Trong quá khứ, khi bắt đầu tiếp cận công nghệ sản xuất tên lửa chống hạm cận âm, Trung Quốc đã chế tạo các biến thể HY-1/2 dựa trên thiết kế P-15 Termit của Liên Xô, vũ khí này hiện vẫn còn phục vụ trong biên chế Hải quân Trung Quốc (PLAN).
Nối tiếp giai đoạn trên, họ đã cho ra mắt dòng tên lửa Ưng Kích YJ-81/82/83 (phiên bản xuất khẩu là C-801/802) có hình dáng bên ngoài và tính năng kỹ chiến thuật tương tự Exocet của Pháp.
Bước sang kỷ nguyên tên lửa chống hạm siêu âm, PLAN cũng rất nhanh nhạy khi giới thiệu các dòng CX-1 hay YJ-18, không cần đến chuyên gia nhận xét, người thường cũng dễ dàng nhận ra đây là bản sao dựa trên P-800 Oniks và P-900 Kalibr của Nga.
Tên lửa hành trình chống hạm siêu âm CX-1
Do vậy vào năm 2015, khi Trung Quốc giới thiệu tên lửa hành trình chống hạm siêu âm YJ-12 nhiều người đã tỏ ra hết sức ngạc nhiên, không phải vì các thông số hết sức ấn tượng như tầm bắn 250 - 400 km, bay bám biển ở tốc độ Mach 2 - 4 (tùy thuộc vào chế độ phóng), mang theo đầu đạn nặng 205 - 500 kg (tùy phiên bản) mà bởi nó không hề giống thiết kế của Nga.
YJ-12 sở hữu kết cấu gần giống Kh-31 Krypton hay Kh-41 Moskit, kích thước của nó nằm giữa hai loại này, nhưng nhìn về tổng thể thì đây vẫn là một thiết kế khác biệt.
Tên lửa hành trình chống hạm siêu âm thế hệ mới YJ-12 của Trung Quốc
Bên cạnh phiên bản phóng từ trên không, trong năm 2016 Trung Quốc tiếp tục cho ra mắt biến thể YJ-12A triển khai từ tàu chiến mặt nước, dự kiến đây sẽ là vũ khí chủ lực của khu trục hạm Dự án 956E (lớp Sovremenny) nâng cấp và cả loại Type 055 sau này.
Một cuộc thử nghiệm tên lửa YJ-12A, dễ nhận thấy nó đã được bổ sung tầng khởi tốc ở đuôi
Vậy nguồn gốc của YJ-12 là từ đâu, đây có phải một thiết kế hoàn toàn của Trung Quốc, là niềm tự hào của hải quân nước này đúng như danh hiệu tự phong "tên lửa chống hạm tốt nhất thế giới"?
Nhưng một lần nữa Trung Quốc lại bị bóc mẽ rằng YJ-12 thực chất là sao chép thiết kế từ bia bay tốc độ cao GQM-163 Coyote của Mỹ.
Bia bay mô phỏng tên lửa chống hạm siêu âm GQM-163 Coyote
Bia bay GQM-163 Coyote được Tập đoàn Orbital Sciences chế tạo cho Hải quân Mỹ nhằm thay thế loại MQM-8 Vandal, nó có khả năng mô phỏng hoàn hảo đường bay của tên lửa chống hạm siêu âm nhằm giúp cho hệ thống phòng không trên tàu chiến tập bắn.
GQM-163 có chiều dài 5,62 m (lên tới 9,56 m khi gắn tầng khởi tốc Hercules MK-70); đường kính thân 35 cm; tầm bay 84 km; tốc độ Mach 3 - 4 ở độ cao lớn hoặc Mach 2,6 khi bay bám biển nhờ được trang bị động cơ phản lực dòng thẳng Aerojet MARC-R-282.
Có thể nhận thấy thông số của GQM-163 là rất ấn tượng, khi được sửa đổi như tăng kích thước để mang theo đầu dò, đầu đạn và nâng tầm bắn thì nó sẽ trở thành một tên lửa chống hạm siêu âm thực thụ, và đây cũng chính là điều mà Trung Quốc đã tiến hành để cho ra đời YJ-12.