Hôm qua, 25/12/2016 là một ngày đen tối trong lịch sử Không quân Nga khi chiếc Tu-154 chở theo 92 người gặp nạn, rơi ở Biển Đen, chỉ vài phút sau khi cất cánh từ sân bay của thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng Sochi (Nga). Toàn bộ 92 người trên khoang thiệt mạng, trong đó có gần như toàn bộ đội Quân nhạc trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga.
Nước Nga đã để quốc tang tưởng niệm những người đã hy sinh vì nhiệm vụ. Rồi đây họ sẽ tìm ra nguyên nhân tại sao máy bay lại rơi khi nó đang thực hiện hành trình tới Syria, nơi các binh sĩ Nga đang sát cánh cùng lực lượng đồng minh tiễu trừ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tuy nhiên, không nhiều người biết, chỉ trước đó chừng 10 ngày, hôm 15/12, đã có 2 chiếc tiêm kích Su-27 (nhiều khả năng là phiên bản Su-27SM nâng cấp) đâm nhau ngay trên đường băng của sân bay Khotilovo. Có một phi công bị thương.
Tại thời điểm bức ảnh được chụp, dường như phi công trên chiếc tiêm kích Su-27 số hiệu 02 "đỏ" vẫn đang bị kẹt trong buồng lái khi bị chiếc máy bay tương tự mang số hiệu 03 "đỏ" ngự lên đầu. May mắn là nhờ kết cấu cứng, vững, đầu chiếc Su-27 số 02 đã không gãy gục khi chịu một trọng lượng nhiều tấn đè lên.
2 tiêm kích Su-27SM của Nga đâm vào nhau
Được biết, cả 2 chiếc tiêm kích Su-27SM này đều thuộc biên chế của Trung đoàn không quân 790 trong đội hình Sư đoàn không quân số 6 của Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga đóng quân tại căn cứ sân bay Khotilovo (vùng Tver).
Theo những báo cáo không chính thức, nguyên nhân xảy ra vụ va chạm kể trên là do phi công của chiếc tiêm kích Su-27SM số hiệu 02 "đỏ" đã "mất lái" khi chạy taxi trong khu vực sân bay dẫn tới húc vào chiếc Su-27SM số hiệu 03 "đỏ".
Thiệt hại được cho là "không lớn", nhưng phi công trên chiếc số 02 đã bị một phen hú vía, và phải chịu trận trong buồng lái hàng chục phút trước khi được giải cứu.
Trước đó, cách đây 19 năm, vào ngày 26/05/1997, một vụ việc tương tự đã xảy ra với 3 chiếc tiêm kích Su-27 của Không quân Ukraine tại sân bay Mirgorod.
2 phi công trên chiếc tiêm kích Su-27UB huấn luyện 2 chỗ ngồi số hiệu 68 "đỏ: đã không tuân thủ điều lệnh bay, không kiểm tra kỹ tình trạng máy bay mà đã nổ máy khiến máy bay lao đi, đè lên 2 chiếc khác. Một thợ kỹ thuật khi đó vẫn còn đang đứng trên thang ở hông may bay.
Vụ việc này đã khiến 1 chiếc bị hỏng không khôi phục được, cuối cùng nó đã bị loại biên, đưa vào làm vật trưng bày tại Bảo tàng Không quân Ukraine ở Vinnica.
3 tiêm kích Su-27 của Ukraine đâm nhau.
Bình luận vụ việc một cách khách quan, một số chuyên gia quân sự cho rằng bức ảnh trên đã nêu nên một trong những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng mà Không quân Nga phải đối mặt khi nỗ lực xây dựng lại sự hùng mạnh vốn có từ thời Liên Xô, sau 25 năm rệu rã.
Trong khi Không quân Nga liên tiếp được nhận nhiều vũ khí mới, như tiêm kích Su-30SM, Su-35S và tiêm kích bom đa năng Su-34 thì vấn đề nhân sự lại đang bị tụt hậu, không theo kịp sự lớn mạnh về lực lượng. Phi công và đội ngũ kỹ thuật không được đào tạo tới nơi tới chốn.
Tất nhiên, kinh nghiệm cũng là "cái gì đó" khá xa xỉ, nhất là đối với phi công tiêm kích Nga, do họ được bay quá ít.
Vài năm gần đây, trong khi các phi công chiến đấu Mỹ (thuộc Không quân, Không quân hải quân và Không quân lực lượng viễn chinh thủy quân lục chiến) thường xuyên phàn nàn rằng họ không được cung cấp đủ số giờ bay cần có thì các đồng nghiệp Nga còn ở trong tình trạng tồi tệ hơn nhiều và kéo dài liên tục.
Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Quân đội Nga kế thừa toàn bộ sức mạnh, với số vũ khí trang bị khổng lồ. Tuy nhiên, do kinh tế, chính trị bất ổn, trong thập niên 1990 Quân đội Nga ngày càng suy yếu.
Nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lực lượng vũ trang, đặc biệt là phi công đã không được đào tạo đầy đủ, các "ngón nghề", kỹ năng bay của các phi công đàn anh không được lớp phi công mới tiếp thu và phát huy bởi họ ít có thời gian huấn luyện thực tế cùng nhau.
Trong những năm 2000, giá dầu cao và nền kinh tế Nga phục hồi, đã cho phép Moscow chú trọng đầu tư nhiều hơn cho quân đội khi liên tiếp có những đơn hàng nội bộ đặt mua nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại. Nhưng vẫn như mọi khi, đào tạo tiếp tục là "lực cản".
Các lực lượng Nga tham chiến ở Syria đã bộc lộ những điểm yếu chết người, ngoài yếu tố kỹ thuật thì cả 2 vụ tai nạn phá hủy tiêm kích MiG-29K và Su-33 thuộc biên chế tàu sân bay Kuznetsov đều ít nhiều có lỗi do con người.
Tuy nhiên, rõ ràng, việc tung phóng sức mạnh, thực chiến ở Syria đã khiến Quân đội Nga tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, nhiều bài học đã được rút tỉa để đưa vào học thuyết quân sự mới. Hy vọng rằng, tới đây, Không quân Nga nói riêng và Quân đội Nga nói chung sẽ tìm lại được sức mạnh của một siêu cường, phá thế độc tôn của Mỹ.