Tu-160 kết hợp tên lửa đạn đạo siêu thanh: "Công thức diệt mục tiêu" mới của Nga?

Kiều Anh/ |

Kết hợp máy bay ném bom chiến lược Tu-160 với tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinzhal liệu có giúp Nga tạo nên một “công thức diệt mục tiêu” mới?

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Ảnh: Reuters

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Ảnh: Reuters

Trang bị cho máy bay ném bom Tu-160 tên lửa Kinzhal là một ý tưởng thú vị ở một vài cấp độ. Máy bay ném bom này hiện đang được trang bị tên lửa hành trình siêu âm Kh-55 với tầm bắn 2.500 km và tên lửa Kh-102 mới hơn với tầm bắn hơn 5.000 km.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga có lẽ sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo siêu thanh. Quân đội Nga đang nghiên cứu xem liệu có thể trang bị cho Tu-160 tên lửa có khả năng hạt nhân Kh-47M2 Kinzhal với tầm bắn ước tính gần 2.000 km và tốc độ lên tới Mach 10 hay không. Nếu điều này thành sự thật, sự kết hợp trên sẽ mở rộng đáng kể khả năng nhắm vào mục tiêu của Tu-160.

"Khả năng triển khai Kinzhal trên máy bay Tu-160 đang được cân nhắc. Công việc này dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm nay", hãng thông tấn TASS dẫn một nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Tu-160 của Nga không phải là máy bay chiến đấu đầu tiên của Nga được trang bị tên lửa Kinzhal. Năm 2018, các quan chức Nga thông báo tên lửa này tương thích với chiến đấu cơ MiG-31.

"Hiện tại, các chiến đấu cơ MiG-31K được trang bị tên lửa siêu thanh đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thử nghiệm ở Quân khu phía Nam của Nga", TASS cho hay.

Máy bay ném bom Tu-160 có thể di chuyển từ 13.000 - 14.500 km mặc dù trong một lần hoạt động, nó thậm chí có thể bay tới gần 18.000 km và ở trên cao trong 23 giờ.

Các tên lửa đạn đạo Kinzhal có tầm bắn ngắn hơn nhưng lại đạt tốc độ lớn hơn so với những tên lửa hành trình phiên bản cũ hơn. Đây là một đặc điểm quan trọng bởi Nga đang tăng cường phát triển tên lửa siêu thanh (nhanh hơn Mach 5) do lo ngại các vũ khí siêu âm và hạ âm dễ bị hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ bắn hạ.

Kinzhal được thiết kế để thâm nhập vào hệ thống tên lửa và phá hủy các cơ sở quan trọng như các trung tâm chỉ huy, mặc dù nó cũng có thể được sử dụng như một tên lửa chống hạm.

Một máy bay ném bom tầm xa, có khả năng mang hoặc các tên lửa hành trình tầm xa di chuyển chậm hoặc các tên lửa đạn đạo tầm ngắn có vận tốc vô cùng nhanh, sẽ "làm khó" hệ thống phòng thủ tên lửa phương Tây khi phải ngăn chặn các mục tiêu khác nhau.

Năm 2015, Nga thông báo kế hoạch tái khởi động việc sản xuất Tu-160, thậm chí cả khi Moscow tiết lộ về một loại vũ khí chiến lược mới như tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân. Việc trang bị các tên lửa siêu thanh cho kho vũ khí của Tu-160 sẽ giúp mở rộng những triển vọng tương lai của máy bay ném bom chiến lược này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại