, nhà mạng này sẽ còn phải mất thêm thời gian mới có thể tham gia thử nghiệm.
Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng giám đốc MobiFone cho biết: "Chúng tôi vừa được cấp giấy phép trung gian thanh toán, một tiền đề quan trọng để cung cấp dịch vụ Mobile Money. MobiFone cũng đã thành lập Trung tâm dịch vụ số để tập trung triển khai dịch vụ này".
Còn với các ví điện tử - dù "có tên" trong quyết định thử nghiệm Mobile Money của Thủ tướng nhưng họ cần thêm giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông thì mới được tham gia. Vì thế, bản chất là chưa có ví điện tử nào đủ điều kiện được thí điểm Mobile Money. Đây là chưa kể họ vốn quen với việc phủ sóng ở đô thị lớn, còn việc tràn về nông thôn ra sao sẽ là một bài toán cần câu trả lời.