Trong nhiều ngày qua, Thủ môn Bùi Tiến Dũng của đội tuyển U23 Việt Nam có lẽ là một trong những cái tên được giới chuyên môn, bình luận viên bóng đá và người hâm mộ nhắc đến nhiều nhất.
Thi đấu đầy bản lĩnh trên sân cỏ cùng đồng đội, chỉ tính riêng hai trận tứ kết và bán kết của Giải U23 châu Á 2018, thủ môn sinh năm 1997 đã cản phá thành công 3 quả penalty từ cầu thủ đối phương trong loạt đấu luân lưu vô cùng kịch tính, góp công lớn cho đội tuyển U23 Việt Nam thẳng tiến vào trận chung kết.
Thủ môn Bùi Tiến Dũng cản phá thành công 3 quả penalty trong hai trận tứ kết và bán kết Giải U23 châu Á 2018. Ảnh: Internet
Chia sẻ với Trí Thức Trẻ, chàng cầu thủ điển trai Bùi Tiến Dũng bật mí bí quyết "cực dị" để cản phá thành công cú sút của đối phương từ chấm 11m, anh nói: "Trước tiên cứ phải làm mặt thật dữ tợn đã anh ạ. Đội bạn nhìn mình không phán đoán được, thậm chí sợ quá mà tâm lý. Như thế là thắng được họ một bước rồi."
Tuy nhiên, "làm mặt lạnh" chỉ là một trong nhiều yếu tố làm nên một thủ môn tài ba.
Vậy, đâu là những kỹ năng cũng như diễn biến tâm lý của một người thủ môn trước một cú đá ở cự ly gần như vậy?
1. Kỹ năng cần có của một thủ thành
Sacmausanco chỉ ra những bí quyết để trở thành một thủ môn giỏi, bao gồm:
- Điều kiện cần:
a. Sức khỏe: Đây là yếu tố bắt buộc phải có của một cầu thủ chơi trên sân cỏ, dù ở bất cứ vị trí nào đi nữa.
b. Kỹ thuật: Không giống như các đồng đội khác, thủ môn là người dùng toàn bộ cơ thể của mình để bắt/cản/phá bóng, để làm được việc này, người thủ môn bắt buộc phải rèn luyện một loạt kỹ thuật cơ bản cần-phải-có, bao gồm:
Kỹ thuật bắt bóng (trong đó phải có bắt bóng lăn sệt, bắt bóng nửa nảy và bắt bóng trên không); Kỹ thuật bay người bắt bóng; Kỹ thuật phát/chuyền bóng; Kỹ thuật phá bóng, ném bóng và đấm bóng. Đây là những kỹ thuật mà một thủ môn phải thực hiện được.
- Điều kiện đủ:
Trong phần kỹ năng cần có của một thủ thành, các kỹ thuật trên mới chỉ là "điều kiện cần". Đâu là "điều kiện đủ" mà một thủ thành phải có để cản phá thành công các cú sút từ cầu thủ đối phương?
a. Kỹ năng quan sát: Thủ thành phải có thị lực cực tốt cùng khả năng quan sát và nắm bắt tình huống trong khoảng thời gian rất nhanh, bởi, tốc độ di chuyển/tấn công của các cầu thủ đối phương + sơ hở của hậu vệ đội nhà là hai trong những yếu tố dễ dàng khiến khung thành rung lên.
b. Kỹ năng phán đoán đường đi của bóng: Sau khi sử dụng kỹ năng quan sát, thủ môn phải nhanh chóng đưa ra các tình huống bóng có thể bay vào khung thành để chủ động cản phá thành công.
c. Phản xạ nhanh: Trong cẩm nang "7 kỹ năng cần có để trở thành "bậc thầy" thủ thành", các chuyên gia thể thao quốc tế cho biết, phản xạ nhanh là một trong những điều kiện tiên quyết của một thủ môn.
Sau khi quan sát, phán đoán đường đi của bóng, người thủ môn phải có được sự nhạy bén linh hoạt để xoay chuyển tình thế trong khoảng thời gian rất ngắn trước khung thành.
d. Chấp nhận nguy hiểm: Thủ môn phải luôn nhận thức được việc sẽ bị chấn thương khi lao vào cản những cú sút bóng hiểm, có tốc độ cao (trung bình đạt 112 km/giờ) và sức công phá lớn từ cầu thủ đối phương. Chấp nhận điều này, nghĩa là họ chấp nhận "hi sinh" vì đồng đội và vì "màu cờ sắc áo".
Quay lại câu chuyện của thủ môn đội U23 Việt Nam Bùi Tiến Dũng, anh chia sẻ với Trí Thức Trẻ rằng, xuyên suốt quá trình luyện tập ở đội bóng xứ Thanh, Bùi Tiến Dũng đã khổ luyện với những trái bóng tennis cỡ nhỏ ở vị trí cách cầu môn từ 5 đến 8 mét. Những trái bóng nhỏ liên tục phóng về cầu môn ở nhiều góc độ khác nhau. Đây chính là cách Tiến Dũng luyện tập cho mình kỹ năng phản xạ nhanh.
Mọi thành công đều phải có sự khổ luyện! Từ việc học những kỹ thuật cơ bản, các thủ môn phải luyện tập thành thục những kỹ năng cần thiết để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ khung thành cho đồng đội.
Mọi thành công đều phải có sự khổ luyện! Ảnh: Internet
Tuy vậy, để trở thành một thủ thành "bất khả xâm phạm", thì khổ luyện thôi chưa đủ, người thủ môn phải "cọ sát" thật nhiều từ các trận đấu lớn với những đôi chân lắt léo và cái đầu đầy tinh quái của cầu thủ đối phương.
Đây là lúc, bản lĩnh sân cỏ "lên ngôi". Trong bất cứ pha bóng nào, từ cú sút xa của đối phương đến cú đá trực tiếp đầy tốc độ từ chấm 11m, bản lĩnh của một thủ thành phải được thể hiện ở mức cao nhất.
2. Tâm lý của thủ thành trước cú sút luân lưu
ÁP LỰC là thứ có thể "giết chết" mọi kỹ năng đã được khổ luyện và rèn giũa qua năm tháng!
Đứng trước sự mong chờ, hy vọng của đồng đội, huấn luyện viên và người hâm mộ, cả thủ môn và các cầu thủ còn lại đều bị áp lực. Vấn đề đặt ra là, họ có đủ bản lĩnh sân cỏ để biến áp lực thành sứ mệnh thành công hay không!
Không tự nhiên mà các chuyên gia tâm lý thể thao người Anh phát biểu trên Independent rằng: Chính việc quan sát thủ môn đối phương đã vô hình chung tạo thêm áp lực, căng thẳng cho chính cầu thủ đứng trước bóng ở chấm phạt đền.
Đây là điểm yếu mà mọi thủ thành trên thế giới đều muốn "xoáy" vào tâm lý của đối phương nhằm phá tan giấc mộng làm rung lưới của đối phương.
Nếu việc quan sát thủ môn trước khi đá penalty là điểm yếu của cầu thủ thì điểm mạnh mà một thủ môn cản phá cú đá phạt thành công lại hội tụ ở "hai biện pháp tâm lý".
Hai "biện pháp tâm lý" này là gì?
a. Kỹ năng đánh lạc hướng đối phương
Trong một nghiên cứu công bố năm 2008, các chuyên gia tâm lý thể thao cho biết, người thủ môn có thể gây ảnh hưởng đến hướng và tính chính xác từ cú đá penalty của đối thủ bằng cách áp dụng một tư thế "đánh lạc hướng" phán đoán của đối phương.
Theo đó, toàn bộ chuyển động và tư thế (từ đôi tay, dáng người và đôi chân) của thủ môn hoàn toàn có thể khiến đối thủ phải dè chừng.
Có thể xem, thủ môn Bùi Tiến Dũng đang làm "động tác giả" trước đối phương nhằm đánh lạc hướng cầu thủ đội bạn. Ảnh cắt từ video.
Phát biểu trên The Guardian, hai chuyên gia tâm lý học John van der Kamp và Rich Masters cho biết, nếu một thủ môn biết áp dụng "ảo giác Muller-Lyer" (do nhà thần kinh học người Đức Muller-Lyer sáng tạo ra) trong việc tạo tư thế "đánh lạc hướng" đối phương thì họ có thể "bắt bài" hướng đi của bóng.
Theo lý thuyết, ảo giác Muller-Lyer xảy ra khi hình ảnh có kích thước thực nhỏ hơn nhưng lại mang đến cảm giác lớn hơn so với vật khác.
Khi John van der Kamp và Rich Masters cho những người tình nguyện tham gia thí nghiệm quan sát 2 bức ảnh (chỉ 2 tư thế khác nhau của thủ môn: (1) Một bên khuỷu tay mở rộng ra so với vai; Và (2) tư thế hai khuỷu tay giữ song song với thân người) thì họ nhận được kết luận là: Khoảng cách cơ thể thủ môn đứng ở tư thế 1 so với cột dọc trở nên "thu hẹp" hơn so với tư thế 2. Tuy nhiên, thực tế là khoảng cách của thủ môn với hai cột dọc vẫn không đổi!
Nếu các cầu thủ đối phương cũng bị "đánh lừa" từ ảo giác này, họ dễ dàng chọn góc có khoảng cách cơ thể thủ môn với cột dọc rộng hơn để sút.
Chỉ chờ đối phương sập bẫy, thủ môn sẽ tung người về hướng bóng để cản phá. Pha phán đoán thành công hướng bóng này khiến cầu thủ sút phạt đành phải "ngậm đắng nuốt cay" khi không thể làm rung lưới thủ thành.
Đó là một trong những "biện pháp + kỹ năng tâm lý" mà một thủ môn giỏi thường áp dụng trước các cú sút phạt trực tiếp.
b. "Làm mặt lạnh"
Biểu cảm trên khuôn mặt của thủ môn cũng là "vũ khí" có thể hạ gục tinh thần đối phương. Đó cũng là một trong các bí quyết phá bóng thành công của thủ thành Bùi Tiến Dũng.
Gương mặt lạnh băng không cảm xúc, hoặc một gương mặt hoàn toàn thư giãn thể hiện tâm lý bình ổn... đều có thể khiến đối phương xao động. Họ sẽ dễ mất bình tĩnh trước biểu cảm của thủ môn, từ đó, khiến lý trí để quan sát và phán đoán đường đi của bóng dễ bị sai lệch.
Có thể gọi cuộc đối đầu giữa thủ thành và cầu thủ đối phương ở chấm 11m là cuộc đấu trí đầy căng thẳng. Bóng rung lưới hay không phụ thuộc vào bản lĩnh của hai đối thủ ở hai chiến tuyến!
Tất nhiên, thủ thành kỳ cựu và tài giỏi đều trang bị cho riêng mình những "bí quyết" cản bóng thành công, đó cũng là lý do họ trở nên nổi tiếng và in sâu trong lòng người hâm mộ đến vậy.
Xem video:
Penalty U23 Việt Nam Vs U23 Qatar. Video: VTV6/Youtube
Bài viết sử dụng nguồn: NewYork Times, The Guardian, Fourfourtwo, Thesoccerstore