Tu-160 lập kỷ lục 'vô tiền khoáng hậu', Nga hé lộ kế hoạch 'khủng' nhưng mộng khó thành?

Vy Lam |

Nga đang nuôi dưỡng một kế hoạch đầy tham vọng với "Thiên nga trắng" Tu-160. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, việc này không hề đơn giản như chỉ cần bật công tắc là xong.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Mặc dù Tu-160 đã được phát triển từ những năm cuối thời Liên Xô nhưng các nhà lãnh đạo quân sự Nga vẫn hy vọng có thể biến nó trở thành trụ cột trong lực lượng máy bay ném bom tương lai của Moscow.

Tuy đã vượt qua nhiều rào cản để nối lại dây chuyền sản xuất mẫu máy bay này sau nhiều thập kỷ tạm dừng nhưng trở ngại vẫn còn đó, và đây sẽ là thách thức đối với mục tiêu sản xuất Tu-160 theo số lượng Moscow mong muốn.

Tu-160 lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu, Nga hé lộ kế hoạch khủng nhưng mộng khó thành? - Ảnh 1.

Máy bay ném bom Tu-160. Ảnh: TASS

Chặng đường phát triển và kỷ lục 'vô tiền khoáng hậu'

Còn được biết đến với biệt danh tiếng Nga là "Thiên nga trắng" (Belyi Lebed) hay "Blackjack" theo định danh của NATO, Tu-160 là một trong những mẫu máy bay ném bom đặc biệt nhất trong biên chế của Nga hiện nay.

Chương trình phát triển Tu-160 được xúc tiến vào năm 1972 như một lời đáp trả cho chương trình XB-70 Valkyrie của Mỹ. Trong khi XB-70 bị hủy bỏ thì "Thiên Nga trắng" của Nga đã lần đầu tiên cất cánh vào năm 1981 và được đưa vào hoạt động trong năm 1987.

Ngày nay, lực lượng hàng không vũ trụ Nga đang sử dụng biến thể được hiện đại hóa mang tên Tu-160M (trong đó bao gồm cả cấu hình Tu-160M2 được nâng cấp thêm).

Tháng 9/2020, quân đội Nga hoan hỉ thông báo những chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-160 "Thiên nga trắng" đã thực hiện nhiệm vụ không nghỉ trong suốt hơn 25 tiếng đồng hồ - một kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" của Không quân Nga.

"Tu-160 đã thiết lập kỷ lục thế giới về khoảng cách và thời gian chuyến bay không nghỉ đối với các máy bay loại này" - hãng thông tấn TASS tuyên bố.

Tu-160 ưu tú là vậy nhưng đáng tiếc, ngành công nghiệp máy bay của Liên Xô và Nga chỉ cho ra đời được tổng cộng 36 chiếc Blackjack trước khi ngừng dây chuyền sản xuất năm 1994 (một số chiếc mới chỉ được hoàn thiện một phần vào thời điểm đó).

Tu-160 lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu, Nga hé lộ kế hoạch khủng nhưng mộng khó thành? - Ảnh 2.

Tu-160M cất cánh vào tháng 1/2022. Ảnh: Twitter

'Thiên nga trắng' hồi sinh

Năm 2015, Nga tiết lộ rằng nước này sẽ nối lại dây chuyền sản xuất Tu-160 sau nhiều thập kỷ tạm dừng. Hai năm sau, điều này càng được củng cố thêm khi Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov tuyên bố toàn bộ phi đoàn Tu-160 của Nga sẽ trải qua quá trình "hiện đại hóa sâu".

Kế hoạch sản xuất tới 50 máy bay mới và hiện đại hóa phi đoàn hiện có dự kiến sẽ giúp tăng cường năng lực của máy bay ném bom chiến lược Nga từ ngắn hạn đến trung hạn trong thời gian chờ đợi mẫu máy bay ném bom thế hệ mới.

Phiên bản mới của "Thiên nga trắng", ra đời từ dây chuyền sản xuất được nối lại, đã cất cánh lần đầu tiên vào tháng 1/2022.

Tu-160M được trang bị 4 động cơ NK-32-02, có thể cho phép máy bay đạt tốc độ Mach 2 với tầm bay 12.000km.

Cấu hình cánh thay đổi của Tu-160 giúp nó linh hoạt khi bay, tùy thuộc vào nhiệm vụ. Với mục đích thiết kế là bắn tên lửa hành trình ở khoảng cách xa, "Thiên nga trắng" có khả năng triển khai tên lửa hành trình Kh-55MS [có thể mang đầu đạn hạt nhân], cũng như nhiều loại tên lửa hành trình phi hạt nhân và tên lửa chống hạm khác.

Tuy nhiên, việc tái sản xuất Tu-160 không hề đơn giản như chỉ cần bật công tắc. Thay vào đó, cục thiết kế máy bay Tupolev và Hiệp hội sản xuất máy bay Kazan (KAPO) phải xử lý một loạt các vấn đề về chuỗi cung ứng và hậu cần khi quân đội Nga đưa ra yêu cầu tái sản xuất vào năm 2015.

Đặc biệt, KAPO còn đối mặt với thực trạng rằng họ đã mất khả năng sản xuất nhiều thành phần công nghệ cấp cao nhất của Tu-160 kể từ khi dây chuyền tạm dừng vào những năm 1990.

Oanh tạc cơ Tu-160M bay thử hôm 12/1/2022

Tình hình hiện tại và triển vọng

Tương tự như bộ phận còn lại của ngành công nghiệp vũ khí Nga, và các bộ phận công nghệ cao khác trong nền kinh tế Nga, Tupolev đang gặp phải những trở ngại do các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Moscow.

Tuy nhiên, ngay cả khi chưa có các lệnh trừng phạt này thì ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Nga cũng đã phải vật lộn để đáp ứng được các mục tiêu mà Điện Kremlin đặt ra, trong đó tập trung vào việc gia tăng nhịp độ sản xuất trong những năm 2020.

Với chi phí dành cho mỗi chiếc Tu-160 theo dây chuyền sản xuất mới là 270 triệu USD, hiện chưa rõ Nga có sẵn lòng hay có đủ khả năng chi một khoản tiền lớn như vậy để nâng cấp và mở rộng phi đoàn máy bay ném bom hiện có hay không.

Cho tới hiện tại, Tupolev đang thực hiện hợp đồng sản xuất 10 chiếc đầu tiên trong tổng cộng 50 chiếc Tu-160 mà Điện Kremlin đặt mục tiêu hoàn tất.

Mặc dù Bộ Quốc phòng Nga thông báo 10 chiếc máy bay này sẽ được chuyển giao vào cuối năm 2027 nhưng đã có rất nhiều hoài nghi về điều này bởi ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Nga từng không ít lần thất bại trong việc đáp ứng thời hạn. Ví dụ như trong trường hợp của tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57.

Các vấn đề về sản xuất trong ngành công nghiệp hàng không quân sự Nga, cũng như việc thiếu nguồn tài chính sẽ tạo ra nhiều thách thức cho Moscow khi họ đang đặt mục tiêu đưa "Thiên nga trắng" trở thành xương sống của lực lượng máy bay ném bom chiến lược Nga trong tương lai.

Theo nhà phân tích Wesley Culp trên trang tin 19fortyfive, các nhà lãnh đạo quân sự Nga rất có thể sẽ phải lựa chọn giữa việc tăng cường phi đoàn Tu-160 hay tập trung phát triển mẫu máy bay ném bom mới cho Không quân Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại