Chúng ta toi rồi.
Đấy là tất cả những gì tôi nghĩ được khi ngồi xem trận đấu từ băng ghế dự bị.
Trước trận đấu, ai mà chả nghĩ Man City hẳn nhiên là nhà vô địch. Chúng tôi biết Queens Park Rangers đang vùng vẫy để chống xuống hạng, nhưng chúng tôi quá mạnh. Tất cả những gì phải làm lúc này là đánh bại họ và ẵm chức vô địch Premier League. Không ai tin rằng chúng tôi sẽ đánh rơi danh hiệu này. Chúng tôi nắm chắc mọi thứ trong tay mình.
Trò chơi bắt đầu, và mọi thứ cứ yên ả trôi qua, sau đó thì "bang" - phút 39, Zabaleta ghi bàn. Hiệp 1 kết thúc với tỷ số 1-0. Tôi hầu như đã có thể bắt đầu thư giãn, bụng bảo dạ: "An bài rồi còn gì".
Hiệp 2 bắt đầu, Queens Park Rangers chỉ mất có 3 phút để ghi bàn thắng gỡ hòa. Chả đâu và đâu cả.
Bảy phút sau, họ bị đuổi một người. Xong rồi, thế quái nào họ lại ghi bàn thắng để vươn lên. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng có 18 phút. Bang, bang, bang. Thật điên rồ.
Tôi vẫn nhớ như in, ngay sau bàn thắng thứ hai của họ, Roberto Mancini đứng bên đường biên, điên tiết với tất cả mọi người, gầm lên những câu chửi thể tục tĩu. Tôi chẳng biết ông chửi ai nữa, có lẽ chỉ là chửi cho bõ tức thôi.
Tôi nghĩ chúng tôi toi thật rồi. Trên sân, như thể không ai vượt qua nổi áp lực kinh người đang đè nặng. Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng chức vô địch đã bị cuốn phăng đi trước mũi. Sau một mùa giải tuyệt vời, rốt cục chúng tôi đã ném đi tất cả chỉ bởi có một trận đấu. Rốt cuộc, HLV Mancini cũng quăng tôi vào sân, và chúng tôi tiếp tục nỗ lực hết mình, nhưng vẫn thế, chả có gì xảy ra cả. Đôi khi bóng đá nghiệt ngã như thế đó. Quả bóng cứ mãi chẳng chịu đi vào khung gỗ.
Những phút bù giờ đã bắt đầu, tôi nghĩ rằng chúng tôi chỉ còn 5 phút nữa. Nếu như bạn đá bóng trên PlayStation và thua 1-2 sau 91 phút, bạn không bao giờ thắng được trận ấy. Xong phim rồi. Guồng chân lên và cố gắng xem nào. Không-thể-nào.
Ơ kìa, phạt góc. David Silva treo bóng vào. Tôi ghi bàn, từ một cú đánh đầu vào giữa khung thành khi đồng hồ điểm phút 91:20. Tôi hét lên như điên với cả đội: "Tiếp tục nào, tiếp tục nào", sau đó chạy nhanh đến vòng tròn giữa sân. Vẫn còn 2, 3 phút nữa để nỗ lực. Có lẽ nào chúng tôi sẽ không "chết"?
Phần còn lại, chắc hẳn mọi người đã đều biết. Chẳng hiểu thể quái nào chúng tôi lại làm được điều đó nữa. Chắc chắn có một thế lực siêu nhiên nào đấy đã giúp chúng tôi.
Mọi người cứ hỏi tôi suốt ngày về bàn thắng của Aguero, và cảm xúc trên sân lúc đấy thế nào. Thành thật mà nói, cảm xúc mạnh nhất trong tôi lúc ấy là sự nhẹ nhõm. Bạn không thể hình dung được là tôi nhẹ nhõm đến thế nào khi quả bóng ấy đi vào lưới đâu. Chúng tôi đã chơi cả mùa với một đội bóng tuyệt vời, cùng những màn trình diễn tuyệt đỉnh, thế rồi suýt nữa thì ném nó qua cửa sổ, chỉ cách có vài giây để vứt tất cả qua cửa sổ.
Chức vô địch quốc gia đầu tiên của Man City sau 44 năm được giành về như thế đó. Thật điên rồ. Trận đấu ấy dạy cho chúng tôi rằng trong bóng đá lẫn cuộc sống, đừng bao giờ bỏ cuộc. Nếu bỏ cuộc, chúng ta coi như chết rồi. Chúng tôi đã chết, và chúng tôi trở về từ hư không.
Màn lội ngược dòng trước Queens Park Ranger giúp Man City giật cúp khỏi tay Man United
Nếu bạn hỏi rằng tôi có thích kể đi kể lại câu chuyện này không, thì có đấy!
Một phần sự thú vị của nó, là nó khiến tôi nhớ lại những nhà vô địch sát cánh cùng mình ngày ấy. Aguero, Silva, Yaya, Kompany, và dĩ nhiên là Mario Balotelli - một chàng trai tuyệt vời. Đã vài lần, truyền thông "giết" cậu ấy mà chẳng vì lý do quái gì cả, tôi nghĩ mãi mà chẳng thể hiểu nổi.
Giống như cậu ấy là nhân vật chính trong một bộ phim - chỉ có thể là tốt hoặc xấu, Mario luôn là thế. Nhưng cậu ấy là một chàng trai cực kỳ vui tính, và còn là một nhà vô địch nữa.
Tôi cũng cực kỳ may mắn khi được ở cạnh Kolarov và Savic, hai người cũng lớn lên ở vùng Balkan như tôi. Có một niềm tự hào khi được đến chơi ở Premier League, và trở thành một nhà vô địch với những người xuất thân như chúng tôi. Hãy nhớ rằng tôi được sinh ra ở Sarajevo trong thập kỷ 80. Trong chiến tranh, từ có lúc chúng tôi phải dừng chơi bóng vì còi báo động vang lên, và lũ trẻ phải trốn xuống hầm.
Lũ trẻ thì làm sao mà ý thức được sự nguy hiểm. Từ lúc 6 tuổi, tôi đã biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng thành thật mà nói chỉ chẳng mấy quan tâm. Những suy nghĩ và lo lắng, chẳng phải cha mẹ đã gánh hết rồi sao. Gánh nặng dồn cả lên vai của những đấy sinh thành. Nếu không có cha mẹ, làm sao mà tôi có thể sống nổi.
Chiến tranh chấm dứt sau 4 năm dài, tất cả đều tan hoang. Chẳng còn thành phố nào nữa cả. Tất cả chỉ l2 những đống đổ nát. Tôi vẫn nhớ lần cha đưa tôi đến buổi tập bóng đầu tiên ở Željezničar, hai cha con phải chuyển hai lần xe bus, sau đó là đi xe điện. Mất hơn một giờ để đến nơi, và chúng tôi phải tập ở trường học, vì sân vận động đá bị đánh sập.
Mặc dù vẫn phải đi làm, bố đưa tôi đến đó mỗi ngày, và khi buổi tập kết thúc, ông sẽ đứng đó chờ tôi với một quả chuối trên tay.
Ngay cả khi cuộc sống rơi vào thời điểm tệ hại nhất, bố mẹ vẫn cố gắng để tôi và em gái có được mọi thứ.
Mọi người đều có ước mơ. Nhưng những ngày ấy, khi đất nước đang bắt đầu tái thiết, thì có ai nghĩ được gì sâu xa đâu. Tôi chỉ nhớ rằng mình thực sự hạnh phúc khi được chơi bóng thoải mái, mà không phải lo nơm nớp về tiếng còi báo động, sự nguy hiểm hay bất kỳ thứ gì vây quanh mình. Không còn lo âu. Chỉ còn bóng đá.
Ngày ấy, nếu tôi có một giấc mơ, chắc hẳn là giấc mơ được chơi bóng chuyên nghiệp cho Željezničar. Chủ yếu là để làm bố tôi hài lòng. Ông chơi bóng cả đời, nhưng chưa từng có thể chơi chuyên nghiệp.
Tôi nhớ năm ấy mình 17 tuổi, đang đi mua sắm ở cửa hàng cùng bố. Một ngày rất đỗi bình thường. Tôi chẳng nhớ bố con tôi mua những gì nữa. Đột nhiên có một cuộc gọi đến, là một trong những HLV của tôi. Anh nói: "Ngày mai em sẽ cùng đội 1 đá trận chuẩn bị mùa giải mới".
Tôi quay lại, và nói lại với bố. Ông ấy hoàn toàn bối rối.
Ông cứ loay hoay hỏi đi hỏi lại, kiểu như: "Ai? Tại sao? Khi nào? Với ai? Gì cơ".
Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc đời tôi, cũng là khoảnh khắc đáng nhớ của bố, bởi với nó, bố con tôi đã ở bên nhau trừ bước đi đầu tiên của sự nghiệp. Sự thực là, mội bước tập luyện sau chiến tranh, bố con tôi đều bước cùng nhau.
Tôi chẳng thể ngờ rằng một ngày mình có thể chơi bóng ở Đức, Anh và đặc biệt là Italia. Ngày ấy, với tôi, Serie A là đẳng cấp tối thượng của bóng đá. Những năm 90, có quá nhiều cầu thủ Iltalia tuyệt vời, và tôi thực sự ngưỡng mộ Shevchenko. Khi tôi còn là một cậu bé, một trong những HLV đã gọi tôi là "Shevchenko". Anh ấy bảo khuôn mặt tôi rất giống anh. Tôi thích điều đó. Sheva là người anh hùng của tôi.
Edin Dzeko cùng bố mẹ trong ngày ăn mừng chức vô địch Premier League cùng Man City.
Tôi không bao giờ quên khoảnh khắc đối đầu với Sheva khi chơi cho Wolfburg năm 2008. Anh ấy được cho Milan mượn, và chúng tôi đối đầu nhau trên San Siro. Kỷ niệm ấy thật đáng kinh ngạc. Trước trận đấu, tôi gặp anh trong đường hầm, và xin đổi áo sau trận ngay lập tức.
Anh bảo: "Được thôi!".
Tôi đoán là anh đã nghe về việc tôi ngưỡng mộ anh đến thế nào, nên ngay trong giờ nghỉ, anh ấy tìm tôi và đưa luôn cho tôi chiếc áo của mình. Anh thậm chí còn không đợi đến hết trận. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được. Đó là một khoảnh khắc đặc biệt trong đời.
Thật buồn cười, tôi đã chơi bóng ở rất nhiều nước khác nhau, nhưng chỉ có ở Rome, tôi mới cảm thấy như ở nhà. Bosnia và Sarajevo sẽ luôn là số 1 trong trái tim tôi, còn Rome là mái nhà ấm áp thứ hai. Với tôi, nhà là nơi cho tôi cảm giác thoải mái, nơi tôi chỉ phải nghĩ về bóng đá, ngoài ra không còn gì khác, và nơi mà gia đình tôi cảm thấy hạnh phúc.
Tôi từng muốn đến Serie A để học ngoại ngữ, và bây giờ ở đây, tôi đã xây nên một thứ gì đó thực sự có ý nghĩa với mình, với gia đình mình.
Mọi người cứ hỏi tôi mãi rằng đâu là sự khác biệt giữa bóng đá Anh và Italia. Là chiến thuật, chiến thuật và chiến thuật. Ba năm ở đây, những gì tôi học được là thực sự đáng kinh ngạc. Ở đây họ để ý đến từng chi tiết nhỏ.
Nhưng điều tuyệt vời nhất là tôi có thể sát cánh như bạn bè với một huyền thoại như Francesco Totti. Tôi nói chuyện với anh suốt rằng tôi ước gì mình đến đây sớm hơn một chút trong sự nghiệp của mình, bởi anh ấy giúp tôi ghi thêm nhiều bàn thắng.
Chỉ một vài mùa chơi bên cạnh anh, tôi tiến bộ vượt bậc. Anh ấy nhận ra mọi điều trên sân, và chuyền những đường bóng đặt tôi vào những khoảng trống mà tôi chưa từng nghĩ đến. Tôi rất hạnh phúc vì đã đến Italia, bởi tôi đã học hỏi được rất nhiều về bóng đá ở đây.
Ở AS Roma, chúng tôi có được khoảnh khắc mang tên Queens Park Rangers ngày nào của riêng mình ở Champions League mùa trước. Trận tứ kết lượt về đó với Barcelona là một trong những trận đấu để sau này, tôi có thể cho lũ nhóc xem lại và răn dạy chúng: "Hãy xem trận đấu này đi, để nhớ rằng đừng bao giờ bỏ cuộc".
Lượt đi, chúng tôi thua 1-4. Để thua 1-4 trước Barcelona, bước vào trận lượt về, chắc hẳn chúng tôi cũng nghĩ rằng mình đã "chết".
Cảnh tượng sau trận thắng 3-0 của AS Roma, loại Barcelona ở tứ kết Champions League 2017/18
Nhưng vào trận, khá may mắn, tôi ghi được bàn mở tỷ số bằng bàn thắng sớm, ở phút thứ 5 hay 6 gì đó. Khán giả trên sân bắt đầu tiếp thêm năng lượng cho chúng tôi. Chúng tôi có được một quả penalty ở hiệp 2. De Rossi bước lên và ghi bóng vào góc thấp bên phải. Thủ môn đã chạm được tay vào bóng, nhưng cú sút của De Rossi là quá mạnh để có thể cản phá.
Thêm lần nữa, máu trong người tôi lại chảy rần rật như ngày nào. Có lẽ? Chúng ta có thể?
Chúng tôi chạy như điên, đá bóng với nỗ lực của những con thú hoang dã, đặt tất cả những thứ chúng tôi có vào đôi chân. Trận đấu năm 2012 ấy lại trở lại thêm lần nữa. Chúng tôi hét động viên nhau: "Tiếp nào! tiếp nữa nào!".
Phút 82, Manolas ghi bàn thắng thứ 3. Kinh ngạc không thể tả xiết.
Sáng hôm sau, tôi xem lại trận đấu, và có vẻ như chúng tôi đá ra đã có thể ghi được đến 5, 6 bàn thắng một cách dễ dàng. Thật lạ khi có thể làm điều đó trước Barcelona, nhưng nó không phải là phép màu. Họ thực sự không có nhiều cơ hội. Chúng tôi đã làm chủ trận đấu. Đấu pháp của chúng tôi hoàn hảo.
Chúng tôi đã "chết", và rồi chúng tôi "đội mồ sống dậy". Nó có thể xảy ra ở Manchester, ở Rome. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ đâu. Đó là bóng đá.
Tôi đã 32 tuổi, và không chắc phía trước là gì. Chắc chắn tôi muốn cùng đồng đội đưa Bosnia góp mặt vào một giải đấu lớn nữa. Tôi rất hãnh diện khi góp phần đem lại niềm vui cho Tổ quốc vào năm 2014. Hãy hình dung xem, lần đầu tiên Bosnia tham dự World Cup, chúng tôi chơi trận ra mắt ở Maracana với Argentina. Nó là một giấc mơ trở thành sự thực. Tôi chỉ ước gì Messi không ghi bàn.
Sau kỳ World Cup đó, có nhiều sự thay đổi diệu kỳ trên quê hương tôi. Khi tôi còn bé, chúng tôi thần tượng các cầu thủ bóng đá từ các quốc gia khác nhau. Nhưng ngày tôi trở lại Sarajevo, bọn trẻ nói ngày càng nhiều về các cầu thủ Bosnia - đặc biệt là những cầu thủ như Miralem Pjanic, điều đó khiến tôi thực sự hạnh phúc.
Sau chiến tranh, chúng tôi quay lại cuộc sống với những giấc mơ giản dị. Chúng tôi chỉ muốn chơi bóng trong hòa bình. Bây giờ, tôi có bóng đá của mình, và tôi tìm thấy sự bình yên của mình.
Đôi khi, vợ tôi tóm được tôi khi đang xem Serie A, Premier League hay một trận đấu nào đó trên TV trong phòng khách, cô ấy sẽ hỏi: "Suốt ngày đá bóng còn chưa đủ à?".
Tôi chỉ mỉm cười. Cô ấy biết mà. Không, tất nhiên, bóng đá chẳng bao giờ là đủ cả.