Được chế tạo trong cuộc đua với Mỹ và nhằm thúc đẩy ngành hàng không đang bùng nổ của Liên Xô lúc bấy giờ, những chiếc máy bay của Tupolev thực sự là những cỗ máy kỳ diệu của thời đại với sự đóng góp đáng kể của nhà thiết kế trưởng Valentin Bliznyuk - người vừa qua đời ở tuổi 91.
Từ trên xuống và bên phải sang: Tu-160, Tu-144, và Tu-95. Ảnh: Ria Novosti, Reuters
Là người gốc miền Đông Kazakhstan, Bliznyuk gia nhập Cục thiết kế Tupolev nổi tiếng từ đầu những năm 1950, nhiều năm trước thời hoàng kim của hàng không Liên Xô.
Tuy nhiên, Chiến tranh Lạnh nổ ra khiến quân đội tìm kiếm những chiếc máy bay ném bom chiến lược có khả năng tới được bờ biển nước Mỹ nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực nổ ra.
Bliznyuk qua đời ngày 30/12/2019, Cục thiết kế Tupolev xác nhận, đồng thời bày tỏ lời chia buồn với gia đình ông. “Ông là một nhà thiết kế máy bay xuất sắc, một nhà tổ chức tài năng và là một người bạn, một nhà lãnh đạo tích cực và có tâm”, đã “có đóng góp vô giá đối với ngành công nghiệp máy bay của Nga”.
Dưới đây là những mẫu máy bay điển hình nhất, mang nhiều dấu ấn của nhà thiết kế Valentin Bliznyuk.
Tu-95
Là một kỹ sư trẻ ở tuổi ngoài 20, Bliznyuk tham gia vào việc thiết kế và chế tạo máy bay động cơ tuabin cánh quạt Tu-95, mẫu máy bay trở thành xương sống của Không quân Liên Xô và Nga hàng chục năm sau đó.
Được NATO gọi là “Gấu” – một hình ảnh biểu tượng gắn liền với nước Nga – Tu-95 có chuyến bay đầu tiên vào năm 1952 và chính thức đi vào hoạt động 4 năm sau đó.
Tu-95. Ảnh: Reuters |
Suốt hàng chục năm, “Gấu” Tu-95 liên tục được nâng cấp nhằm đáp ứng các đòi hỏi của tác chiến hiện đại. Ban đầu được thiết kế mang bom hạt nhân, Tu-95 giờ còn được trang bị thêm tên lửa hành trình tầm xa Kh-101.
Không quân Nga dự kiến sẽ được bàn giao biến thể mới nhất Tu-95MSM trong những năm tới. Biến thể này được cho là trang bị các thiết bị dẫn đường và điện tử tiên tiến, cùng động cơ hiệu suất tốt hơn.
Tu-144
Gần 2 thập kỷ sau khi “Gấu” Tu-95 chính thức đi vào hoạt động, kỷ nguyên “siêu thanh” bắt đầu. Nhiều nước phương Tây tin rằng những chiếc máy bay có tốc độ Mach 2 hoặc thậm chí nhanh hơn sẽ định hình tương lai đi lại bằng máy bay, và Liên Xô cũng theo xu hướng này.
Khi Pháp và Anh chế tạo chiếc máy bay của riêng mình – chiếc Concorde nổi tiếng, thì nhóm của Tupolev do Bliznyuk là một trong số các lãnh đạo – đã làm việc với dự án dân dự mang tính đột phá của riêng mình: Tu-144.
Chiếc Tu-144 tại sân bay Sheremetyevo ở thủ đô Moscow của Nga năm 1968. Ảnh: Ria Novosti |
Tu-144 hiển nhiên là sự táo bạo tốt nhất trong lĩnh vực chế tạo máy bay của Liên Xô, nhưng “sự nghiệp bay” của nó lại không gặp may mắn. Trong khi các nhà thiết kế vẫn đang nỗ lực giải quyết các vấn đề về kích thước và các thiếu sót của Tu-144 thì cơn sốt giá dầu tăng cao giai đoạn những năm 1970 bắt đầu ảnh hưởng tới Liên Xô.
Mặc dù nó xảy ra muộn hơn so với nhiều nước phương Tây, nhưng hiệu suất nhiên liệu trở nên quan trọng đối với Aeroflot (Hãng hàng không của Nga) cũng như hiệu quả thương mại của Tu-144.
Bên trong khoang hành khách của Tu-144. Ảnh: Ria Novosti |
Tu-144 “nghỉ hưu” khỏi hoạt động chuyên chở hành khách năm 1978 sau 2 vụ tai nạn. Tuy nhiên, không giống với những đối thủ phương Tây, Tu-144 không dẫn tới bất cứ sự cố chết người nào trong 55 chuyến bay của mình.
Tu-160
Tên tuổi của Bliznyuk trở nên nổi tiếng vào cuối những năm 1970, khi ông được bổ nhiệm làm thiết kế trưởng trong dự án siêu thanh của Tupolev – Tu-160. Chiếc máy bay được thiết kế để chở và phóng các tên lửa hạng nặng có năng lực hạt nhân sau khi xuyên thủng hệ thống phòng không NATO với tốc độ Mach 2,05.
"Thiên nga trắng" Tu-160. Ảnh: Ria Novosti |
Tu-160 có khả năng xòe hay cụp cánh, một đặc trưng cho phép nó bay an toàn ở tốc độ siêu thanh. Trong khi NATO gọi Tu-160 là “Blackjack”, thì các phi công Nga thích cái tên lãng mạn hơn “Thiên nga Trắng” để gọi chiếc máy bay được có lớp sơn trắng chống sóng nhiệt và vẻ ngoài “duyên dáng”.
Là chiếc máy bay quân sự siêu thanh nặng nhất và lớn nhất từng được chế tạo và là chiếc máy bay ném bom có tốc độ nhanh nhất vẫn đang được sử dụng ngày nay, Tu-160 sẵn sàng tiến bước vào tương lai. Chương trình nâng cấp Tu-160M đã bắt đầu từ giữa những năm 2010 và biến thể mới đầu tiên được ra mắt năm 2017.
Bên cạnh việc chế tạo những mẫu máy bay mới, Nga cũng hiện đại hóa những mẫu máy bay hiện tại, nhưng về cơ bản chỉ giữ lại phần khung thân. Bộ Quốc phòng Nga đầu năm 2019 cho biết, Quân đội nước này dự kiến sẽ nhận Tu-160M vào năm 2021.