Từ Âu đến Á, các nước trên khắp thế giới đang phải trả giá để kinh tế Mỹ "bùng nổ như 1 phép màu"?

Thu Hương |

Các nền kinh tế khác đều đang gặp rắc rối trong khi Mỹ đang trên lộ trình trở thành nước duy nhất trong nhóm G7 có tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng tốc trong năm nay.

Quý 2/2018, kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,1% - mức cao nhất trong gần nửa thập kỷ qua. Ngay sau khi con số được công bố, Tổng thống Donald Trump tuyên bố "đây là phép màu kinh tế" và nhấn mạnh đây là bằng chứng cho thấy các chính sách kinh tế của ông đang phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, chiến dịch "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông đang tỏ ra không hề "vĩ đại" đối với phần còn lại của thế giới.

Trong khi đồng USD tăng giá và lộ trình tăng lãi suất của Fed tác động tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi, cuộc chiến tranh thương mại của Tổng thống Trump là mối đe dọa mới nhất mà kinh tế Trung Quốc gặp phải. Trong bối cảnh ấy, Mỹ đang trên lộ trình trở thành nước duy nhất trong nhóm G7 có tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng tốc trong năm nay.

Từ Âu đến Á, các nước trên khắp thế giới đang phải trả giá để kinh tế Mỹ bùng nổ như 1 phép màu?  - Ảnh 1.

Thời gian vừa qua kinh tế toàn cầu đã đồng loạt khởi sắc. Tuy nhiên trên thị trường tài chính nhanh chóng xuất hiện dấu hiệu cho thấy thời kỳ ấy đã nhanh chóng chấm dứt.

Nhóm các tài sản tăng trưởng của NatWest Markets (trong đó có đồng đôla Australia và đồng) đã giảm 4,5% kể từ đầu năm đến nay, so với mức tăng gần 7% của chỉ số S&P 500. Jim McCormick, 1 chuyên gia của NatWest, nhận xét sự chênh lệch này cho thấy rõ sự mất cân bằng trong tốc độ tăng trưởng của các thị trường trong năm 2018.

Tuần này Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có hội nghị thường niên quan trọng tại Jackson Hole, Wyoming. Bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ là chủ đề thảo luận chính tại sự kiện này. Hai lần tăng lãi suất của Fed trong năm 2018 đã khiến đồng USD tăng giá gần 6% kể từ đầu năm đến nay, kéo theo hệ quả là người đi vay ở nước ngoài khó khăn hơn khi hoàn trả các khoản nợ.

Mark Nash, trưởng bộ phận tài sản cố định của Old Mutual Global Investors, dự báo sự khỏe mạnh của kinh tế Mỹ sẽ khiến Fed tiếp tục tăng lãi suất bất chấp cuối cùng thì điều đó sẽ tạo ra những cơn gió ngược cho chính nước này.

"Khi nỗi đau mà các thị trường mới nổi phải chịu đựng trở nên nghiêm trọng hơn, Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng và Fed phải thay đổi chính sách tiền tệ của họ. Còn ở thời điểm hiện tại, bạn không thể đổ tội cho Chủ tịch Fed Jerome Powell vì những gì ông ấy đang làm", Nash phát biểu trên Bloomberg Television.

Theo các chuyên gia kinh tế của JPMorgan Chase, mặc dù tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao hơn so với xu hướng trung bình dài hạn, vì sự vượt trội của kinh tế Mỹ, tỷ lệ các nước có hiệu suất cao hơn tiềm năng đã giảm từ mức 80% trong năm 2017 xuống chỉ còn 60%.

Từ Âu đến Á, các nước trên khắp thế giới đang phải trả giá để kinh tế Mỹ bùng nổ như 1 phép màu?  - Ảnh 2.

USD đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2017

Kinh tế Trung Quốc đang bị mất đà do hệ quả của chiến dịch giảm nợ và những hệ lụy của cuộc chiến thương mại với Mỹ bắt đầu phát tác, buộc các nhà hoạch định chính sách nước này phải đổi hướng, phát đi tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ. Một nền kinh tế khác ở châu Á là Nhật Bản cũng đang suy giảm

Trong khi đó ở châu Âu, các khảo sát cho thấy các chỉ số niềm tin đã suy giảm kể từ đầu năm đến nay mà một phần nguyên nhân là do những lo lắng về hoạt động xuất khẩu.

Tháng 6, lượng đơn đặt hàng tại các nhà máy của Đức – chỉ số thường được sử dụng để dự đoán về sản lượng của nền kinh tế lớn nhất khu vực eurozone – đã có tháng suy giảm đầu tiên trong gần 2 năm trở lại đây. Italy đang mâu thuẫn với các nhà đầu tư về kế hoạch tài khóa, trong khi kinh tế Anh vẫn bị bao phủ bởi "đám sương mù" Brexit.

Thị trường mới nổi đã dậy sóng trong mấy tuần qua. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc vì khủng hoảng chính trị, Venezuela vừa có cú phá giá đồng nội tệ mạnh nhất trong lịch sử, trong khi Argentina liên tục phải nâng lãi suất lên mức cao chót vót để bảo vệ đồng peso.

Tuy nhiên, theo Tom Orlik, chuyên gia kinh tế trưởng tại Bloomberg Economics, các nền kinh tế mới nổi nói trên không đủ mạnh để có thể kéo kinh tế toàn cầu vào 1 cuộc suy thoái. Nếu không tính Trung Quốc thì nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chiếm 24,6% GDP toàn cầu trong năm ngoái, giảm so với mức đỉnh 26,7% của năm 2013.

"Từ khủng hoảng tài chính châu Á 1997 đến những cuộc khủng hoảng mang tính chất chu kỳ ở châu Mỹ Latinh, những cú sốc kinh thiên động địa trên thị trường mới nổi giờ đã trở thành những con sóng nhỏ. Các số liệu về tỷ trọng của các nền kinh tế mới nổi trong GDP, thương mại và vốn hóa thị trường tài chính toàn cầu cho thấy câu chuyện đã khác đi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại